Đẩy mạnh các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Thứ sáu, ngày 20/07/2018

(BDO)  6 tháng đầu năm 2018, Bình Dương đã kiềm chế số vụ tai nạn giao thông (TNGT) trên cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, các nguy cơ gây mất an toàn giao thông (ATGT); xảy ra các vụ TNGT và ùn tắc giao thông trên địa bàn vẫn đang đặt ra cho các cơ quan chức năng nhiều thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ từ các cơ quan trong việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT trong những tháng còn lại của năm 2018.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: M.DUY

Tìm giải pháp khắc phục các nguyên nhân gây mất ATGT

Sáng 19-7, Ban ATGT tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Phó ban ATGT tỉnh, cho biết theo số liệu báo cáo của Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã xảy ra 782 vụ, làm chết 131 người (trong đó có 11 trẻ em), bị thương 836 người (trong đó có 25 trẻ em), hư hỏng 1.335 phương tiện. So với cùng kỳ năm 2017, toàn tỉnh đã giảm 68 vụ (-8%); giảm 6 người chết (-4,38 %); giảm 111 người bị thương (-11,72 %). Xảy ra 1 vụ TNGT thủy, làm chết 3 người, bị thương 2 người, hư hỏng 2 phương tiện thủy trên sông Đồng Nai đoạn qua địa bàn TX.Tân Uyên. Toàn tỉnh không xảy ra các sự cố hay TNGT đường sắt.

Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cũng như các cơ quan chức năng tỉnh và và các huyện, thị, thành phố đã góp phần giảm thiểu số vụ TNGT trên cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2018, số vụ TNGT gây chết người vẫn còn cao đã đặt ra cho các cơ quan chức năng, các địa phương nhiều thách thức trong việc phân tích, tìm hiểu nguyên nhân để từ đó tiếp tục đề xuất các giải pháp, biện pháp để bảo đảm tình hình trật tự ATGT, giảm thiểu các vụ TNGT gây thiệt hại về người và tài sản.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Điệp, Phó trưởng Công an TP.Thủ Dầu Một, đã nêu ra một số nguyên nhân khách quan dẫn đến gây mất ATGT trong thời gian qua trên địa bàn, như: Tình hình mật độ phương tiện giao thông, nhất là các phương tiện vận tải, xe container di chuyển trên các tuyến đường như quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn cũng là nguyên nhân tiềm ẩn các nguy cơ gây ùn tắc giao thông, TNGT. Trong khi đó, theo thượng tá Điệp, với hệ thống tín hiệu, biển báo giao thông hiện tại chưa đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 41/2016 của Bộ Giao thông - Vận tải về báo hiệu đường bộ là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT; đồng thời sẽ gây khó khăn để xử lý các hành vi vi phạm liên quan. “Trong thời gian tới các cơ quan chức năng liên quan cần phối hợp tổ chức khảo sát về hạ tầng giao thông, các vị trí lắp đặt biển báo, tín hiệu giao thông để có kế hoặch lắp đặt, thay thế hợp quy chuẩn”, thượng tá Nguyễn Ngọc Điệp, Phó trưởng Công an TP.Thủ Dầu Một đề xuất tại hội nghị.

Trong khi đó, thượng tá Hồ Quang Thành, Phó trưởng Công an TX.Thuận An, cũng nhìn nhận địa bàn giáp ranh TP.Hồ Chí Minh với nhiều khu công nghiệp, kho cảng thời gian qua đã chịu nhiều áp lực về mật độ phương tiện qua lại, nhất là các loại xe tải, xe container trên các tuyến đường dẫn vào các kho cảng, bến bãi. Cụ thể, theo khảo sát sơ bộ của Công an TX.Thuận An, trong phạm vi 3km trên tuyến đường ĐT743 gần khu vực ngã tư 550 đã có 7 đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực vận tải, kho vận khiến giao thông trên tuyến luôn trong tình trạng quá tải; đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ATGT, xảy ra TNGT và ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm tại các giao lộ ngã tư 550, giao lộ An Phú, Mỹ Phước - Tân Vạn… Thượng tá Hồ Quang Thành cũng nêu ra các nguyên nhân xảy ra các vụ TNGT được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2018 được xác định nguyên nhân do hệ thống đèn tín hiệu giao thông không ổn định đã dẫn đến 11 vụ ùn tắc giao thông kéo dài 1 - 2 giờ, đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến 11 vụ TNGT gây thiệt hại về người và tài sản.

Tại hội nghị, các địa phương cũng đã phân tích các nguyên nhân gây mất ATGT trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT743, tuyến đường ĐT744... Từ đó các địa phương đã đề xuất một số giải pháp để khắc phục các nguy cơ mất ATGT, như: Tổ chức rà soát lại hệ thống biển báo, tín hiệu giao thông; kiểm tra vẽ vạch sơn, lắp đặt dải phân cách phân làn đường; khẩn trương khắc phục các điểm ngập úng để bảo đảm phương tiện qua lại được thông suốt, an toàn…

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Tại hội nghị, đồng tình với các ý kiến, đề xuất của các địa phương, đại tá Võ Văn Phúc, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng ban ATGT tỉnh, cho rằng quan tâm duy tu, sửa chữa khắc phục các hư hỏng trên các tuyến đường cũng như chú trọng việc đầu tư, lắp đặt biển báo hệ thống tín hiệu giao thông để bảo đảm ATGT cho các phương tiện là rất cần thiết. Để thực hiện tốt vấn đề này đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các cơ quan chức năng từ tỉnh đến các địa phương. Bởi theo đại tá Võ Văn Phúc, người dân, đặc biệt người tham gia giao thông sẽ tiếp nhận được công tác tuyên tuyền có hiệu quả thông qua sự quan tâm, đầu tư của cơ quan chức năng đối với hệ thống hạ tầng giao thông. “Người tham gia giao thông sẽ không nhận được sự phản hồi tích cực của công tác tuyên truyền khi di chuyển trên những con đường với sơn phân làn đường, vạch giảm tốc, vạch dừng đã mờ nhạt…”, đại tá Võ Văn Phúc bày tỏ.

Trước tình hình số vụ TNGT, vi phạm giao thông ở giới trẻ tăng cao, đại tá Võ Văn Phúc cũng cho rằng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác phố biến, tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh và công nhân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Công an tỉnh sẽ chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông triển khai công tác tuần tra theo từng nhóm chuyên đề, nhất là các lỗi dễ dẫn đến TNGT như: Kiểm tra nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, lấn làn đường, vượt đèn đỏ… nhằm góp phần đảm bảo trật tự ATGT, giảm số vụ TNGT.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó ban Thường trực Ban ATGT tỉnh, đánh giá cao kết quả đã đạt được trong việc kéo giảm số vụ TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí; đồng thời cũng lưu ý một số giải pháp, biện pháp để triển khai thực hiện trong 6 tháng còn lại năm 2018, như: Công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên, công nhân lao động cần đi vào thực chất có hiệu quả. Các cơ quan chức năng tỉnh, các địa phương cần nhanh chóng triển khai việc khảo sát đối với các công trình, hạ tầng giao thông; hệ thống tín hiệu, biển báo giao thông trên các tuyến đường; trong đó tỉnh sẽ tăng cường việc sơn vạch kẻ đường mỗi năm 2 lần để bảo đảm cho người và phương tiện tham gia giao thông được an toàn.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Trần Thanh Liêm cũng lưu ý, từ nay đến cuối năm các cơ quan chức năng của tỉnh như lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông cần tăng cường phối hợp trong công tác tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm gây mất ATGT, nhất là các lỗi dễ dẫn đến TNGT, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các loại phương tiện hết niên hạn lưu hành; cơ quan chức năng cần làm việc với các cơ sở kinh doanh vận tải, bến bãi, hầm mỏ để họ làm cam kết chở đúng tải trọng quy định, từ đó có cơ sở xử lý nghiêm trong trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm liên quan.

6 tháng đầu năm 2018, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh và các địa phương, Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải đã tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, ATGT. Qua đó đãphát hiện 42.337 trường hợp vi phạm pháp luật vềtrật tự, ATGT, xửphạt 28.879 trường hợp với tổng số tiền 42,45 tỷ đồng. Trong đó đã tước 2.809 giấy phép lái xe, tạm giữ 6.208 phương tiện và9.693 giấy tờ các loại; đình chỉtuyển sinh 1 cơ sở đào tạo sát hạch lái xe. Riêng trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động Bình Dương đã kiểm tra 138 xe, phát hiện 9 xe vi phạm, lập 18 biên bản vi phạm hành chính vềquá tải thiết kế cho phép, tổng số tiền xửphạt hơn 144 triệu đồng, tước giấy phép lái xe đối với 4 trường hợp.

MINH DUY