Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên lĩnh vực phòng cháy chữa cháy
(BDO) Thời gian qua, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC & CNCH) Công an (CA) tỉnh Bình Dương luôn chú trọng áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí, đi lại cho người dân, doanh nghiệp.
Sử dụng dịch vụ công trực tuyến giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực một cách thuận tiện. Trong ảnh: Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, CA tỉnh hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Thực hiện chủ trương chung, từ ngày 15-5-2022, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH CA tỉnh đã tiến hành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đối với 16 thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC trên Cổng dịch vụ công Bộ CA và công bố rộng rãi trên trang thông tin điện tử CA tỉnh và mạng xã hội như Facebook, Zalo. Tính từ ngày 15-5- 2022 đến 6-10-2022, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CA tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết tổng số 1.433 thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC & CNCH, trong đó tiếp nhận và giải quyết trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Bộ CA được 341 hồ sơ, đạt 23,8%. Đơn vị luôn bảo đảm 100% hồ sơ được giải quyết đúng quy trình và trả sớm hạn, đúng hạn, không có hồ sơ trả quá hạn.
Ngoài ra, để tạo thuận tiện cho người dân trong giao dịch hành chính liên quan đến lĩnh vực PCCC, thời gian qua, Đoàn cơ sở Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH CA tỉnh triển khai kế hoạch tổ chức ngày thứ bảy giải quyết thủ tục hành chính. Theo đó, đơn vị sẽ giải quyết các thủ tục hành chính, như: Trực tiếp nhận, trả hồ sơ PCCC; thực hiện công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC; hướng dẫn kiểm tra về an toàn PCCC cho các cơ sở có nguy cơ cháy nổ; tổ chức tuyên truyền và thực tập phương án chữa cháy. Kế hoạch trên được triển khai nhằm phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của cán bộ, đoàn viên thanh niên CA tỉnh trong cải cách thủ tục hành chính từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị; nâng cao niềm tin của nhân dân đối với bộ máy CA nhân dân và đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trẻ; tiếp tục đẩy mạnh phong trào “CA nhân dân học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy” gắn với cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CA Bình Dương bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.
Thiếu tá Lê Hữu Tài, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CA tỉnh, cho biết: “Việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công Bộ CA cho thấy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ mang lại một số lợi ích như: Người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến có thể nộp/nhận hồ sơ 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ đâu có kết nối internet thay vì phải đến trực tiếp cơ quan CA nhận phiếu theo thứ tự, chờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ giải quyết. Nhờ vậy, sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức, cắt giảm các chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp cũng như chi phí văn phòng phẩm. Bên cạnh đó, người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp còn có thể theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của cơ quan CA, làm tăng tính minh bạch của cơ quan cung cấp dịch vụ và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC”.
Cũng theo Thiếu tá Lê Hữu Tài, thời gian tới, Phòng Cảnh sát PCCC& CNCH CA tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Bộ CA, góp phần thực hiện thành công tiến trình đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Các điều kiện cần khi nộp hồ sơ trực tuyến Để có thể nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công, người dân, doanh nghiệp cần trang bị cho mình các điều kiện sau: - Thứ nhất, đối với cá nhân cần có sim chính chủ. Người dân có thể đăng ký tại các nhà mạng gần nhất. Đối với doanh nghiệp cần có Usb token (chữ ký số doanh nghiệp). Usb token này cũng dùng để thực hiện BHXH và kê khai thuế qua mạng. - Thứ hai, cá nhân, doanh nghiệp cần có tài khoản trên cổng dịch vụ công Bộ CA hoặc cổng dịch vụ công quốc gia. Mỗi công dân, doanh nghiệp có thể đăng ký 1 tài khoản để có thể nộp hồ sơ trực tuyến, tra cứu hồ sơ đã nộp và lưu trữ các tài liệu cũng như kết quả giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. - Thứ ba, doanh nghiệp cần phải thực hiện ký số lên các văn bản do doanh nghiệp ban hành gửi trên môi trường mạng. Văn bản trên môi trường mạng cần có chữ ký số mới có giá trị pháp lý. Việc thực hiện ký số thực hiện bằng phần mềm do bên cung cấp chữ ký số cấp kèm theo. - Thứ tư, đối với các văn bản do các cơ quan, tổ chức Nhà nước ban hành cần có công chứng điện tử. Việc công chứng điện tử tương tự thủ tục công chứng bản giấy và thực hiện tại UBND xã, phường. Các hồ sơ đã được công chứng có thể lưu vào kho dữ liệu cá nhân trên trang dịch vụ công để tái sử dụng cho các thủ tục hành chính khác. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực PCCC, CA tỉnh Bình Dương khuyến khích người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực PCCC do Bộ CA cung cấp tại địa chỉ wesite: https://dichvucong.bocongan.gov.vn |
TÂM TRANG - DƯƠNG THẢO