Đầu tư xây dựng tuyến đường ven sông Sài Gòn: Công trình trọng điểm, giàu tiềm năng phát triển

Thứ năm, ngày 13/06/2024

(BDO) UBND tỉnh đang xây dựng kế hoạch đầu tư tuyến đường ven sông Sài Gòn đi qua 4 địa phương, gồm TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một, TP.Bến Cát và huyện Dầu Tiếng. Tuyến đường ven sông Sài Gòn là một trong những dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

 Đoạn đường ven sông Sài Gòn qua TP.Thủ Dầu Một hoàn thành đưa vào sử dụng đã góp phần cải tạo cảnh quan bờ sông, trở thành điểm nhấn đô thị. Ảnh: Q.CHIẾN

 Chỉnh trang đô thị, khai thác du lịch

Tuyến đường ven sông Sài Gòn qua địa bàn tỉnh có điểm đầu tại rạch Vĩnh Bình, phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An, điểm cuối tuyến tại thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 93,9km. Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong việc khai thác vận tải và du lịch, phát triển đô thị của tỉnh..

Việc đầu tư tuyến đường ven sông Sài Gòn còn góp phần chống ngập do triều cường và xả lũ hồ Dầu Tiếng, phù hợp với các kịch bản biến đổi khí hậu, phòng chống sạt lở bờ sông, bảo đảm yêu cầu thoát lũ. Đồng thời hình thành nên trục kết nối thủy - bộ liên hoàn dọc theo sông Sài Gòn, tăng cường kết nối kinh tế - xã hội khu vực, cải tạo cảnh quan bờ sông, chỉnh trang và tạo điểm nhấn cho đô thị.

Theo Sở Xây dựng, để đầu tư tuyến đường ven sông Sài Gòn bảo đảm các đồ án quy hoạch được duyệt, trong tình hình hiện nay cần huy động nguồn vốn xã hội hóa kết hợp với nguồn vốn đầu tư công. Cụ thể, đối với các đoạn tuyến đường ven sông nằm trong khu vực phát triển đô thị, các dự án cảng, sẽ do nhà đầu tư thực hiện (kể cả kè sông theo mẫu thiết kế chung). Đối với các đoạn tuyến đường ven sông còn lại sử dụng nguồn vốn đầu tư công để thực hiện (xác định mẫu kết cấu kè chung toàn tuyến để đồng bộ). Trong quá trình thực hiện phải bảo đảm thời gian đầu tư nhằm đồng bộ, phân bổ vốn hiệu quả, bảo đảm tính thống nhất về hướng tuyến và quy mô cơ bản mặt cắt.

Theo đó, trên địa phận TP.Thuận An, giai đoạn đến năm 2030, đầu tư kết nối tuyến đường ven sông từ đường Gia Long đến rạch Bà Lụa quy mô theo quy hoạch được duyệt bằng nguồn vốn đầu tư công, cụ thể theo một phương án mặt cắt. Giai đoạn sau năm 2030, đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công đoạn tuyến từ rạch Vĩnh Bình đến đường Gia Long. Cải tạo đoạn tuyến từ rạch Bình Nhâm đến đường Châu Văn Tiếp và đoạn tuyến thuộc dự án cống ngăn triều Bình Nhâm, quy mô mặt cắt 32m, lòng đường 2x10m, dải phân cách giữa 2m và vỉa hè 2x5m theo quy hoạch. đầu tư cống kiểm soát triều rạch Vĩnh Bình - Lái Thiêu.

Trên địa phận TP.Thủ Dầu Một, Sở Xây dựng đề ra 2 phương án để lựa chọn, trong đó đề xuất UBND tỉnh lựa chọn phương án 1. Cụ thể, giai đoạn đến năm 2030, đầu tư kết nối các đoạn tuyến đường ven sông từ rạch Bà Lụa đến ranh khu vực phát triển đô thị Tân An bằng nguồn vốn xã hội hóa với quy mô mặt cắt theo quy hoạch chi tiết được duyệt. Giai đoạn sau năm 2030, đầu tư đoạn tuyến từ ranh khu vực phát triển đô thị Tân An đến cầu Ông Cộ kết nối với đường ven sông địa phận Bến Cát. Quy mô theo quy hoạch được phê duyệt, lộ giới 28m, trong đó lòng đường 17m, vỉa hè 2x5m mỗi bên, dải phân cách 1m, nguồn vốn đầu tư công.

Trên địa phận TP.Bến Cát, huyện Dầu Tiếng, Sở Xây dựng đề xuất giai đoạn đến năm 2030, đầu tư các đoạn tuyến đường ven sông nằm trong dự án các cảng (An Tây, An Điền, Rạch Bắp, Phú Cường Thịnh, Bến Súc…), khu di tích địa đạo Tam giác sắt và các khu vực phát triển đô thị. Quy mô mặt cắt 28m (lòng đường 18m, vỉa hè 5m x 2 bên) và 32m (lòng đường 22m, vỉa hè 5m x 2 bên) theo quy hoạch được phê duyệt, bằng nguồn vốn xã hội hóa của nhà đầu tư. Tại một số khu vực có nắn tuyến phụ ra khỏi dự án để bảo đảm quản lý vận hành cho từng dự án. Giai đoạn sau năm 2030, đầu tư các đoạn tuyến còn lại ngoài phạm vi dự án cảng, khu vực phát triển đô thị bằng nguồn vốn đầu tư công với quy mô mặt cắt 28m (lòng đường 18m, vỉa hè 5m x 2 bên) và 32m (lòng đường 22m, vỉa hè 5m x 2 bên) theo quy hoạch được phê duyệt.

Đồng bộ, kết nối

Để triển khai thực hiện đầu tư tuyến đường, theo Sở Xây dựng, trước hết các địa phương có tuyến đường ven sông đi qua cần tổ chức điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch chung và quy hoạch phân khu trước năm 2024. Các địa phương thực hiện công bố quy hoạch và có các giải pháp bảo vệ đất thuộc tuyến đường ven sông, tránh lấn chiếm xây dựng các công trình trong phạm vi đất hành làng an toàn đường bộ của tuyến đường và hành lang an toàn cầu, cống, giao thông thủy. Song song đó, các địa phương xác định khu vực phát triển đô thị cập nhật vào quy hoạch và công bố danh mục các khu vực phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh để kêu gọi nhà đầu tư.

Đối với các dự án cảng có tuyến đường ven sông đi qua, các địa phương xem xét thực hiện tuyến đường theo quy hoạch đô thị được duyệt hoặc bố trí quỹ đất dự trù ngoài khu vực dự án để đầu tư suốt tuyến, không làm ảnh hưởng tới hoạt động của cảng nhưng vẫn bảo đảm kết nối toàn tuyến.

Theo Sở Xây dựng, đối với các dự án đường ven sông có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, các địa phương cần hoàn thành giai đoạn chuẩn bị dự án trong giai đoạn 2024-2025, hoàn thành giai đoạn thực hiện dự án từ năm 2026-2030 làm cơ sở mời gọi nhà đầu tư các đoạn còn lại thuộc dự án của nhà đầu tư. Đối với các dự án đường ven sông sử dụng vốn của nhà đầu tư, cần chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư năm 2024-2025. Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư trong năm 2026-2030 để bảo đảm sự thống nhất về thời gian và đồng bộ toàn tuyến.

 Theo đề xuất của Sở Xây dựng về bố trí vốn đầu tư công: Giai đoạn 2024-2025, Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối bố trí nguồn vốn chuẩn bị dự án cho 3 dự án đường ven sông, dự án xây dựng cống kiểm soát triều rạch Bà Lụa - Vàm Búng và một số khu vực dự kiến làm cống ngăn triều (nếu xét cần thiết) sử dụng vốn đầu tư công. Giai đoạn 2026-2030, bố trí nguồn vốn thực hiện dự án cho 3 dự án đường ven sông và dự án cống kiểm soát triều rạch Bà Lụa - Vàm Búng với khoảng 5.907 tỷ đồng (đối với các vị trí cần thêm cống ngăn triều sẽ tùy theo điều kiện vốn đầu tư công của tỉnh hỗ trợ thêm).

 PHƯƠNG LÊ