Đẩy mạnh giao thương, phát triển thị trường Ấn Độ
(BDO) Với những lợi thế trên các lĩnh vực ngoại giao, hợp tác phát triển, doanh nghiệp (DN) Bình Dương và các đối tác Ấn Độ đẩy mạnh kết nối giao thương, nâng cao tiềm lực phát triển lên tầm cao mới.
NẮM BẮT CƠ HỘI THỊ TRƯỜNG
Sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ, Ấn Độ trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2021, thương mại song phương của hai nước lần đầu tiên đạt 13,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 36,5% so với năm 2020. Hai nước đang cùng nhau hướng tới mục tiêu đạt 15 tỷ đô la Mỹ phát triển thương mại song phương nói chung. Đây là bước chuyển biến mạnh mẽ trong quan hệ giao thương giữa tỉnh Bình Dương với các đối tác Ấn Độ trong thời gian tới.
Trao đổi giữa lãnh đạo ngành công thương tỉnh và các doanh nghiệp Ấn Độ tại hội nghị kết nối giao thương Ấn Độ 2022
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định hội nghị giao thương xúc tiến thương mại Ấn Độ 2022 là một trong những sự kiện tốt nhất khi DN Việt Nam có cơ hội kết nối trực tiếp với gần 20 DN Ấn Độ đa lĩnh vực nhằm mở rộng thị trường quốc tế, phát huy tiềm lực kinh tế mạnh mẽ của DN và đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế của hai nước. Ông Nguyễn Văn Dành đánh giá đây là một trong những sự kiện tốt nhất khi DN Việt Nam có cơ hội kết nối trực tiếp với gần 20 DN Ấn Độ đa lĩnh vực ngành nông sản, gỗ, dược, dệt may, sắt thép, năng lượng tái tạo, nhựa, bao bì… nhằm mở rộng thị trường quốc tế, phát huy tiềm lực kinh tế mạnh mẽ của DN và đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế của hai nước.
“Về lâu dài, để duy trì một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và bền vững, chính quyền tỉnh Bình Dương đang tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về giao thương giữa tỉnh Bình Dương và thị trường Ấn Độ. Thúc đẩy quảng bá, kết nối giao thương, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tích cực hơn cho các DN, ngành hàng, làng nghề, các sản phẩm của tỉnh tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội trao đổi, mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ với đối tác Ấn Độ”, ông Nguyễn Văn Dành khẳng định.
Theo các DN đến từ Ấn Độ, giai đoạn hiện nay khi cả Ấn Độ và Việt Nam đang tập trung vào việc phục hồi kinh tế nhanh chóng. Vì vậy, đây chính là thời điểm vàng để tập trung vào việc thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn. Còn có tiềm năng mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác như dược phẩm, dệt may, thực phẩm chế biến… Bởi nếu có thể phát triển hợp tác liên doanh hai bên sẽ giúp nhau chuyển giao các công nghệ cao, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực.
ĐỊNH HƯỚNG RÕ RÀNG
Theo ông Cao Văn Đồng, Trưởng ban Xúc tiến thương mại Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), Ấn Độ là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Với dân số khoảng 1,4 tỷ người và thị trường lớn, Ấn Độ sẽ tạo nhiều cơ hội cho các DN trong đó có Bình Dương. Nếu chỉ cần nhắm vào 1/5 dân số của Ấn Độ thôi thì thị trường đồ gỗ Bình Dương đã có một thị trường rất rộng lớn. Tuy vậy điều chúng tôi cần là tìm kỹ phong tục, tập quán, thẫm mỹ của các đối tượng khách hàng mà chúng ta hướng tới. Thêm vào đó là các rào cản về thuế quan, quy định về xuất xứ hàng hóa… Chúng tôi đang nỗ lực để đẩy mạnh phát triển thị trường đồ gỗ Bình Dương hướng đến.
Đáng chú ý, ông Karunendra Jasti, Chủ tịch Tổ chức FAPCCI (Ấn Độ) cho biết Bình Dương có thể đẩy mạnh xuất khẩu hoa quả, các mặt hàng gia vị như quế, hồi, tiêu, các sản phẩm gỗ, may mặc... Ngược lại, DN Ấn Độ muốn đầu tư sản xuất sản phẩm nông sản mang giá trị gia tăng tại Việt Nam để xuất khẩu trở lại thị trường Ấn Độ. Do đó, trong quan hệ thương mại, Bình Dương và Ấn Độ vẫn còn nhiều dư địa cho hợp tác đầu tư và thương mại đối với các sản phẩm xuất khẩu cũng như hỗ trợ nhau về công nghệ chế biến.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh tổ chức hội nghị lần này chúng tôi mong muốn giúp các DN Bình Dương và Ấn Độ có cơ hội tìm hiểu chính sách xúc tiến thương mại, trao đổi, hợp tác kinh doanh trong nhiều lĩnh vực theo tiềm năng thế mạnh của mình, nhằm thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương; tạo sự chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu thô. Từ đó, khuyến kích phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh, khả năng thâm nhập quốc tế và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo thị phần ổn định trên thị trường thế giới. Bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển thị trường nội địa và tăng trưởng xuất khẩu theo hướng bền vững.
Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.Hồ Chí Minh đánh giá cao Bình Dương với các lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại, đồng thời, với sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ đã và đang tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy Bình Dương vươn lên thành một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp và đô thị. Đây là những điều kiện rất khả quan để DN Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển vào Bình Dương. Ông Madan Mohan Sethi cũng đánh giá cao cách sự chủ động của chính quyền Bình Dương trong hoạt động kết nối phát triển thương mại dịch vụ và kỳ vọng trong thời gian tới sẽ đưa kết nối giao thương giữa Bình Dương và Ấn Độ lên tầm cao mới.
Ấn Độ hiện đứng thứ 23 trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Bình Dương với 10 dự án và tổng vốn đầu tư hơn 116 triệu đô la Mỹ. Lĩnh vực đầu tư chủ yếu là dụng cụ y tế, công nghiệp chế biến, chế tạo, thanh trùng nông sản thực phẩm… |
TIỂU MY - THẠNH MỸ