Dạy học online: Khó khăn vẫn thực hiện

Thứ sáu, ngày 03/04/2020

(BDO)  Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn kéo dài, học sinh (HS) chưa biết ngày trở lại trường, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã chỉ đạo toàn ngành chuyển sang dạy trên internet, học trên truyền hình.

 Theo hướng dẫn của bộ, hình thức tổ chức dạy học này giúp phát triển năng lực tự học của HS và nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình của giáo viên (GV); tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình trong việc tổ chức, hỗ trợ HS trong học tập; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học theo hướng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 Một HS tiểu học đang học online

Trường THPT Chuyên Hùng Vương (TP.Thủ Dầu Một) là một trong số những trường thực hiện tốt việc dạy học qua internet. Theo Ban Giám hiệu, nhà trường đã chỉ đạo GV thực hiện việc dạy học trực tuyến từ rất sớm và đa dạng hình thức tổ chức dạy học. Thầy cô hướng dẫn HS làm bài tập, học bài mới thông qua mail hoặc nhóm Zalo, học trực tuyến, học qua livestream... Ngoài ra, thầy cô nhắc các em theo dõi giờ phát sóng chương trình học trên tivi do một số đài truyền hình thực hiện. Thầy Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng, cho biết với hình thức dạy học qua công nghệ thông tin, nhà trường kêu gọi tinh thần trung thực của thầy cô, bài kiểm tra phải bảo đảm tính khách quan, công bằng. Hiện tại giáo viên chỉ thực hiện cộng điểm khuyến khích cho HS thông qua các bài tập, các đề tài thầy cô giao cho HS.

Hưởng ứng chủ trương tăng cường dạy học qua internet, trường THPT Dầu Tiếng kết hợp với VNPT huyện tập huấn dạy Elearning cho tất cả GV. Tuần vừa qua, thầy cô đã tổ chức ôn bài cũ cho HS, trong tuần này thầy cô triển khai dạy bài mới cho các em. Theo thầy hiệu trưởng Nguyễn Cảnh Thủy, hướng sắp tới GV sẽ quay clip hướng dẫn HS học tập. Ngoài ra, thầy cô tiếp tục duy trì dạy học qua nhóm Zalo, giao bài qua mail, sau đó HS làm bài gửi lại cho GV chỉnh sửa.

Thực hiện chủ trương dạy học trực tuyến dạy qua truyền hình, mới đây Sở GD-ĐT đã có văn bản hướng dẫn các nhà trường thực hiện hoạt động giảng dạy theo các hình thức nêu trên trong thời gian HS nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cũng theo hướng dẫn của ngành, trong quá trình tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, GV kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của HS thông qua các bài kiểm tra trên hệ thống qua học internet; kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS đối với học trên truyền hình bằng các hình thức phù hợp. Khi HS đi học trở lại, nhà trường tổ chức cho HS ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức đã học qua internet hoặc trên truyền hình. Thầy cô đối chiếu, so sánh kết quả kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ và kiểm tra thường xuyên để có giải pháp phù hợp giúp HS cũng cố, bổ sung kiến thức.

Việc đổi mới hình thức dạy học trong tình hình mới phù hợp với chủ trương đổi mới hình thức tổ chức dạy học mà ngành đã phát động trước đây. Tuy nhiên, do hình thức này quá mới, nên trong quá trình triển khai các trường đang gặp những khó khăn nhất định. Với các trường ở vùng nông thôn, việc tổ chức dạy học trực tuyến càng khó khăn hơn. Đại diện Ban Giám hiệu trường THPT Long Hòa (Dầu Tiếng), cho biết HS ở vùng nông thôn có nhiều em gia đình không có điều kiện để mua máy tính, kết nối internet, thậm chí có em gia đình không ai có điện thoại thông minh. Hiện tại trường chỉ tổ chức học qua internet bằng hình thức đăng bài giảng trên trang website. Hình thức này rất khó kiểm soát được việc HS có tích cực học tập hay không, các em có tự ghi bài được không, vì ngay khi dạy trên lớp có em còn không chép bài, làm bài. Việc HS làm bài tập nộp cho giáo viên cũng khó đánh giá đúng thực chất, vì HS có thể nhờ người hỗ trợ. Theo nhận xét của trường, để tạo được 1 khóa học qua internet yêu cầu GV đầu tư rất nhiều, từ khâu thiết kế, quay hình bài giảng, biên soạn học liệu và soạn đề trắc nghiệm online, điều đó tạo áp lực cho GV trong quá trình soạn giảng.

Bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết các trường vùng nông thôn còn nhiều khó khăn khi triển khai dạy trực tuyến. Trường học còn thiếu phương tiện, thiết bị công nghệ, đường truyền và thiếu tivi có các kênh phát sóng dạy học. Dạy học online, dạy qua truyền hình dù là giải pháp tình thế trong giai đoạn này, nhưng lại là yêu cầu bắt buộc các trường phải triển khai nhằm bảo đảm kiến thức nền tảng, cốt lõi cho HS trong khung chương trình môn học, đồng thời bảo đảm khung thời gian kết thúc năm học bộ đã điều chỉnh. Dù còn nhiều lúng túng và khó khăn bước đầu, nhưng Sở GD-ĐT vẫn động viên các trường cố gắng thực hiện theo chỉ đạo chung của ngành.

 Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT lưu ý các trường chỉ đạo các tổ chuyên môn, GV xây dựng các bài học, học liệu để tổ chức dạy học qua internet theo kế hoạch của nhà trường; góp ý nội dung bài học và học liệu được tổ chức dạy học qua internet. Nhà trường bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật để tổ chức và quản lý hoạt động dạy học qua internet của thầy trò. Đối với HS, các em thực hiện đầy đủ các hoạt động học tập theo yêu cầu của GV. HS hoàn thành và nộp sản phẩm học tập để được thầy cô kiểm tra, đánh giá. Về phía phụ huynh, có trách nhiệm giám sát, hỗ trợ quá trình học tập qua internet của các em, hướng dẫn HS hoàn thành nhiệm vụ và nộp bài tập cho GV để kiểm tra, đánh giá.

 ÁNH SÁNG