Đẩy mạnh hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP

Thứ ba, ngày 17/12/2024

(BDO) Thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; đồng thời nhằm nâng cao vị thế các sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi địa phương một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh thực hiện các hoạt động nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo hiệu ứng tích cực cho sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhờ đó, thương hiệu của các sản phẩm OCOP được bảo vệ, duy trì và phát triển, ngày càng đến gần hơn với người tiêu dùng.

 Sản phẩm sầu riêng Phú An Khương đạt OCOP 3 sao đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

 Hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu OCOP

Năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ động tổ chức và phối hợp tổ chức hướng dẫn xác lập quyền về sở hữu công nghiệp cho 809 tổ chức, cá nhân, trong đó có hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu 684 tổ chức, cá nhân - chủ thể tiềm năng tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Kết quả đánh giá, phân hạng đợt 1 của Hội đồng cấp tỉnh cho thấy có 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (chuối Unifarm của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I, huyện Phú Giáo; mật ong Thanh Hảo của Công ty TNHH Mật ong Thanh Hảo, huyện Bắc Tân Uyên). Đến nay, toàn tỉnh có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 256 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Ông Đặng Dích Trung, Giám đốc Công ty TNHH Mật ong Thanh Hảo, cho biết công ty chú trọng đầu tư bao bì, mẫu mã đa dạng, nhiều dung tích để người tiêu dùng dễ lựa chọn. Nguồn sản phẩm cung cấp đầu vào được công ty ký kết hợp đồng với các hộ dân nuôi mật ong trên địa bàn xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên và các vùng lân cận. Sản phẩm của công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu từ năm 2012 và đã được gia hạn đến năm 2031. Mỗi năm, công ty đạt lợi nhuận trên 300 triệu đồng.

Được công nhận đạt OCOP 3 sao, sản phẩm sầu riêng Phú An Khương của hộ kinh doanh Phú An Khương (xã An Bình, huyện Phú Giáo) được hướng dẫn và đăng ký bảo hộ, có mã vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ông Đinh Ngọc Khương, chủ hộ kinh doanh, chia sẻ sản phẩm sầu riêng của gia đình được chăm sóc theo quy trình VietGAP và đã đạt OCOP 3 sao. Việc đăng ký nhãn hiệu sẽ giúp cơ sở có nhiều thuận lợi hơn để phát triển, quảng bá, truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Zalo; giúp tăng khả năng nhận biết thương hiệu, tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn.

Tầm quan trọng của bảo hộ nhãn hiệu

Theo quy định của pháp luật, Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (gọi tắt là giấy chứng nhận) cho các tổ chức, cá nhân. Tổ chức, cá nhân được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận là chủ sở hữu của nhãn hiệu đã đăng ký, được hưởng quyền đối với nhãn hiệu (quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt) trong phạm vi bảo hộ ghi trong giấy chứng nhận và trong thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận.

Giấy chứng nhận là cơ sở pháp lý để chủ sở hữu nhãn hiệu khai thác thương mại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chống lại các hành vi xâm phạm nhãn hiệu, mang lại lợi ích trong việc cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường, đồng thời giúp phân biệt và bảo hộ nhãn hiệu của chủ sở hữu đối với nhãn hiệu khác. Nhãn hiệu không đăng ký sẽ dẫn đến khả năng bị mất quyền sử dụng nhãn hiệu khi có người khác đăng ký nhãn hiệu đó cho các sản phẩm, dịch vụ cùng loại.

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ cho biết ngày 23-2- 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 148/QĐ- TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP. Theo đó, một trong những yêu cầu đối với bất kỳ sản phẩm tham gia OCOP mà chủ thể đăng ký đánh giá, phân hạng 4 sao về sở hữu trí tuệ là “Nhãn hiệu sử dụng trên sản phẩm của chủ thể được cấp giấy chứng nhận đăng ký”, tức là chủ thể phải có giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đây là một trong những chỉ tiêu bắt buộc để sản phẩm được đánh giá, phân hạng 4 sao.

Thời gian qua, nhiều sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng tổng điểm đạt 4 sao nhưng chưa đạt tiêu chí về sở hữu trí tuệ nên các chủ thể phải chấp nhận 3 sao, chờ giấy chứng nhận đăng ký khẳng định sở hữu trí tuệ mới được công nhận 4 sao. Bà Tăng Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Hiếu Hằng (huyện Phú Giáo), cho hay năm 2024, sản phẩm tổ yến của công ty được đánh giá, phân hạng 3 sao. Công ty đã tiến hành đăng ý bảo hộ nhãn hiệu và đang chờ được cấp giấy chứng nhận để được công nhận lên hạng 4 sao. Việc được cấp giấy chứng nhận giúp bảo hộ quyền sở hữu sản phẩm, tránh được tình trạng làm nhái, làm giả sản phẩm.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, trước khi có Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 23-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ, tiêu chí “Nhãn hiệu sử dụng trên sản phẩm của chủ thể được cấp giấy chứng nhận đăng ký” là chưa bắt buộc, mà chỉ là tiêu chí khuyến khích. Trong khi đó, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu không phải là nghĩa vụ bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu. Do vậy, phần lớn các tổ chức, cá nhân thường ít quan tâm đến việc tiến hành đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến số lượng các sản phẩm tham gia OCOP đạt hạng 4 sao còn hạn chế. Mặc dù đăng ký bảo hộ nhãn hiệu không phải là thủ tục bắt buộc, nhưng đây là việc làm rất cần thiết và là cơ sở để xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu.

 Theo Sở Khoa học và Công nghệ, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP đã thúc đẩy các chủ thể sáng tạo, quảng bá thương mại cho sản phẩm. Các sản phẩm OCOP sau khi được bảo hộ nhãn hiệu có ý nghĩa rất lớn, cụ thể là thương hiệu mang tính bền vững, nâng cao giá trị, mở rộng thị trường, tạo lòng tin với người tiêu dùng, góp phần nâng cao vị thế các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề trên thị trường.

 TIẾN HẠNH - QUANG TRÍ