Đẩy mạnh chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin
(BDO) Chuyển đổi số (CĐS) đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của Bình Dương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống. Từ đó, việc bảo vệ dữ liệu và đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) là yếu tố sống còn để hệ thống số hoạt động hiệu quả, góp phần vào sự thành công của quá trình CĐS.
Triển khai nhiều hoạt động
Trong thời gian qua, Bình Dương đã đạt được một số kết quả trong CĐS như: triển khai, tổ chức thực hiện đầy đủ các văn bản của trung ương và của tỉnh; hạ tầng đã được nâng cấp đầu tư đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã; đã được phê duyệt cấp độ hệ thống thông tin đạt tỷ lệ 100% (234 hệ thống); các hệ thống thông tin được giám sát tập trung về trung tâm giám sát (SOC) của tỉnh và hệ thống giám sát ATTT với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia để giám sát và cảnh báo kịp thời các nguy cơ. Cán bộ, công chức, viên chức, người dân được tham gia các lớp về an toàn toàn thông tin qua môi trường đào tạo trực tuyến (binhduong.mobiedu.vn).
Ông Nguyễn Trung Tín, Trung tâm Chuyển đổi số tỉnh Bình Dương truyền đạt kiến thức về an toàn thông tin mạng chuyên sâu
CĐS đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ ở Bình Dương, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ công. Dữ liệu số ngày càng sinh ra nhiều và là mục tiêu quan trọng cần được bảo vệ. ATTT là nhiệm vụ sống còn nhằm bảo vệ hạ tầng kỹ thuật, dữ liệu quan trọng và đảm bảo hệ thống số hoạt động hiệu quả. Hai yếu tố này cần đồng bộ và tương hỗ để đảm bảo thành công quá trình CĐS.
Thời gian gần đây, Bình Dương đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo đảm ATTT như: diễn tập thực chiến ATTT, hội thảo về ATTT, tập huấn bồi dưỡng kỹ năng quản lý ATTT… Thông qua các hoạt động, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý giàu kinh nghiệm, lãnh đạo của các cấp ủy, đoàn thể, các sở, ban, ngành và những người trực tiếp làm công tác công nghệ thông tin và CĐS của tỉnh đã đưa ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả, góp phần đẩy mạnh ATTT trong thời gian tới.
Đại diện doanh nghiệp giới thiệu giải pháp ATTT tại Hội thảo ATTT trong CĐS năm 2024.
Tăng cường đảm bảo an toàn thông tin
Bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, thách thức đối với công cuộc CĐS của tỉnh đó là: thách thức mới trong ATTT là các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi, khai thác lỗ hổng bảo mật và đánh cắp dữ liệu nhạy cảm; thiếu nguồn lực chuyên môn về ATTT là một thách thức lớn, ảnh hưởng đến khả năng ứng phó và phòng ngừa các nguy cơ mạng; nhận thức về ATTT trong cộng đồng chưa đầy đủ, dẫn đến tình trạng lơ là bảo mật, cơ hội cho tin tặc tấn công.
Phát biểu tại Hội thảo ATTT tỉnh Bình Dương năm 2024 và Tổng kết diễn tập thực chiến vừa qua, ông Bùi Minh Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị các cấp, các ngành cần quan tâm nhiều hơn nữa đối với công tác an toàn, an ninh mạng, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTT cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân; chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia bảo vệ ATTT.
Đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực trực tiếp làm việc về ATTT, mở nhiều lớp tập huấn trực tuyến trên môi trường mạng để mọi người đều tiếp cận dễ dàng, dễ hiểu, thực hành và ứng dụng được trong cuộc sống hằng ngày.
Ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc điều hành Trung tâm ĐTG SOC trình bày tham luận "Chiến lược đảm bảo ATTT toàn diện trong quá trình CĐS tại Hội thảo ATTT tỉnh Bình Dương năm 2024 và Tổng kết diễn tập thực chiến
Tiếp tục đầu tư hạ tầng, hệ thống đảm bảo ATTT theo hồ sơ cấp độ được phê duyệt, bố trí 10% khoản chi cho ATTT từ hoạt động chi ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS.
Tăng cường tổ chức đánh giá rủi ro ATTT định kỳ, ưu tiên đánh giá ATTT cho hệ thống thông tin trọng yếu, xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố ATTT và tổ chức hội thảo, diễn tập thực chiến để phát hiện, xử lý khắc phục kịp thời.
Tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin với bộ, ngành, địa phương trong công tác đảm bảo ATTT; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về ATTT với các tổ chức, cá nhân.
Với những nỗ lực của Bình Dương trong việc xây dựng môi trường mạng an toàn, hy vọng rằng trong tương lai, các hệ thống thông tin của tỉnh sẽ tiếp tục được bảo vệ một cách hiệu quả, giảm thiểu tối đa các nguy cơ tấn công mạng. Đặc biệt, sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân là yếu tố quan trọng giúp tỉnh hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội số, kết nối cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống trong thời đại số.
“Chính quyền tỉnh Bình Dương luôn đẩy mạnh ứng dụng chính quyền số, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận dịch vụ công trực tuyến; thúc đẩy phát triển kinh tế số, hỗ trợ doanh nghiệp số hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường toàn cầu; xây dựng xã hội số, kết nối cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện tiếp cận thông tin hiệu quả”. |
MINH HIẾU