Đẩy mạnh giải quyết hồ sơ qua môi trường mạng

Thứ sáu, ngày 16/07/2021

(BDO) Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai 295 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 924 DVCTT mức độ 4, cung cấp trực tuyến trên Cổng DVCTT tỉnh tại địa chỉ https://dichvucong.binhduong.gov.vn. Trong 6 tháng đầu năm 2021, số hồ sơ giải quyết trực tuyến tăng khá cao…

 Cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư xử lý hồ sơ trực tuyến

 Giải quyết gần 20.000 hồ sơ trực tuyến

Trong 6 tháng qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố đẩy mạnh DVCTT để góp phần hạn chế đông người, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Trong 6 tháng qua đã có 7.760 hồ sơ các DVCTT mức độ 3 và 12.443 hồ sơ các DVCTT mức độ 4 của người dân, doanh nghiệp đã nộp và được giải quyết, bao gồm cả các hồ sơ trực tuyến nộp trên trang http://dichvucong. binhduong.gov.vn và các trang web của các cơ quan, bộ được triển khai trên địa bàn tỉnh.

Nhiều sở, ngành đã giải quyết hồ sơ chủ yếu thông qua môi trường mạng. Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ mức độ 3, mức độ 4 trên phần mềm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tổng cộng 11.910 hồ sơ, trong đó số hồ sơ phát sinh ở mức độ 3 là 11.227 hồ sơ, phát sinh ở mức độ 4 là 683 hồ sơ. Hồ sơ tiếp nhận và giải quyết mức độ 3, mức độ 4 của Sở Tư pháp trên phần mềm của Bộ Tư pháp là 1.523 hồ sơ. Sở Giao thông - Vận tải giải quyết trên phần mềm của Bộ Giao thông - Vận tải được 4.830 hồ sơ. Sở Khoa học và Công nghệ giải quyết trên Cổng thông tin “một cửa” quốc gia là 67 hồ sơ.

Kho bạc Nhà nước (KBNN) Bình Dương đã tiếp tục giảm mạnh thu, chi trực tiếp bằng tiền mặt tại các đơn vị thuộc KBNN, thay vào đó là xử lý hồ sơ qua môi trường mạng, thực hiện Đề án tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống KBNN nhằm sớm hình thành kho bạc không có giao dịch tiền mặt. Cụ thể, trong 6 tháng qua, số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ mức độ 3, mức độ 4 của KBNN Bình Dương là 24.068 hồ sơ. Đây được xem là giải pháp của quá trình hội nhập và hạn chế đông người, góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Đồng bộ trên hệ thống

Điểm quan trọng của việc giải quyết hồ sơ trên môi trường mạng thông suốt đó là sự đồng bộ hóa. Đến nay, toàn tỉnh đã có 465 dịch vụ công của tỉnh được cập nhật lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Để hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021 theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện thực hiện rà soát đăng ký các dịch vụ công đủ điều kiện lên mức độ 4 trong năm 2021.

Song song đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chương trình chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; quy chế quản lý và sử dụng chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng Chính phủ trong cơ quan Nhà nước tỉnh Bình Dương; quy chế quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến cấp tỉnh, huyện, xã trong các cơ quan Nhà nước tỉnh Bình Dương; kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021. Với các giải pháp đồng độ được thực hiện, trong thời gian tới, việc giải quyết hồ sơ trên môi trường mạng sẽ thuận tiện hơn, đáp ứng nguyện vọng của người dân, tổ chức.

Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, các, bộ ngành Trung ương xây dựng quy trình thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng linh hoạt khi ứng dụng CNTT. Các cơ quan Nhà nước phải xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung. Mỗi công dân sử dụng một mã định danh duy nhất cho mọi giấy tờ được cấp từ cơ quan Nhà nước. Giải pháp trước mắt, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các cơ quan, địa phương phải tổ chức cho cán bộ “một cửa” và tình nguyện viên hướng dẫn người dân thực hiện TTHC thông qua môi trường mạng, giúp tạo tài khoản và đính kèm hướng dẫn cách thức sử dụng các DVCTT vào hồ sơ trả cho người dân để lần nộp hồ sơ/sử dụng dịch vụ hành chính công tiếp theo người dân có thể tự mình thực hiện thông qua cổng dịch vụ công của tỉnh.

Cùng với đó là các giải pháp khuyến khích và ưu tiên xử lý sớm những hồ sơ nộp qua mạng; tăng cường tần suất tuyên truyền việc sử dụng DVCTT mức độ 3, mức độ 4; nâng cao năng lực nhân viên đường dây “nóng” 1022 trong việc giải đáp thắc mắc về TTHC và hỗ trợ người dân kịp thời các vướng mắc trong việc thực hiện các TTHC. Song song đó là triển khai có hiệu quả dịch vụ chứng thực điện tử; từng bước rà soát, cải tiến các khâu thực hiện điền thông tin vào các biểu mẫu hồ sơ trực tuyến thuận lợi hơn…

 HỒ VĂN