Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xóa “điểm đen” tai nạn giao thông
Năm 2014, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Để hiểu rõ hơn những hoạt động, giải pháp nhằm giảm thiểu số vụ tai nạn, bảo đảm ATGT mà Ban ATGT tỉnh đã thực hiện trong thời gian qua, P.V Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Đàm Trọng Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) về vấn đề này.
- Xin ông cho biết tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh trong năm 2014?
- Trong năm 2014, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, một số “điểm đen” thường xảy ra tai nạn trước đây đã được xóa. Tình trạng ùn tắc giao thông trên một số tuyến đường qua địa bàn TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An vào giờ cao điểm đã được khắc phục. Khu vực vòng xoay An Phú (phường An Phú, TX.Thuận An) đã được nâng cấp, mở rộng nên không còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông như trước. Tính đến cuối tháng 10-2014, toàn tỉnh xảy ra 2.266 vụ TNGT, làm chết 249 người, bị thương 2.789 người. So với cùng kỳ, số vụ TNGT giảm 670 vụ, số người chết giảm 73 người, số người bị thương giảm 844 người.
(BDO)
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, TNGT trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. Trong ảnh:Người dân tham quan phòng trưng bày hình ảnh về ATGT trên địa bàn TX.Thuận An. Ảnh: H.BÌNH
- Ông có thể cho biết rõ hơn những giải pháp nhằm kéo giảm số vụ tai nạn giao thông (TNGT), bảo đảm ATGT mà Ban ATGT tỉnh đã thực hiện trong thời gian qua?
- Ban ATGT tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện nhiều nội dung, như: Phối hợp các thành viên Ban ATGT tỉnh, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra Sở GT-VT kiểm tra thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy liên tục và xuyên suốt. Tổ chức khảo sát, thống kê các vị trí có nguy cơ tiềm ẩn TNGT, các hệ thống báo hiệu đường bộ, qua đó có biện pháp khắc phục, sửa chữa, bảo đảm ATGT tại các giao lộ, các tuyến đường thường xảy ra TNGT. Phối hợp Sở GT-VT tổ chức lễ phát động chiến dịch tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông đường thủy mặc áo phao, sử dụng phao cứu sinh khi tham gia giao thông. Phối hợp Sở Giáo dục - Đào tạo, Hội Chữ thập đỏ, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Ban Quản lý các khu công nghiệp, UBND các huyện, thị xã… tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, sơ cấp cứu để nâng cao ý thức khi tham gia lưu thông, nhằm hạn chế tối đa tai nạn xảy ra.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh phối hợp Công an tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Bình Dương triển khai công tác tuyên truyền, bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn bằng nhiều hình thức đa dạng, như: Phát sóng chương trình “An toàn giao thông”, chuyên mục “Đằng sau tay lái”, chuyên mục “An toàn giao thông” trên báo, tạp chí… Công an các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên phối hợp tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh, công nhân... Thông qua các cuộc họp định kỳ, Ban công tác mặt trận khu, ấp đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm ATGT. Trong đó, có nhiều nội dung cụ thể, thiết thực, nhằm nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông như không uống rượu bia khi tham gia giao thông, không cổ vũ và tham gia đua xe, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông…
Tỉnh đoàn tổ chức các đội vá xe lưu động, phối hợp phòng chống rải đinh trên các tuyến đường, tổ chức chương trình thi và cấp bằng lái xe hạng A1; kết hợp tổ chức Ngày hội văn hóa giao thông cho thanh niên công nhân trên địa bàn tỉnh. Tổ chức Ngày hội thanh thiếu nhi Việt Nam với văn hóa giao thông. Các đội hình thanh niên xung kích trên địa bàn đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”. Bên cạnh đó, nhiều sở, ngành trong tỉnh như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Tư pháp, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng thường xuyên có các chương trình tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến từng khu nhà trọ, nhà dân bằng nhiều nội dung phong phú, đa dạng. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mà số vụ TNGT trên địa bàn đã giảm nhiều.
- Xin cảm ơn ông!
Song song với việc tuyên truyền, Ban ATGT tỉnh cũng thường xuyên phối hợp các ban, ngành trong tỉnh rà soát những hộ bị TNGT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để thăm hỏi, động viên nhằm giúp họ vượt qua khó khăn. Số tiền này được trích một phần từ ngân sách của tỉnh, số còn lại Ban ATGT vận động từ các nhà hảo tâm, các đơn vị đang đóng trên địa bàn. Bên cạnh đó, Ban ATGT tỉnh phối hợp chính quyền địa phương các xã, phường để có những việc làm cụ thể giúp đỡ những người bị tai nạn đặc biệt khó khăn. Đó là, ngoài việc tặng tiền, quà mà địa phương quyên góp từ các công ty, xí nghiệp, các nhà hảo tâm vào các dịp lễ, tết, những hộ này còn được địa phương quan tâm, tạo điều kiện phát triển kinh tế từ những nguồn vốn vay ưu đãi.
QUẢNG ĐIỀN - HUY BÌNH