Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS
Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền phòng, chống HIV trong cộng đồng luôn được các cấp, các ngành đẩy mạnh. Bình Dương là một trong những địa phương đi đầu trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS.
Một hình thức tuyên truyền cổ động phòng chống HIV/AIDS
Với sự hỗ trợ của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, cùng các sở, ngành, các tổ chức quốc tế, Bình Dương đã triển khai nhiều chương trình phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm, lây nhiễm HIV/AIDS, nhờ đó công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, tình hình nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo số liệu của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tính đến ngày 30-9-2011 thì tổng số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống 1.649 người. Số trường hợp chuyển AIDS 570 người. Số tử vong 2.372 người.
Từ nhiều năm nay, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh luôn là đơn vị tiên phong trong công tác đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS. Trung tâm đã phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS. Trung tâm cũng đã giao cho các Trung tâm Y tế dự phòng huyện, thị lên kế hoạch tuyên truyền, nắm bắt đối tượng, vận động và tư vấn đến tận từng đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao tại địa phương. Đặc biệt, trong các tháng chiến dịch truyền thông phòng, chống HIV/AIDS hàng năm, các đơn vị này đã không ngừng tăng cường lực lượng để đến từng xã, phường tuyên truyền, đến từng gia đình những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao để tuyên truyền, vận động...
Không chỉ dừng lại ở đó, để công tác tuyên truyền hiệu quả hơn, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh còn tổ chức truyền thông lưu động, trong đó đặc biệt ưu tiên các nhóm đối tượng thanh niên có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, tham gia hoạt động mại dâm... nhờ đó nhận thức của thanh niên trên địa bàn ngày càng được nâng cao, góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trên địa bàn.
Bên cạnh đó, còn có nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, sáng tạo đem lại hiệu quả tuyên truyền cao cũng được áp dụng rộng rãi trên địa bàn. Điển hình như các cuộc liên hoan văn nghệ về nội dung phòng, chống HIV/AIDS do các trường học trên địa bàn tổ chức hay các cuộc thảo luận các kiến thức cơ bản về HIV/AIDS như: khái niệm, sự giống và khác nhau giữa HIV và AIDS; tình hình lây nhiễm HIV ở Việt Nam và Bình Dương; điều trị các bệnh do vi-rút làm suy giảm hệ miễn dịch gây ra; nguyên nhân và các đường lây truyền HIV...
Bác sĩ Nguyễn Kiều Uyên, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: “Tiếp tục tăng cường thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi, cùng phối hợp với các chương trình khác để giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV, nhất là ở các sở, ban ngành. Đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại tại các huyện, thị trong tỉnh. Tuyên truyền huy động và thay đổi hành vi cộng đồng người có HIV nhằm giúp họ dần ý thức hơn về bản thân, đồng thời họ đã chủ động dự phòng giảm lây nhiễm cho cộng đồng. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực can thiệp mạnh mẽ vào nhóm nguy cơ cao dễ nhiễm HIV/AIDS”.
Mặc dù việc tiếp cận tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS còn gặp nhiều khó khăn nhưng có thể nói thông qua các hoạt động tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến về nhận thức hiểu rõ tác hại của ma túy, nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Đặc biệt, hoạt động truyền thông được tổ chức chặt chẽ và sâu sát đến từng địa phương, cũng đã góp phần không nhỏ trong việc làm giảm tốc độ lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, Bình Dương đang tiếp tục triển khai các kế hoạch:
- Thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS toàn tỉnh, duy trì vững chắc và phát triển mạng lưới phòng chống HIV/AIDS. Huy động sức mạnh tổng thể các ban ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội.
- Tăng cường thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi, cùng phối hợp với các chương trình khác để giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV, nhất là ở các sở, ban ngành.
- Đẩy mạnh các biện pháp can thiệp giảm thiểu tác hại tại các huyện trong tỉnh.
- Tăng cường tư vấn, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV/AIDS, nhất là tuyến cơ sở.
- Đẩy mạnh công tác tư vấn xét nghiệm trên đối tượng phụ nữ mang thai, chăm sóc dự phòng lây truyền mẹ con và làm tốt công tác quản lý thai tại cộng đồng.
- Huy động các nguồn lực để chăm sóc cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đặc biệt là trẻ em.
- Tăng cường năng lực quản lý, theo dõi, giám sát và đánh giá chương trình, nhất là tuyến tỉnh và huyện.
- Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực can thiệp mạnh mẽ vào nhóm nguy cơ cao dễ nhiễm HIV/AIDS.
- Tuyên truyền huy động và thay đổi hành vi cộng đồng người có H nhằm giúp họ dần ý thức hơn về bản thân, đồng thời họ đã chủ động dự phòng giảm lây nhiễm cho cộng đồng.
T.PHƯƠNG