Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá trong giai đoạn mới
(BDO) Tranh thủ ngoại lực kết hợp với nội lực, Bình Dương đang đẩy mạnh đổi mới sáng tạo (ĐMST), phát triển khoa học công nghệ (KHCN), tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo bứt phá trong giai đoạn mới. Tỉnh chủ trương hướng tới việc chuyển đổi sang nền kinh tế sản xuất kỹ thuật công nghệ cao, năng động, ứng dụng mạnh công nghệ 4.0 trong sản xuất.
Đại diện WTC BDNC và Coex ký kết Thỏa thuận hợp tác
Tranh thủ ngoại lực, kết hợp với nội lực
Bình Dương đã và đang tích cực phát triển hệ sinh thái ĐMST và KHCN, xây dựng các khu công nghiệp, đô thị xanh, thông minh, bền vững, gắn liền với KHCN để thu hút các ngành có giá trị gia tăng cao.
Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,29% so với năm 2021, duy trì thặng dư thương mại gần 10 tỷ đô la Mỹ. Ngoài ra, Bình Dương còn duy trì được vị thế là địa phương có sự phát triển mạnh về công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài, vinh dự nhận được sự tín nhiệm của các tập đoàn đa ngành lớn trên thế giới, như: Lego, Missubishi, Aeon, Tokyu… Đây chính là động lực để Bình Dương tiếp tục đồng hành cùng hệ sinh thái doanh nghiệp công nghiệp, thúc đẩy phát triển và tăng trưởng theo các chương trình chiến lược ĐMST của tỉnh.
Song song đó, Bình Dương luôn tích cực đẩy mạnh hợp tác song phương và chủ động mở rộng mối quan hệ hợp tác đa phương. Tính đến nay, tỉnh Bình Dương đã thiết lập mối quan hệhợp tác song phương với 10 tỉnh, thành phố nước ngoài và là thành viên chính thức, là đối tác tin cậy của nhiều tổ chức hợp tác quốc tế đa phương, bao gồm: Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis), Hiệp hội Trung tâm Thương mại thế giới (WTCA).
Liên tục trong 5 năm từ 2019-2023, Bình Dương được ICF vinh danh là một trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh (TPTM) tiêu biểu của thế giới (SMART 21). Mới đây, vào ngày 21-6, ICF đã lần thứ 3 liên tiếp vinh danh Chiến lược phát triển TPTM Bình Dương nằm trong Top 7 Cộng đồng thông minh thế giới.
Ông Trần Trọng Tuyên, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết phát triển hệ sinh thái ĐMST được Bình Dương đặc biệt quan tâm trong thời gian qua với mục tiêu hướng đến là phát triển TPTM Bình Dương trong tương lai. Hiện nay, tỉnh tập trung phát triển vùng sản xuất thông minh, vùng ĐMST - đây được xem như là những bước đi cụ thể và đột phá trong việc xây dựng TPTM. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh đã có quy hoạch và chiến lược phát triển cụ thể cho vùng này trên cơ sở mô hình 3 nhà với sự tham gia từ Nhà nước, viện trường, doanh nghiệp, hỗ trợ, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển các sáng kiến, các thử nghiệm thực tế. Bên cạnh đó, tỉnh đã và đang triển khai các chương trình chiến lược phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, như đẩy mạnh sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ vào sản xuất…
ĐMST để thúc đẩy tăng trưởng
Trong chiến lược phát triển, tỉnh tiếp tục triển khai Đề án “TPTM Bình Dương giai đoạn 2022-2026” với những định hướng quy hoạch tích hợp trên toàn tỉnh. Trong đó, tập trung triển khai đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển KHCN, nghiên cứu và phát triển, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đẩy mạnh tỷ trọng dịch vụ. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng Trung tâm Thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương (WTC BDNC) nhằm tạo đòn bẩy cho việc phát triển thương mại - dịch vụ, đưa thành phố mới trở thành điểm giao thương, là nơi tổ chức các sự kiện, triển lãm mang tầm vóc quốc tế. Từ đó, tạo ra những bước tiến bứt phá trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và tạo đà phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Vào đầu tháng 3 vừa qua, tại Hàn Quốc, đại diện WTC BDNC và COEX (Hàn Quốc) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược việc tổ chức triển lãm nhà máy thông minh, tự động hóa logistics và thực hiện các chương trình đổi mới ngành công nghiệp sản xuất tại Việt Nam, quy tụ 500 đơn vị triển lãm và 2.000 gian hàng tham gia, lớn nhất từ trước đến nay. Việc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất tại Việt Nam, góp phần vào việc tăng cường năng lực công nghệ cho ngành công nghiệp sản xuất và nâng cao sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bà Huỳnh Đinh Thái Linh, Giám đốc WTC BDNC, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng được hỗ trợ cho sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất tại Việt Nam thông qua thỏa thuận hợp tác này. Đây là một bước tiến quan trọng để hiện thực hóa tầm nhìn của chúng tôi về việc xây dựng tỉnh Bình Dương thành một trung tâm đổi mới và công nghệ của ngành công nghiệp sản xuất”.
Phát biểu khai mạc tại diễn đàn “Bình Dương ĐMST trong sản xuất 2023” vừa được tổ chức, ông Trần Trọng Tuyên, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết tỉnh luôn khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hợp tác với các đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy ĐMST và tăng trưởng trong ngành công nghiệp sản xuất tại Bình Dương, phục vụ mục tiêu đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế số theo hướng tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp - dịch vụ chất lượng cao, tăng cường sự đóng góp của KHCN và ĐMST.
PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ