Đẩy mạnh công tác phòng chống lao tại cộng đồng

Thứ bảy, ngày 23/03/2013

Mỗi năm, Việt Nam có thêm gần 200.000 người mắc bệnh lao và trên 30.000 người chết do lao. Trong khi đó, chúng ta mới phát hiện và chữa khỏi bệnh được gần 60% số người mới mắc bệnh lao trong cộng đồng.

Ngày Thế giới phòng chống lao (24-3) năm nay với chủ đề “Vì một Việt Nam không còn bệnh lao”. Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2013, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục phát đi thông điệp kêu gọi “Chúng ta hãy cùng nhau ngăn chặn bệnh lao, để trẻ em sinh ra trong thế kỷ này được chứng kiến một thế giới không có người mắc và không có người chết vì bệnh lao. Mọi người hãy hành động phòng chống bệnh lao”.

Trong những năm qua, chương trình phòng chống lao ở Bình Dương có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần trong công tác phòng và chữa bệnh lao trên địa bàn đạt những kết quả đáng ghi nhận. Mạng lưới lao đã được triển khai với quy mô toàn tỉnh, đến tận tuyến cơ sở. Điều trị ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp được tổ chức thực hiện trong toàn tỉnh. Triển khai hoạt động lồng ghép lao/HIV tại 4 điểm: Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, TX.Dĩ An, huyện Bến Cát, Tân Uyên.

Bác sĩ Lê Thị Tồn đang khám kiểm tra cho bệnh nhân tại Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội. (Ảnh: T.PHƯƠNG) Tổng số bệnh nhân lao các thể được phát hiện trong năm 2012 là 2.026, giảm 1,8% so cùng kỳ. Trong đó có 1.061 bệnh nhân lao phổi AFB (+) chiếm 52,3% lao các thể, giảm 1,9% so cùng kỳ. Tỷ lệ lao phổi AFB (+) tái trị tăng so với cùng kỳ. Nhìn chung, các hoạt động của chương trình chống lao về phối hợp lao/HIV được triển khai đúng tiến độ, tuân thủ đúng kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được nâng cao, cách phòng chống bệnh đến tận người dân. Thực hiện công tác giám sát chương trình chống lao định kỳ hàng quý và giám sát bệnh nhân điều trị dự phòng Cotrimoxazole tại các tuyến duy trì đều đặn. Tổ chức các lớp tái tập huấn cho tuyến huyện, xã, hội thảo về công tác phòng chống lao cho ban ngành đoàn thể trong tỉnh. Tổ chức lớp quản lý và lập kế hoạch trong công tác chống lao cho cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên trách lao tuyến huyện. Tham gia các đợt huấn luyện về chương trình chống lao do tuyến trên tổ chức…

Tuy nhiên, chương trình chống lao đang đối mặt với nhiều thách thức, đó là việc quản lý bệnh lao kháng đa thuốc, bệnh lao ở người nhiễm HIV, bệnh lao ở trẻ em và đặc biệt là thiếu nguồn nhân lực, thiếu cán bộ làm công tác chống lao, thiếu kinh phí hoạt động. Ngoài ra, sự hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng chống còn nhiều hạn chế, xã hội vẫn còn sự kỳ thị đối với bệnh nhân lao dẫn đến người bệnh lao thường giấu mà không đi khám. Bác sĩ Lê Thị Tồn, Trưởng khoa Lao - Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh (Sở Y tế) cho biết, đa số những người mắc bệnh lao thường uống thuốc vài tháng thấy cơ thể khỏe mạnh, uống thêm nữa thì thấy cơ thể mệt mỏi, nên họ bỏ thuốc, không điều trị tiếp. Sau một thời gian các chất thuốc kháng lao sẽ hết tác dụng, số vi trùng lao còn lại kháng thuốc và khi phát tác rất khó điều trị. Số người nhiễm HIV mắc lao trong thời gian qua có xu hướng tăng nhanh. Điều lo ngại là lao/HIV thì dễ chuyển thành lao kháng thuốc. Vì vậy bệnh lao đồng nhiễm HIV là mối đe dọa lớn đối với xã hội. Vấn đề chữa lao không đúng cách làm xuất hiện các chủng vi khuẩn đa kháng thuốc và bệnh lao đồng nhiễm HIV đang là điều kiện thuận lợi cho căn bệnh có sức tàn phá nguy hiểm này trở nên nặng nề và phức tạp hơn. Tình trạng một số bệnh nhân còn chủ quan bỏ điều trị giữa chừng, điều trị không đúng phác đồ về thời gian hoặc liều lượng làm cho bệnh ngày càng trầm trọng hoặc dẫn đến lao kháng thuốc thất bại trong điều trị.

Để công tác phòng chống lao được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn nữa thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, các tổ chức xã hội và toàn thể cộng đồng. Đó là sự sẻ chia trách nhiệm đầu tư nguồn lực để bù đắp sự thiếu hụt kinh phí trong kế hoạch phòng chống lao, cán bộ lao phải được hưởng đầy đủ chế độ theo quy định Nhà nước.

Về công tác tuyên truyền, phòng chống lao được thực hiện xuyên suốt cả năm từ tỉnh đến huyện, xã thông qua nhiều kênh từ báo, đài, cơ sở y tế, cộng tác viên y tế đến từng hộ dân… Ngoài ra, việc lồng ghép với các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên… tại địa phương cũng được tiến hành theo từng đợt hoạt động. Năm nay, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh từ ngày 20 đến 30-3, cán bộ y tế nhận tài liệu tuyên truyền từ Trung ương để cấp phát cho địa phương. Tại các trung tâm huyện, thị, thành phố và các khu công nghiệp, có 20 pa nô lớn được dựng lên, 400 tờ áp phích tuyên truyền, phát 3.150 tờ rơi và 1.110 sách bỏ túi với 30 câu hỏi giải đáp đầy đủ về bệnh lao và cách phòng chống. Năm nay, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội cũng tuyên truyền qua băng đĩa để sinh động hơn, với các nhóm nhỏ thì cấp phát 151 tranh lật để minh họa cho quá trình tuyên truyền phòng chống lao.

Bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Với bệnh nhân nghi nhiễm lao, khi đến cơ sở y tế sẽ được khám, xét nghiệm đàm, chụp X.quang phổi… và khi phát hiện mắc bệnh sẽ được miễn phí, được cấp phát thuốc điều trị trong thời gian 8 tháng. Điều còn lại là thái độ hợp tác của bệnh nhân, sự hiểu biết về bệnh lao để điều trị cho đúng kể cả việc mạnh dạn hơn trong tiếp xúc với bệnh nhân lao, đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Theo đánh giá từ lãnh đạo Sở Y tế, rất cần có những kênh tuyên truyền thật mạnh mẽ về bệnh lao, cần nhiều hơn nữa những cộng tác viên y tế nhiệt tình để góp phần đẩy lùi bệnh lao...

Để người dân có thể hiểu rõ hơn về tác hại của bệnh lao và điều trị kịp thời, thì công tác tuyên truyền cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, toàn dân cùng chung tay góp sức vào công tác phòng chống lao một cách tích cực. Có như vậy, thì mới có thể hoàn toàn thanh toán bệnh lao trong thời gian tới.

Bệnh lao có thể phòng và hoàn toàn chữa được

Để phòng và chữa bệnh lao, lao/HIV một cách hiệu quả, bác sĩ Nguyễn Trọng Lượng (Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh - Sở Y tế) đã chia sẻ với phóng viên Báo Bình Dương xung quanh vấn đề này.

Bệnh lao là bệnh do vi trùng (vi khuẩn) gây ra. Bệnh lao thường tấn công phổi, nhưng có thể lan sang thận, xương, cột sống, não và những bộ phận khác của cơ thể. Ngoài ra còn có lao ngoài phổi như: lao hạch, lao màng phổi, lao màng não, lao xương khớp… Lao là bệnh truyền nhiễm, bệnh lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua không khí.

Những người có nguy cơ mắc bệnh lao cao là người tiếp xúc với người mắc bệnh lao phổi chưa được điều trị, đặc biệt là người có HIV, trẻ em dưới 5 tuổi. Vi khuẩn lao trú ngụ trong cơ thể và lây truyền từ người này sang người khác mỗi khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Khi đó, vi khuẩn lao sẽ theo không khí vào tận phế nang rồi sinh sôi nảy nở và gây thương tổn ở đây. Những người đứng gần sẽ hít phải vi khuẩn lao và vô tình mang phải mầm bệnh. Đa số những người bị nhiễm lao hoàn toàn không có biểu hiện gì, vi khuẩn lao có thể sống tiềm ẩn đợi đến lúc sức đề kháng của cơ thể suy yếu mới phát triển và gây bệnh.

Các biểu hiện mắc bệnh lao phổi: Ho khạc kéo dài trên 2 tuần lễ, có thể thấy (kèm theo): sốt nhẹ về chiều, mệt mỏi; chán ăn, gầy sút cân; khó thở, tức ngực hoặc ho ra máu; trẻ em sống trong gia đình có người mắc bệnh lao.

Khi thấy có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lao hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất khám bệnh, xét nghiệm đờm để phát hiện sớm bệnh lao và điều trị kịp thời.

Để chữa được bệnh lao, cần thực hiện đúng 4 nguyên tắc theo chỉ dẫn của thầy thuốc là:

- Dùng phối hợp ít nhất 4 loại thuốc chống lao.

- Đúng liều lượng.

- Đều đặn, đúng giờ.

- Đủ thời gian (8 tháng liên tục).

Dùng thuốc dưới sự giám sát của cán bộ y tế. Thuốc chữa bệnh lao được cấp miễn phí cho mọi người bệnh tại các cơ sở y tế.

Bệnh nhân lao cần ăn uống đầy đủ chất: đạm, mỡ, đường, vitamin, uống đủ nước. Không cần ăn kiêng thức ăn gì.

- Cần bỏ thói quen có hại cho sức khỏe như hút thuốc, uống rượu.

- Sinh hoạt điều độ.

- Che miệng khi ho, hắt hơi. Khạc đờm vào cốc giấy hoặc vào tờ giấy rồi đốt đi.

- Thường xuyên phơi nắng đồ dùng cá nhân.

Bệnh lao có thể phòng được bằng cách:

- Phát hiện sớm người mắc bệnh lao và chữa khỏi để không lây vi trùng sang người khác là cách phòng bệnh tốt nhất.

- Tiêm vắc-xin BCG phòng bệnh lao cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi.

- Không để bị nhiễm HIV.

- Không dùng chung bơm kim tiêm.

- Quan hệ tình dục ngoài hôn nhân phải dùng bao cao su.

- Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở. Không ngừng nâng cao sức khỏe.

T.PHƯƠNG (ghi)

T.PHƯƠNG - Q.NHƯ