Dạy, học môn sử và chủ quyền Tổ quốc

Thứ năm, ngày 26/11/2015

Diễn đàn mạng và báo chí tuần qua nói nhiều, bàn nhiều về chuyện dạy và học môn sử. “Bức xúc” là tâm trạng chung của các nhà giáo, nhà nghiên cứu và cả cộng đồng mạng khi đề cập đến chuyện dạy và học môn sử. Dẫu biết lịch sử là một bộ môn khoa học, gắn với việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, nhưng đến bao giờ chất lượng dạy và học môn sử trong các trường phổ thông mới thật sự nghiêm túc như mong đợi của nhiều người vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp thỏa đáng!

Nói về chất lượng học sử của học sinh các trường phổ thông hiện nay, người viết có lần phải giật mình thảng thốt! Với những câu hỏi đại loại như “Bà Trưng, bà Triệu là hai bà hay một bà?” thì quả là học sinh không hề lĩnh hội được một chút gì của việc học sử mà ai nghe qua cũng phải giật mình! Khoan vội trách các cháu, mà hãy nhìn lại việc dạy sử trong các trường phổ thông như thế nào để phải dẫn đến hệ lụy như vậy?

Tại hội thảo về dạy và học môn sử trong trường phổ thông vừa diễn ra mới đây ở TP.Hồ Chí Minh, không ít thầy giáo dạy sử đã thẳng thừng cho biết, từ gia đình, nhà trường đến xã hội đều có thái độ coi thường môn sử, xem đây là môn phụ, không thể giúp học sinh có tương lai tươi sáng, học nhiều chỉ phí thời gian. Nếu môn sử không được chỉ định là môn thi tốt nghiệp thì nhiều trường còn thường xuyên cắt giảm tiết sử để nhường thời gian cho các môn học khác! Bên cạnh đó, nhiều học sinh chưa có thái độ đúng đắn, tích cực trong quá trình học sử. Từ đó, các em hiểu biết về lịch sử rất mờ nhạt, chưa tích lũy được những kiến thức cơ bản.

Chuyện chương trình, nội dung môn sử trong sách giáo khoa không hấp dẫn cũng được hội thảo phân tích, mổ xẻ. Cái không hấp dẫn của chương trình, nội dung môn sử trong sách giáo khoa hiện nay được chỉ ra là một chuỗi dài những con số niên đại, ngày, tháng, năm, những sự kiện khô khan, khó nhớ nên dễ gây nhàm chán cho cả người dạy lẫn người học. Đó là chưa nói chương trình sách giáo khoa môn sử hiện đang quá tải, thầy trò không thể cùng nhau đi sâu thảo luận, phân tích, đánh giá một sự kiện vì phải chạy theo phân phối chương trình cho đúng, cho kịp thời gian. Phương pháp kiểm tra môn sử thì đòi hỏi học sinh ôm đồm, nhồi nhét, ít phát huy tư duy sáng tạo. Đánh giá kết quả chỉ nặng về sự kiện, thời gian mà không chú ý tới rèn luyện khả năng lập luận, kỹ năng thực hành.

Đành rằng lịch sử là những gì đã trải qua trong quá khứ, không lặp lại ở hiện tại nhưng chính lịch sử đã góp phần rất quan trọng vào việc giáo dục lòng yêu quê hương, yêu đất nước, yêu chuộng hòa bình cho thế hệ trẻ. Thông qua những bài học lịch sử, giáo viên cùng học sinh dựng lại từng trang sử hào hùng vẻ vang của dân tộc, những bước tiến của nhân loại. Những trang sử hào hùng được đưa vào sách giáo khoa không chỉ nhằm giúp học sinh hiểu được tiến trình lịch sử của nhân loại, của đất nước mà còn có ý nghĩa to lớn là giúp các em nhìn lại quá khứ của dân tộc làm nền tảng để tiếp bước đến tương lai.

Lịch sử còn là môn học gắn liền với những cuộc chiến tranh vệ quốc. Thế hệ trẻ hôm nay biết về quá khứ là để trân trọng hơn công lao của các bậc tiền nhân, từ đó ra sức bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trước sự dòm ngó của các thế lực ngoại bang.

LÊ QUANG