Đẩy mạnh công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp
(BDO) Trong bối cảnh hội nhập, biến đổi khí hậu, dịch bệnh và nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) là bước đi và là “chìa khóa” để phát triển bền vững.
Triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp diễn ra khá toàn diện tại Bình Dương. Trong ảnh: Ứng dụng hệ thống rửa bưởi tự động hóa giúp giảm nhân công ở Hợp tác xã Cây ăn trái Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên)
Hướng đi tất yếu
Thực hiện Quyết định số 1187/QĐ- UBND ngày 16-5-2023 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt kế hoạch CĐS ngành NN&PTNT tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành NN&PTNT của tỉnh đã tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực như cây ăn trái (bưởi, cam, mít, dưa lưới…), rau củ và sản phẩm có nguồn gốc từ động vật (thịt heo, gà…) và các sản phẩm OCOP.
Đứng trước nhiệm vụ và thách thức mới, ngành NN&PTNT quyết tâm thực hiện CĐS để thay đổi một cách tổng thể và dần đi đến toàn diện tất cả các khía cạnh trong công tác quản lý sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, ngành NN&PTNT chú trọng đến các giải pháp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất. |
Bà Lưu Đình Lệ Thúy, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết trong những năm gần đây, CĐS đang là xu thế tất yếu của các ngành, các lĩnh vực. CĐS trong lĩnh vực NN&PTNT là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá thành cao nhất. Bên cạnh đó, nhằm thiết lập mô hình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng, nhận diện và truy xuất nguồn gốc từ khâu trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc, vận chuyển, kinh doanh và tiêu thụ.
Chính vì vậy, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn vừa phối hợp cùng Mobifone Bình Dương tổ chức hội nghị triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp. Hội nghị nhằm mục đích hướng đến một cái nhìn toàn diện, rõ nét hơn về các giải pháp ứng dụng công nghệ số trong quản lý sản xuất nông nghiệp. Qua đó, phổ biến, tuyên truyền đầy đủ hơn về vai trò, tầm quan trọng của CĐS trong ngành nông nghiệp theo kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe chuyên gia, báo cáo viên của đơn vị Mobifone Bình Dương trình bày các nội dung: Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm MTRACE; nền tảng nông nghiệp thông minh MOBIAGRI; một số giải pháp phục vụ trong CĐS (hợp đồng điện tử; hóa đơn điện tử; chữ ký số) nhằm hỗ trợ, hướng dẫn các thông tin, kiến thức, kỹ năng về CĐS trong nông nghiệp. Qua đây, các đại biểu tham gia cũng thảo luận, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc nhằm có các giải pháp thực hiện CĐS trong nông nghiệp, nhất là lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật đạt được hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Còn nhiều thách thức
Bà Lưu Đình Lệ Thúy cũng chia sẻ thêm, CĐS trong lĩnh vực NN&PTNT là yêu cầu tất yếu khách quan và là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cả hệ thống, của ngành, doanh nghiệp khoa học công nghệ và đặc biệt là người nông dân, là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại. Việc thực hiện CĐS bước đầu đã được áp dụng ở các ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp mang lại những kết quả hết sức khả quan. Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như tôm, cá tra, sản phẩm gỗ…
Bên cạnh đó, việc sử dụng internet đã giúp đơn giản hóa và hợp lý hóa công tác thu thập, kiểm tra, phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp. Các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn...
Tuy nhiên, đến nay ngành NN&PTNT vẫn chưa có hệ thống thông tin đồng bộ và liên thông, bảo đảm chia sẻ dùng chung; chưa có hệ thống quản lý dữ liệu báo cáo cho từng lĩnh vực và dữ liệu tổng hợp chung của ngành, nhất là lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, một số phần mềm chưa được cập nhật cơ sở dữ liệu (CSDL) thường xuyên. Việc duy trì hoạt động của một số CSDL gặp khó khăn do không có nhân lực và kinh phí thực hiện trong công tác quản lý các chủ thể tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất nông nghiệp là nông dân, hợp tác xã, trang trại…
Ngoài ra, trong công tác quản lý CĐS của ngành nông nghiệp chưa có thống kê, hướng dẫn đầy đủ thông tin về các nội dung triển khai thực hiện, phần mềm/CSDL sử dụng chung/ riêng, phương thức kết nối liên thông giữa tỉnh và bộ. Vì vậy, việc triển khai còn khó khăn, nguy cơ xảy ra chồng chéo phần mềm/CSDL không kết nối liên thông được với hệ thống dữ liệu của quốc gia, gây lãng phí đầu tư. Song song đó, các hộ nông dân và một số doanh nghiệp/hợp tác xã đã tiếp cận công nghệ thông tin, tuy nhiên việc áp dụng vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thì cần phải được tập huấn, hướng dẫn; đồng thời, chưa có quy định khai báo thông tin lên hệ thống quản lý, lợi ích khi tham gia vận hành còn hạn chế.
THOẠI PHƯƠNG