Đẩy mạnh giám sát, xử phạt các hành vi vi phạm Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá
(BDO) Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) được Quốc hội thông qua gồm 5 chương và 35 điều, có hiệu lực kể từ ngày 1-5-2013. Luật PCTHTL đã thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về PCTHTL, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác PCTHTL trong giai đoạn hiện nay, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Chuyển biến trong nhận thức
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc nhiều nhất thế giới. Để đấu tranh chống lại tác hại của khói thuốc lá, Luật PCTHTL đã xây dựng một hành lang pháp lý với những quy định quan trọng.
Cụ thể, có 4 địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bệnh viện, trạm y tế, trường học, nơi chăm sóc, nuôi dưỡng vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
Luật cũng quy định có 3 địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà, gồm: Cơ quan, công sở, nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng. Luật cũng cấm hoàn toàn hút thuốc trên máy bay, ô tô, tàu điện.
Tiết mục dự thi cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, sáng kiến phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Thực hiện Luật PCTHTL, trong những năm qua Bình Dương đã có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện nghiêm, xây dựng cơ quan, đơn vị không khói thuốc. Nhờ vậy, nhiều cơ quan đã thực hiện tốt công tác này. Qua các đợt giám sát PCTHTL hàng năm tại các cơ quan, đơn vị đều có sự thay đổi trong thực hiện Luật PCTHTL. Trước tiên là nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường đã được nâng cao, có chuyển biến rõ rệt trong hành động. Nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch hoạt động, báo cáo tổng kết hàng năm; treo panô, áp phích, biển cấm hút thuốc tuyên truyền tác hại của thuốc lá và Luật PCTHTL ở những vị trí dễ quan sát. Đặc biệt, đã đưa vào quy chế cơ quan, tiến hành ký cam kết và nhận xét thi đua theo quý, năm.
Qua giám sát tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh không còn những mẩu thuốc lá, gạt tàn hay mùi khói thuốc lá tại nơi làm việc. Anh Nguyễn Thế Hùng, tổ 1, phường Phú Cường, cho biết: “Tôi nghiện thuốc lá hơn 12 năm, thời gian qua, cơ quan nghiêm túc thực hiện môi trường làm việc không khói thuốc, tôi đã quyết tâm bỏ thuốc. Đến nay, tôi đã bỏ hẳn được thuốc lá, bản thân không có bệnh tật lại còn giảm được số tiền phải bỏ ra để mua thuốc hút hàng ngày”.
Đẩy mạnh giám sát, xử phạt
Để Luật PCTHTL thực sự đi vào đời sống, bên cạnh việc triển khai nhiều giải pháp và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, rất cần có sự quyết liệt hơn nữa trong việc giám sát, xử phạt của các cơ quan chức năng, đồng thời cần có sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh để không còn tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”.
Theo Nghị định số 117/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có các quy định về PCTHTL thì cá nhân hút thuốc lá ở nơi công cộng, như: Trong rạp hát, rạp chiếu phim, bệnh viện, thư viện, phòng chờ của nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng, ở những nơi công cộng khác có quy định cấm hút thuốc sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng…
Tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá trong thanh niên
Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, nhiều người dân vẫn hút thuốc lá ở những nơi không được phép. Tại những địa điểm công cộng hành vi hút thuốc lá bị nghiêm cấm, như: Bến xe, bệnh viện, khu công viên, một số người dân vẫn ngang nhiên sử dụng thuốc lá. Khi được hỏi về Luật PCTHTL thì ai cũng biết rõ là cấm hút thuốc lá, nhưng mọi người vẫn hút. Thực tế, các cán bộ quản lý tại những địa điểm này cũng chỉ có trách nhiệm nhắc nhở người dân, chứ không có thẩm quyền xử phạt người có hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.
Quy định của Luật PCTHTL và nghị định liên quan, chủ tịch UBND các cấp, thanh tra, công an mới có thẩm quyền xử phạt. Trên thực tế một số người dân vẫn vi phạm luật, việc hút thuốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, bất chợt và để xử phạt được thì phải có đủ các ban, ngành theo quy định. Trong khi đó, lực lượng xử phạt mỏng, kiêm nhiệm nhiều công việc, nên không thể thường xuyên theo dõi, xử phạt.
Để mọi người dân hiểu rõ về tác hại của thuốc lá và thực hiện nghiêm Luật PCTHTL, cần tập trung vào công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân từ bỏ thuốc lá, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở vận động những người đang hút thuốc lá dần bỏ thuốc hoặc hỗ trợ về chuyên môn để giúp họ cai thuốc lá thành công. Quan trọng hơn, mỗi cá nhân cần nêu cao tinh thần tự giác, ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng.
HOÀNG LINH - QUỲNH TRANG