Đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ vào nông nghiệp

Thứ hai, ngày 29/02/2016

(BDO)

Thời gian qua, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) vào lĩnh vực nông nghiệp đã được các cấp và ngành nông nghiệp tỉnh nhà chú trọng. Đồng thời, việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHCN cũng đã giúp cho người dân trong tỉnh nâng cao thu nhập, có thể chủ động sản xuất được nhiều loại cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Qua việc áp dụng KHCN vào sản xuất đã từng bước nâng cao giá trị nông sản của tỉnh và tăng nguồn thu cho người dân. Trong ảnh: Một vườn bưởi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên Ảnh: HOÀNG PHẠM

Tạo sức bật

Toàn tỉnh hiện có hơn 925 ha đất nông nghiệp ứng dụng KHCN mới, tập trung các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao. Bên cạnh đó, nhiều mô hình trình diễn nông nghiệp cũng được ngành chức năng triển khai thực hiện như trồng các loại cây trong nhà lưới, hệ thống tưới cải tiến (tự động, nhỏ giọt, phun sương)... Kết quả này đã tạo được một diện mạo mới cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Ngô Văn Dinh, Phó Giám đốc Sở KHCN cho biết, hiện nay KHCN đã trở thành yếu tố chính giúp tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng nông sản. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, việc ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất đã góp phần nâng cao giá trị nông sản của tỉnh nhà, đồng thời bảo đảm các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Qua đó cũng giúp cho người dân thay đổi tư duy sản xuất truyền thống, từng bước áp dụng những tinh hoa của KHCN vào sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện chương trình của Tỉnh ủy về chuyển dịch cơ cấu ngành nông theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh đã triển khai được 933 điểm trình diễn mô hình khuyến nông, 129 điểm nghiên cứu đồng ruộng; thực hiện được 41 chương trình, đề tài, dự án...

Bên cạnh đó, hiện nay, mô hình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) đang được triển khai rộng khắp tại các địa phương trong tỉnh. Riêng tại huyện Bắc Tân Uyên, đã có 36 ha đất trồng cây có múi (gồm 27 ha cam và 9 ha bưởi) được cấp chứng nhận VietGAP. Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên cho biết, việc triển khai thử nghiệm mô hình trồng cây ăn quả có múi theo chuẩn VietGAP tại xã đã phát huy hiệu quả. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ khuyến khích thêm nhiều hộ tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để mở rộng diện tích.

Tăng nguồn thu cho người dân

Trước đây, nhiều người cho rằng làm nông nghiệp khó làm giàu. Nhưng từ khi áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất đã có nhiều nông dân trong tỉnh thoát nghèo vươn lên làm giàu; có gia đình đạt doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Anh Nhị Văn Xum, ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, được bà con gọi vui là tỷ phú măng lục trúc chia sẻ, sau khi tham quan mô hình trồng măng lục trúc của các hộ trong và ngoài tỉnh, gia đình anh đã mạnh dạn trồng 6 ha tre lục trúc để lấy măng. Qua việc áp dụng kỹ thuật sản xuất VietGAP do Sở KHCN hướng dẫn đã giúp cho sản phẩm măng của gia đình vừa có năng suất cao vừa đáp ứng được các yêu cầu về sản phẩm nông nghiệp sạch. Sau khi trừ chi phí, bình quân gia đình anh thu lời từ 900 triệu- 1 tỷ đồng/năm.

Còn ông Lê Hoàng Châu, chủ vườn cây ăn trái ở xã Trừ Văn Thố, Bàu Bàng cho biết, việc áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất trên vườn cây ăn trái của gia đình ông đã cho hiệu quả cao. Ngoài việc cải thiện hệ thống tưới nước tự động để điều tiết lượng nước vừa đủ cho từng loại cây, ông còn thực hiện 3 nguyên tắc trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật “đúng thuốc, đúng liều lượng và đúng lúc” vừa giúp cho các loại cây ăn trái bảo đảm chất lượng, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

 

 KHÁNH ĐĂNG