Đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo

Thứ tư, ngày 12/02/2020

(BDO)  

 

 

 Để thúc đẩy phát triển khởi nghiệp, trong những năm qua Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã chủ trì tham mưu nhiều kế hoạch phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế địa phương.

 Ngành chức năng triển khai hoạt động theo mô hình giáo dục STEM/STEAM cho học sinh huyện Dầu Tiếng. Ảnh: TIỂU MY

 Đặt nền tảng vững chắc

Theo đó, Sở KHCN đã triển khai các hoạt động tiền đề, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh, như tiến hành khảo sát phòng thí nghiệm tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn nhằm mục đích phát triển thành các phòng thí nghiệm chế tạo (Fablabs) và phòng thực nghiệm công nghệ (Techlabs). Bên cạnh đó, sở tổ chức các đoàn tham quan, học hỏi mô hình hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong cả nước; tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo để tham khảo ý kiến các chuyên gia về định hướng và giải pháp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh…

Để đặt nền móng vững chắc cho chương trình đào tạo khởi nghiệp, từ năm 2017 sở đã tổ chức nhiều khóa đào tạo kiến thức về khởi nghiệp cho cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, địa phương; đào tạo khởi nghiệp cho đối tượng phụ nữ có nhu cầu phát triển mô hình kinh doanh… Các chương trình đào tạo đã cung cấp những kiến thức cơ bản và nền tảng liên quan đến khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp và hoạt động hỗ trợ phát triển khởi nghiệp cho các nhóm đối tượng tham dự.

Đối với hoạt động trải nghiệm sáng tạo, Sở KHCN phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức hội thảo giáo dục STEM/STEAM: Đi từ trải nghiệm thực hành đến tư duy sáng tạo, với mục đích cung cấp và chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm liên quan đến giáo dục STEM. Qua hội thảo này các đại biểu có thêm kiến thức về phát triển tư duy khởi nghiệp và kết nối cộng đồng qua giáo dục STEM; mô hình giáo dục STEM toàn diện và linh hoạt cho trường trung học phổ thông Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả của giáo dục STEM trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, Sở KHCN cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, cơ chế hỗ trợ đối với các hoạt động khởi nghiệp, như thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020; chủ trương thực hiện một số nội dung về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…

Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở KHCN, việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp không chỉ giúp tăng số lượng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mà còn tạo điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực chuỗi cung ứng. Cùng với đó, hoạt động này nhằm thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm, doanh nghiệp lớn trong khu vực; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương theo chiều sâu trên cơ sở tăng cường đóng góp của KHCN; tăng cường hợp tác công - tư, thúc đẩy liên kết “ba nhà” (Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp) theo định hướng phát triển của tỉnh hiện nay. Do đó, tỉnh luôn có sự quan tâm đặc biệt với kế hoạch phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn.

Tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo

Ông Cường cho biết để đẩy mạnh hoạt động sáng tạo tỉnh tiếp tục xây dựng hệ sinh thái kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo và mạng lưới chuỗi cung ứng với các nhà cung cấp vững chắc, có năng lực, luôn hội nhập và sẵn sàng. Việc ra đời Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương (BIIC) là không gian tổ chức các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và phát triển các sáng kiến phục vụ thành phố thông minh, do Sở KHCN quản lý và vận hành.

Trung tâm BIIC, với sứ mệnh phục vụ cộng đồng, người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp sẽ phát triển thành đầu mối then chốt trong việc thúc đẩy ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong mọi lĩnh vực, đồng thời không ngừng đổi mới sáng tạo để hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và bền vững tại tỉnh. Trung tâm cũng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho cá nhân, cộng đồng, nhà đầu tư và doanh nghiệp một cách linh hoạt và nhanh chóng.

Trong thời gian tới, Sở KHCN tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; vận hành website chính thức của Trung tâm BIIC; cập nhật liên tục các thông tin về chương trình hỗ trợ đối với hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thông qua website và fanpage chính thức (Binh Duong Innovation Center). Đồng thời, sở sẽ triển khai các chương trình truyền thông đến các trường, doanh nghiệp và những đối tượng được hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.

Về mảng đào tạo, Sở KHCN tiếp tục thực hiện các chương trình đào tạo chuyên sâu dành cho đội ngũ giảng viên và nhà khởi nghiệp, các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; cung cấp kiến thức về ý tưởng, mô hình kinh doanh, chiến lược kinh doanh, sản phẩm, đội ngũ cộng sự, thương hiệu, huy động vốn đầu tư, khả năng lãnh đạo...

 Thạc sĩ Nguyễn Diên Hồng Hạnh, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU), cho hay nằm trong khuôn khổ các chương trình xây dựng nên hệ sinh thái khởi nghiệp tại Bình Dương, thời gian qua EIU đã tạo điều kiện thuận lợi để nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo hiện thực hóa. EIU đã đưa chuyên ngành khởi nghiệp vào chương trình đào tạo và thành lập Vườn ươm doanh nghiệp với tầm nhìn “Thúc đẩy tư duy khởi nghiệp và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong khu vực, qua đó đóng góp giá trị mới cho cộng đồng và nền kinh tế quốc gia”, mang đến nhiều chương trình, dịch vụ hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp. Trong năm 2020, với sự ra đời của Trung tâm BIIC sẽ tiếp tục tạo những điều kiện thuận lợi để kết nối mô hình “ba nhà” phát triển mạnh mẽ hơn.

 TIỂU MY