Đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông: Phá thế cô lập, tạo đà phát triển

Thứ ba, ngày 10/08/2010

  Cầu Bạch Đằng phá thế cô lập vùng cù lao với trung tâm huyện . Ảnh: Q.CTân Uyên là địa bàn vốn không thuận lợi để phát triển công nghiệp như các huyện Thuận An, Dĩ An, TX.TDM hay Bến Cát vì giao thông cách trở. Song, với quyết tâm đưa vùng đất chiến khu Đ xưa phát triển, lãnh đạo huyện Tân Uyên đã tập trung quy hoạch, đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, xem đó là một bước đột phá quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa địa phương.

 Từ cầu, cảng...

Những công trình trọng điểm của Tân Uyên đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây có tác dụng đòn bẩy, tạo sức bật cho kinh tế - xã hội (KT-XH) phát triển phải kể đến cầu Thủ Biên, Bạch Đằng, Thạnh Hội, cảng Thạnh Phước và một số tuyến đường giao thông chính.

Cầu Thủ Biên nối đôi bờ sông Đồng Nai, gắn kết huyện Tân Uyên (Bình Dương) với Vĩnh Cửu (Đồng Nai) được khánh thành là một dấu mốc lịch sử, niềm tự hào và mong đợi từ lâu của người dân vùng căn cứ cách mạng chiến khu Đ xưa. Cầu được thiết kế theo mô hình vĩnh cửu, với tổng chiều dài 510m, gồm 9 nhịp, 3 nhịp giữa sông dài 270m, chiều rộng mặt cầu 17m gồm 4 làn xe và hai lề bộ hành cho người đi bộ. Tổng kinh phí đầu tư là 163 tỷ đồng. Cầu Thủ Biên ra đời góp phần tạo điều kiện phát triển KT-XH và bảo đảm chính trị, an ninh - quốc phòng, hình thành tuyến vành đai 4 theo quy hoạch giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã được Chính phủ phê duyệt. Khoảng cách giữa Đồng Nai, Bình Dương với các tỉnh lân cận và cả vùng Tây nguyên sẽ thuận lợi hơn nhiều, rút ngắn được hàng trăm km đường bộ so với trước đây.

Bên cạnh cầu Thủ Biên, sau hơn 2 năm xây dựng thì cầu Bạch Đằng nối Cù lao Bạch Đằng với thị trấn Uyên Hưng cũng đã hoàn thành, tạo điều kiện cho nông thôn mới Bạch Đằng phát triển. Cầu Bạch Đằng đưa vào sử dụng có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân ở xã Cù lao Bạch Đằng, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông của huyện Tân Uyên, đồng thời là động lực phát triển KT-XH của vùng, đặc biệt là phát triển vùng chuyên canh cây bưởi và tiềm năng du lịch sinh thái xã Bạch Đằng.

Cùng với cầu Thủ Biên, Bạch Đằng thì cầu Thạnh Hội nối Cù lao Thạnh Hội với huyện Tân Uyên cũng được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, mở ra một thời kỳ mới với vùng chiến khu Đ xưa. Đây chính là điều kiện thuận lợi để huyện Tân Uyên đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong thời gian tới.

Bên cạnh hệ thống cầu, cảng đường sông nội địa Thạnh Phước cũng đã được các nhà đầu tư trong tỉnh góp vốn đầu tư xây dựng tại xã Thạnh Phước, mở ra một tuyến vận tải đường thủy quan trọng cho Tân Uyên trong quá trình phát triển. Dự án này có 16 cầu cảng với tổng vốn đầu tư khoảng 1.450 tỷ đồng, có khả năng tiếp nhận tàu và xà lan từ 1.000 - 2.000 tấn. Cảng được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, thuộc thế hệ thứ 3 theo quy định của hệ thống cảng hiện đại quốc tế và được chia làm 2 giai đoạn. Công suất bốc dỡ hàng hóa của giai đoạn 1 là 2,5 triệu tấn/năm, sau khi xây dựng hoàn chỉnh cả hai giai đoạn, công suất bốc dỡ  của cảng Thạnh Phước đạt bình quân 5 triệu tấn/năm. Cảng Thạnh Phước đi vào hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy việc lưu thông hàng hóa bằng đường thủy, vừa giảm lượng xe vận tải hàng hóa bằng đường bộ, vừa giảm bớt thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp.

Đến đường sá

Mới đây, vào đầu tháng 8, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex) đã tổ chức khởi động dự án 3 tuyến đường thuộc huyện Tân Uyên là tỉnh lộ ĐT746 (Tân Khánh - Uyên Hưng) dài 18,128km; tỉnh lộ ĐT747B (Bình Chuẩn - Hội Nghĩa) dài 19,002km; tỉnh lộ ĐT742 (Phú Mỹ - Cổng Xanh) dài 20km. Mặt đường bê-tông nhựa nóng, quy mô 6 làn xe. Tổng vốn đầu tư hơn 1.428 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng hạ tầng giao thông và các trạm thu phí; riêng chi phí bồi thường, giải tỏa mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách. Dự án được thực hiện theo phương thức BOT, thời gian thi công dự kiến trong vòng 4 năm (2010-2013), chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2010-2012) thi công tuyến ĐT746, giai đoạn 2 (2011-2013) thi công tuyến ĐT747B và ĐT742; thời gian thu phí các tuyến đường bắt đầu từ năm 2014, trong vòng 50 năm. Sau khi hoàn thành, các tuyến đường trọng yếu này sẽ góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, nhất là thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp của huyện Tân Uyên. Bên cạnh đó, còn tạo sự lưu thông, liên kết giữa vùng Nam Tân Uyên với TX.TDM, khu vực đông bắc Tân Uyên với Nam Bình Dương, khu vực bắc Tân Uyên với thành phố mới Bình Dương.

Về giao thông nông thôn và chỉnh trang đô thị, trong thời gian qua huyện Tân Uyên cũng đã thực hiện được 173 tuyến đường với tổng chiều dài 249,8km, trong đó làm mới 118km, nâng cấp mở rộng 131,8km. Tổng vốn đầu tư cho các tuyến đường nói trên là 32,18 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 8,9 tỷ đồng.

Cảm nhận về sự phát triển hạ tầng cơ sở của huyện Tân Uyên trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Bảy, một người dân ở thị trấn Tân Phước Khánh, nói: “Trước đây tôi nghĩ rằng Tân Uyên chỉ có thể phát triển nông nghiệp mà thôi, nhưng đến nay thì thực tế cho thấy công nghiệp đã phát triển. Từ một số công trình trọng điểm và những quy hoạch của huyện mà tôi nhìn thấy đã hình thành trong đầu tôi một tương lai tươi sáng hơn. Mặc dù hiện tại còn khá ngổn ngang nhưng tôi nghĩ, công nghiệp Tân Uyên sẽ phát triển mạnh trong tương lai gần”.

 

KỲ TÂN