Dấu xưa đình Bình Dương

Thứ bảy, ngày 25/01/2014

 Đình Tương Bình Hiệp tọa lạc tại ấp 2, xã Tương Bình Hiệp, TP.TDM, tỉnh Bình Dương. Điều đặc biệt, đây chính là ngôi đình duy nhất ở vùng Đông Nam bộ thờ vị tiến sĩ khai hoa đầu tiên của toàn xứ Nam kỳ. Phan Thanh Giản là một nhân vật lịch sử và là nhà thơ, nhà sử học lớn của dân tộc.

   Chân dung cụ Phan Thanh Giản (Nguồn: Internet)

 Đã 147 năm, kể từ ngày 4-8- 1867, cụ Phan Thanh Giản kết thúc đời mình bằng 17 ngày nhịn ăn và chén thuốc độc tự vẫn vì buồn đau, thương dân thương nước. Bi kịch đời cụ chính là bi kịch lịch sử cần được làm sáng tỏ. Đại thần Phan Thanh Giản là người được nhắc nhở nhiều nhất luận về công tội trong giai đoạn đau buồn của dân tộc khi đất nước ta mất cả 6 tỉnh Nam kỳ vào tay quân xâm lược Pháp.

Cụ Phan Thanh Giản sinh năm 1796, đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa thi Đình năm Bính Tuất (1826) ở Huế. Cụ là người đỗ Đại khoa tiến sĩ đầu tiên của đất Nam kỳ.

Năm 1834, cụ được phong Sung Cơ mật viện. Tháng 9-1835, cụ được phong Hiệp biện Đại học sĩ, đó là chức quan hàm tùng nhất phẩm trên Thượng thư một bậc. Năm 1848 đổi sang Thượng thư Bộ Lại; 1851 làm Kinh lược phó sứ Nam kỳ; 1853 Thượng thư Bộ Hình, Sung Cơ mật viện; 1856 Chánh tổng tài Quốc sử quán…

Những năm 1836, 1840 bị giáng chức vì can ngăn vua, có năm phải đi khai mỏ vàng ở Thái Nguyên (1838), sau đó lại được phục hồi chức phẩm. Cụ là Tổng tài phụ trách việc biên soạn bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục trong ba năm 1856- 1859, là bộ Quốc sử đồ sộ, lớn nhất thời Nguyễn gồm 53 quyển.    Đình Tương Bình Hiệp (nguồn: Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Bình Dương)

Phan Thanh Giản từng làm quan qua 3 triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Ông từng đi sứ sang Trung Quốc, Nam Dương (Indonesia), Tân Gia Ba (Singapore), Pháp, Tây Ban Nha. Ông được cử sang Pháp để thương lượng chuộc lại 3 tỉnh miền Đông bị mất nhưng thất bại, sau đó ông được cử làm Kinh lược xứ Vĩnh Long. Chính vì thế, tượng Phan Thanh Giản còn được thờ tại Khu di tích Văn Thánh Miếu Vĩnh Long - nơi Kinh lược sứ đại thần Phan Thanh Giản tuẫn tiết.

Sau khi thực dân Pháp lần lượt chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây vào ngày 23-6-1867, ông chọn giải pháp giao cho Pháp rồi tuyệt thực và uống thuốc độc tuẫn tiết. Trước khi qua đời, ông viết sớ tạ tội với vua Tự Đức: “Thân nghĩa đương tử, bất cam cẩu hoạt dĩ di quân phụ chi tu” (Nghĩa tôi đáng chết không dám sống cẩu thả để cái nhục lại cho quân phụ).

Vua Tự Đức, ông vua “chủ hòa” đã cho rằng chính cụ đã làm mất Lục tỉnh Nam kỳ, nên phán: “Xét phải tội chết, chưa đủ che được tội” và nghi án “truy đoạt lại chức hàm và đẽo bỏ tên ở bia tiến sĩ, để mãi cái án trảm giam hậu” với lập luận “Tru ký tử, dĩ cảnh tương lai vân vân” (Giết người đã chết để răn đe người sống).

Phải đến sau khi vua Tự Đức mất (1885), Phan Thanh Giản mới khôi phục lại chức hàm. Năm 1924, nhân dịp tổ chức lễ tứ tuần đại khánh (mừng thọ 40 tuổi), vua Khải Định đã ban chiếu phong thần cho Phan Thanh Giản. Triều đình Huế đã sắc phong cho nhân dân xã Tương Bình Hiệp thờ cụ Phan làm thần tại đình làng của mình. Nguyễn văn bản sắc:

“Sắc Thủ Dầu Một tỉnh, Bình Phú tổng, Tương Bình Hiệp xã, phụng sự Tam giáp tiến sĩ, Hiệp tá đại học sĩ, Sung Cơ mật viện đại thần Phan Thanh Giản tướng công tôn thần hộ quốc túy dân. Nẫm trứ linh ứng, tứ kim chính trực. Trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bửu chiếu đàm ân lễ, long đăng trật tứ phong đoan tức dực bảo trung hưng tôn thần. Chuẩn kỳ phụng sự thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân.

Khâm tai!

Khải Định cửu niên thất nguyệt nhị thập ngũ nhật”

Tạm dịch:

“Nay sắc cho xã Tương Bình Hiệp, tổng Bình Phú, tỉnh Thủ Dầu Một, phải phụng thờ Tam giáp tiến sĩ, Hiệp tá đại học sĩ, Sung Cơ mật viện đại thần Phan Thanh Giản tướng công làm thần giữ nước giúp dân. Vì ông thường linh ứng nên nhất tiết tứ tuần đại khánh, trẫm ban bửu chiếu phong cho ông vào bậc đoan tức dực bảo trung hưng tôn thần, chuẩn cho phụng thờ ông làm thần để giúp đỡ và che chở dân đen của ta.

Kính vậy thay!

Ngày 25 tháng 7 năm thứ 9 niên hiệu Khải Định”

Cũng như những ngôi đình làng Nam bộ khác, đến hẹn lại lên hàng năm cứ đến ngày 12-10 âm lịch, đình Tương Bình Hiệp lại nô nức mở hội làng để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Về văn thơ cụ Phan có tập Lương Khê thi thảo gồm 454 bài thơ và Lương Khê văn tập (1876) do các con tập hợp in sau khi cụ mất. Cụ còn có các tập thơ, nhật ký như Sứ Thanh thi tập, Tây phủ Nhật ký, ghi chép trong chuyến đi Pháp…

Cụ cùng Nguyễn Thông đã có công xây Văn Thánh Miếu và lập Văn Xương Các ở Vĩnh Long… Chỉ trong ngần ấy thời gian sinh thời, cụ đã là nhà văn, nhà văn hóa, nhà sử học lớn của dân tộc.

Luận về công tội của cụ Phan, từ 150 năm nay, có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Không ít người cho rằng ông là người có tội trong việc để mất 6 tỉnh Nam kỳ vào tay quân Pháp khi ông làm Chánh sứ toàn quyền đại thần ký hòa ước Nhâm Tuất 1862.

Trong Văn tế lục tỉnh sĩ dân trận vong, cụ Đồ Chiểu viết về Phan Thanh Giản: “Phan học sĩ hết lòng mưu quốc”. 10 năm sau khi Phan Thanh Giản tự vẫn, năm 1886, vua Đồng Khánh đã xét lại công tội của cụ và đã ra chiếu chỉ “khai phục nguyên hàm” và khắc lại tên trong bia tiến sĩ ở Văn Miếu Huế cho cụ Phan Thanh Giản. Dưới chân núi Ba Thê, Thoại Sơn, An Giang có đền thờ Phan Thanh Giản từ trăm năm trước.

Trước năm 1867, trong thư gửi cho Tổng đốc An Giang và Tổng đốc Hà Tiên, Chánh sứ Phan Thanh Giản viết: “Lá cờ ba sắc (chỉ cờ Pháp) không thể phấp phới bay trên một thành lũy ở đó Phan Thanh Giản còn sống…”.

Phan Thanh Giản đã được giải oan sau gần 150 năm mang tiếng “bán nước”. Ngày 24-1- 2008, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Đặng Văn Bài có công văn gửi UBND tỉnh Bến Tre, cho biết cục đã làm việc với Viện Sử học và cơ quan này có công văn nêu rõ, các nhà sử học đánh giá cao công lao của cụ Phan Thanh Giản trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa. Cụ nổi tiếng thanh liêm, đạo đức, có nhiều đóng góp lớn đối với lịch sử dân tộc trên các lĩnh vực văn học, sử học... Viện Sử học kết luận: “Với nhận thức mới trên quan điểm lịch sử cụ thể, nhân vật Phan Thanh Giản xứng đáng được tôn vinh bằng nhiều hình thức khác nhau”. Đó là sự phán quyết công bằng.

 Kỳ cuối: Đình Phú Long - Nghề xưa lưu dấu

 HIỀN LAN