Dấu xưa đình Bình Dương
Bài 3: Đình Phú Cường - Vang bóng một thời
Đình Phú Cường (đình Bà Lụa) tọa lạc trên sườn đồi thoai thoải với cảnh trí đẹp, mang đậm nét cổ kính, trang nghiêm thuộc phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đình được xây dựng khoảng giữa thế kỷ XIX (trước năm 1861) để thờ Thần thành hoàng thôn Phú Cường. Vị trí đình nằm bên rạch Bà Lụa, vì vậy nhân dân ở đây thường gọi là đình Bà Lụa. Đây là một công trình kiến trúc tôn giáo từng được đánh giá là một trong những ngôi đình có kiến trúc nổi tiếng đẹp nhất Nam bộ.
Đình Phú Cường (Bà Lụa) xưa
Phong cảnh đẹp cũng như kiến trúc bề thế, trang nghiêm của ngôi đình được tác giả Nguyễn Liên Phong giới thiệu trong “Nam kỳ phong tục, nhân vật diễn ca” (Sài Gòn Phat toan Libraie Imprimeur 1909).
“Đình thần phong cảnh tốt thay
Trong rạch Bà Lụa ngoài rày đại giang
Nền cao cất bước tơ thang
Trong gian chánh điện nghiêm trang phụng thờ”
Đình Bà Lụa nổi tiếng với quy mô kiến trúc độc đáo và hoành tráng, cùng với những trang thờ phụng chạm trổ tinh xảo hơn những đình khác. Chính vì vậy, năm 1921 nhà cầm quyền Pháp đã cho lập mô hình và đem đi triển lãm ở hội chợ Marseille (Pháp). Năm 1931, ông Gheogratte Naudin, chuyên viên nghiên cứu bảo tàng Nam kỳ đã đến thăm đình Phú Cường (đình Bà Lụa) và viết lời giới thiệu: “Lúc đó đình Bà Lụa được xem là ngôi đình có kiến trúc đẹp nhất, nhì Nam kỳ, với những cột gỗ đẹp và quý. Những mảng hoa văn ghép bằng sơn mài màu hồng, những binh khí cổ và hiếm… hấp dẫn đông đảo du khách đến thăm”. Thế nhưng rất tiếc ngôi đình đó đã bị chiến tranh phá hủy nên hình ảnh uy nghi một thời của ngôi đình chỉ còn lưu dấu trong sử sách.
Theo các cụ cao niên trong làng cho rằng ngôi đình Phú Cường ngày xưa tọa lạc trên đồi Phú Cường (tức nơi có trụ sở của UBND tỉnh hiện nay), đến khi người Pháp chiếm Thủ Dầu Một, ngôi đình bị phá hủy, dân chúng mới chung sức cất ngôi đình nơi vị trí hiện nay. Tuy nhiên, theo các tài liệu như địa phương chí Bình Dương (năm 1975), lịch sử văn hóa và cách mạng Phú Cường (năm 1990) đều căn cứ cuốn hồi ký của Grammont, một sĩ quan Pháp có mặt trong cuộc xâm chiếm Thủ Dầu Một vào 1861 thì ngôi đình Phú Cường đã có mặt trước đó ở vị trí hiện nay.
Đình hiện nay được trùng tu năm 1956 và khánh thành năm 1957 (Đinh Dậu), xây dựng dựa trên cơ sở kiến trúc của ngôi đình xưa nhưng không to và đẹp bằng ngôi đình cũ. Đình có kiến trúc theo lối chữ tam, cột, kèo, xuyên, trính đều đúc xi măng mái lợp ngói móc, còn gọi là ngói vảy. Trên nóc đình trang trí hình lưỡng long chầu nguyệt. Gian trong cùng của chánh điện gọi là chánh tẩm hay hậu cung. Ở giữa gian chánh tẩm thờ vị chánh thần, tức thần Thành hoàng.
Vị thần ở đây không có tượng, chỉ có một chữ Thần trên bức thờ, có long vị chạm trổ, trên long vị đề: “Cung Thỉnh Phú Cường Thành Hoàng Linh Thần, Sắc Gia Tặng Bảo An Chánh Trực Chi Vị”. Bên cạnh long vị này là bài vị đề: “Linh Quang Chủ Chiếu Bổ Mạng Nguyên Thần Tinh Quân Tọa Vị”, trong ấy còn có ghi tên các vì sao, lục giác… Các tự khí còn có áo, mão và ngựa. Hai bên án thờ còn có 2 giá lỗ bộ, mỗi giá cắm 5 món binh khí cổ: kích, chùy, xà mâu, búa, siêu. Hai đôi hạc đứng trên lưng rùa, cùng với một đôi tàng màu vàng.
Hai bên thờ Thành hoàng là khám thờ tả bang, hữu bang (tức những vị phò tá chánh thần và có đủ áo, mão, hia, ngựa). Đối diện với bàn thờ thần là hương án, nơi đây có một bàn gỗ (bức hương án tiền). Bên trong đình ở gian chánh còn có những khám thờ, hoành phi, liễn đối và ngai thờ thần được làm bằng gỗ sơn son, thếp vàng có chạm khắc khá tinh xảo các đề tài tứ quý (mai, lan, cúc, trúc), tứ linh (long, lân, quy, phụng), bát tiên, tùng, lộc, mai, điểu... Trong đó, đáng chú ý là một tấm thủ quyển thếp vàng, trên đề: “Trư trường lưu tự điển” (nghi thờ tự dài lâu), một tấm hoành ghi ngày tháng khánh thành đình và cặp liễn đối ca ngợi công đức của vị thần:
Thánh đức quang huy vận tải anh linh bảo an chánh trực.
Thần ân chiếu diệu thiên thu hiển hách hữu thiện đôn ngưng.
Tạm dịch:
Anh linh của đức thánh rạng rỡ muôn năm giữ yên sự ngay chính.
Ơn thần to lớn soi thấu ngàn thu chở che điều lành, làm dày những thành quả.
Gian giữa là gian tiền tế, từ nơi đây các lễ sinh dâng lễ vật lên cúng thần, nơi đây còn là nơi vị đọc chúc sẽ đọc văn tế trong dịp tế lễ thần… gian tiền tế có một món tự khí đáng chú ý, đó là cập đài (hộp đựng trầu cau) bằng gỗ chạm hình tứ linh do ông Phó Tổng tổng Bình Điền cúng vào năm Giáp Thìn (1904), đây là món tự khí có lẽ cổ nhất còn lại trong đình chăng?
Gian ngoài cùng gọi là hội đồng ngoại có am thờ tiền hiền, hậu hiền, tức những vị có công với địa phương hoặc với ngôi đình. Ở đây còn 4 hương án khác có giá chuông, trống, mõ. Hai bên chánh điện có đông lang dành cho bá tánh nam nữ hội họp trong những ngày lễ trọng đại của địa phương và làm nhà kho. Trước sân đình là bình phong long hổ, bàn thờ thần nông. Hai bên thờ tả hộ vệ, hữu hộ vệ.
Cũng như các ngôi đình khác ở Nam bộ, đình làng là nơi sinh hoạt giao lưu văn hóa của nhân dân trong vùng, bảo tồn được phong tục thờ cúng tổ tiên, những người có công với dân với nước. Hàng năm vào ngày 11 tháng giêng, nhân dân trong vùng cũng như các nơi lân cận lại đổ về nơi đây để dự hội đình. Cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa cuộc sống của bà con được ấm no hạnh phúc.
Đình Phú Cường đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh ngày 2-6-2004. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thời gian xây dựng đã lâu, kinh phí trùng tu tôn tạo còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó do quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ cùng với sự tác động của con người và môi trường nên đình Phú Cường đã bị xuống cấp, các vật dụng bằng chất liệu gỗ, các đồ thờ cúng, hệ thống cột kèo gỗ, liễn đối đã bị mối mọt xâm thực, bị hư hỏng nhiều. Đặc biệt là các phần trang trí thể hiện bằng tranh gép gốm ở bình phong long hổ, bàn thờ thần nông, trên mái của áng thờ tả hộ vệ, hữu hộ vệ… đã bị bong tróc làm mất đi hình dáng ban đầu của nó. Trước thực trạng này, cần có các phương án bảo vệ trùng tu và tu bổ di tích nhằm gìn giữ những giá trị lịch sử, sự nghiêm trang của đình để phát huy tốt các truyền thống tốt đẹp của dân tộc và bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa của vùng đất Thủ Dầu Một - Bình Dương xưa.
Bài 4: Đình Tương Bình Hiệp - Nơi thờ vị tiến sĩ đầu tiên của Nam bộ
HIỀN LAN