Đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh: Hướng đến chất lượng và hiệu quả
Di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà tù Phú Lợi vừa được phê duyệt kinh phí đầu tư cho trùng tu tôn tạo lên đến 47 tỷ đồng
Bên cạnh đó, phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển với sự tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp; giáo dục thể chất trong hệ thống trường học được thực hiện nề nếp. Số lượng doanh nghiệp hoạt động du lịch và dịch vụ du lịch tăng nhanh. Các khu, điểm du lịch được định hình, phát triển đã thu hút ngày càng nhiều lượng khách du lịch trong và ngoài nước. Các thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm. Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, bước đầu đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ, giải trí và rèn luyện sức khỏe cho nhân dân... Bằng nguồn vốn xã hội hóa, nhiều khu vui chơi dành cho thiếu nhi đã được ra đời
Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực VH,TT&DL và gia đình còn chưa tương xứng, chưa vững chắc và chưa đủ mạnh để tác động có hiệu quả đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội; chất lượng xây dựng đời sống văn hóa còn nhiều hạn chế, một số nơi còn mang tính hình thức; sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần, môi trường văn hóa lành mạnh. Trong quản lý, điều hành trên các lĩnh vực VH,TT&DL từ tỉnh đến cơ sở còn bộc lộ một số hạn chế như: Công tác xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển và việc triển khai các đề án nhằm cụ thể hóa quy hoạch còn chậm; xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ bảo đảm yêu cầu đề ra; công tác thanh, kiểm tra xử lý chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Việc quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao ở một số xã, phường, thị trấn; trung tâm các huyện, thị chưa đạt hiệu quả; việc đầu tư, xây dựng, bảo đảm tiến độ thi công các công trình văn hóa, thể thao chưa đạt yêu cầu, chưa phát triển đồng bộ, phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...
Do đó, để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, tạo điều kiện để các lĩnh vực văn hóa được phát triển toàn diện, đồng bộ, phù hợp với nhiệm vụ của ngành gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... ngành đã xây dựng chương trình phát triển VH,TT&DL, đầu tư xây dựng và sử dụng có hiệu quả các thiết chế VH,TT&DL giai đoạn 2011-2015. Trung tâm VHTT phường Phú Lợi (TX.TDM) vừa đi vào họat động mang lại nhiều hiệu quả bước đầu
Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2015 đạt các mục tiêu cơ bản về VH,TT&DL như hàng năm có trên 95% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 70% khu phố, ấp đạt danh hiệu “Khu phố, ấp văn hóa và tiên tiến”; 95% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu “Đơn vị văn hóa”; 28% số người tham gia luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên; 23,5% gia đình tham gia luyện tập thể dục, thể thao; 100% số trường phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình thể dục thể chất nội khóa; 4,5 đến 4,6 triệu lượt khách du lịch đến Bình Dương, tốc độ tăng trưởng bình quân khách nội địa 6,1%/năm và khách quốc tế 7,1%/năm; 100% huyện, thị được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các thiết chế văn hóa, thể thao với đầy đủ các hạng mục cơ bản; 55% đến 60% xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa, thể thao.
Đến năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu đạt chỉ tiêu: 8 trung tâm văn hóa (TTVH) cấp tỉnh và huyện, thị; 55 TTVH, thể thao xã, phường, thị trấn; 9 thư viện (gồm 1 thư viện tỉnh, 7 thư viện huyện, 1 thư viện thiếu nhi); 32 tượng đài, tranh hoành tráng được xây dựng, 42 di tích được trùng tu tôn tạo...
Để đạt được các mục tiêu này, các giải pháp thực hiện là sẽ cố gắng nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đối với sự nghiệp VH,TT&DL và gia đình; gắn nhiệm vụ phát triển sự nghiệp VH,TT&DL và đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm của từng địa phương. Tiếp tục triển khai một cách có hiệu quả chủ trương xã hội hóa hoạt động VH,TT&DL và đầu tư phát triển cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao. Xây dựng giải pháp cụ thể, huy động và tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân cùng Nhà nước tham gia đầu tư phát triển sự nghiệp VH,TT&DL. Song song đó là đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực; nâng cấp và mở rộng quy mô các cơ sở đào tạo hiện có đáp ứng nhu cầu phát triển sự nghiệp VH,TT&DL và gia đình; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đào tạo nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên môn của các cán bộ làm công tác VH,TT&DL và gia đình để đáp ứng nhu cầu hội nhập. Thực hiện công tác quy hoạch sử dụng đất cho các công trình VH,TT&DL từ tỉnh đến cơ sở; ưu tiên đầu tư, trùng tu tôn tạo các di tích, các công trình hiện có, xây dựng các công trình trọng điểm, các công trình cấp thiết của ngành VH,TT&DL trong giai đoạn 2011-2015 cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
BÌNH MINH