Đẩy mạnh học tập suốt đời trong công nhân lao động
Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tạo điều kiện để công nhân lao động tại các doanh nghiệp, nhất là công nhân lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế tích cực học tập suốt đời để nâng cao kiến thức pháp luật, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chấp hành kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, góp phần xây dựng xã hội học tập.
(BDO)
Thủ tướng Chính phủ vừaphê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020”.
Đề án đặt mục tiêu vận động, tạo điều kiện để 80% công nhân lao động tại các doanh nghiệp nói chung, 90% công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế được đào tạo nghề (đào tạo qua trường, lớp hoặc doanh nghiệp tự đào tạo); 50% công nhân lao động được đào tạo lại, 40% công nhân lao động có tay nghề cao
Vận động, tạo điều kiện để 50% công nhân lao động tại các doanh nghiệp nói chung, 60% công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế được học tập, bồi dưỡng về ngoại ngữ, tin học...
Hỗ trợ, tạo điều kiện cho công nhân lao động tham gia học tập
Một trong những nhiệm vụ và giải pháp của Đề án là tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành, các cơ sở giáo dục, đào tạo, các tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho công nhân lao động tham gia học tập.
Cụ thể, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp trong việc tổ chức các lớp học xóa mù chữ, bổ túc văn hóa, bồi dưỡng nhận thức về chính trị, kiến thức pháp luật, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng nghề nghiệp, các lớp kèm cặp tay nghề, luyện tay nghề, thi thợ giỏi, thi nâng bậc thợ hằng năm cho công nhân lao động; xây dựng chính sách khuyến khích công nhân lao động tự học, tự nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động để đưa nhiệm vụ nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho công nhân lao động vào thỏa ước lao động tập thể, theo đó các doanh nghiệp tạo điều kiện cụ thể về thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất; động viên, khuyến khích công nhân lao động tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; vận động các doanh nghiệp xây dựng Quỹ Khuyến khích học tập nâng cao tay nghề công nhân lao động để hỗ trợ, động viên, tặng học bổng, khen thưởng công nhân lao động tích cực và có thành tích cao trong học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.
Lựa chọn, trao tặng học bổng (toàn phần, bán phần) cho công nhân lao động theo học các lớp đào tạo dài hạn nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp đạt thành tích cao.
Xây dựng mô hình “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa”
Cũng theo Đề án, cần xây dựng mô hình “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa” phục vụ công nhân lao động gắn với các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
Cụ thể, trên cơ sở thống kê, rà soát, khảo sát thực tế hoạt động của các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đầu tư bổ sung trang thiết bị, sách, báo, máy tính kết nối Internet cho các điểm sinh hoạt văn hóa công nhân để xây dựng “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa” phục vụ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Vận động các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế ưu tiên bố trí diện tích nhà cho “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa” phù hợp với quy mô công nhân và giao cho Công đoàn các khu công nghiệp quản lý để phục vụ công nhân lao động học tập, sinh hoạt văn hóa.
Tổ chức sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện Đề án và đánh giá mô hình “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa”; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án và công nhân lao động có thành tích xuất sắc trong học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.
Theo chinhphu.vn