Đầu tư trái phiếu Chính phủ cho y tế chưa hiệu quả

Thứ sáu, ngày 19/04/2013

  Trái phiếu Chính phủ giúp cải thiện điều kiện chăm sóc bệnh nhân Tình trạng vốn trái phiếu Chính phủ bị đầu tư dàn trải dẫn tới một số công trình xây dựng xong nhưng thiếu thiết bị y tế.

Chiều 18-4 tại Hà Nội, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 5, nghe Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình về kết quả đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ cho các dự án y tế giai đoạn 2008-2012 và báo cáo kết quả thực hiện về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Từ năm 2008, Quốc hội cho phép ngành sử dụng 62.280 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Từ nguồn vốn này, đến nay đã có 760 trong tổng số 811 bệnh viện, cơ sở y tế trong danh mục được đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ.

Nhờ nguồn vốn này, các bệnh viện tuyến dưới và bệnh viện chuyên khoa có thêm hàng chục nghìn giường bệnh mới, góp phần tăng số giường bệnh, thực hiện chỉ tiêu số giường bệnh trên 10.000 dân mà Quốc hội giao hàng năm. Nhiều bệnh viện được trang bị máy móc hiện đại như máy siêu âm, X-quang, máy thở, bàn mổ, máy nội soi, máy xét nghiệm sinh hóa…

Đây là điều kiện cần thiết giúp các cơ sở y tế triển khai kỹ thuật cao, nâng cao tay nghề của đội ngũ bác sĩ, bước đầu khuyến khích bác sĩ về công tác tại bệnh viện tuyến dưới.

Bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả mà các dự án y tế được đầu tư từ trái phiếu Chính phủ mang lại, các thành viên Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng vẫn có tình trạng vốn trái phiếu Chính phủ bị đầu tư dàn trải, dẫn tới một số công trình y tế xây dựng xong nhưng thiếu thiết bị, chưa thể đưa vào sử dụng. Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, hạn chế mức thấp nhất thất thoát, lãng phí.

Trả lời câu hỏi về sử dụng hiệu quả nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Phương án kêu gọi đầu tư chỉ có thể thực hiện ở các thành phố lớn, còn các địa phương khác chủ yếu trông chờ vào nguồn trái phiếu Chính phủ. Hơn nữa nguồn vốn trái phiếu chính phủ phân bổ cho các địa phương còn chậm.

Sau phần giải trình về kết quả đầu tư trái phiếu Chính phủ cho các dự án y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 40 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13. Trong đó tập trung vào 7 nội dung chính gồm: Triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân từ cấp xã đến cấp Trung ương; tăng cường quản lý viện phí để đảm bảo chi phí hợp lý, có lộ trình phù hợp với điều kiện và thu nhập của người dân; những biện pháp tạo chuyển biến trong nâng cao y đức trong ngành y tế; tăng cường quản lý thuốc và giá thuốc trong năm 2013; về công tác quản lý an toàn thực phẩm và các biện pháp tích cực, hiệu quả để giảm dần tình trạng mất cân bằng giới tính trẻ sơ sinh.

Về quản lý giá thuốc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, hiện vẫn còn sự không thống nhất về giá thuốc giữa các địa phương, các cơ sở y tế. “Giá thuốc của các đơn vị, địa phương khác nhau và có nơi có mặt hàng tăng đột ngột. Vì vậy, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 01, Thông tư 11, Thông tư 06. Để giá thuốc đồng nhất chỉ có cách đấu thầu thuốc quốc gia. Chúng tôi xin Chính phủ thí điểm đấu thầu quốc gia nhưng vẫn chưa được phê duyệt...” - Bộ trưởng cho biết.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - bà Trương Thị Mai cho rằng: Để tạo sự công bằng và nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, Bộ Y tế cần tiếp tục triển khai hiệu quả hơn Đề án 1816 về luân phiên bác sĩ ở tuyến trên về tuyến dưới; thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam; xử phạt nghiêm đối với trường hợp vi phạm y đức, nhận phong bì. Bộ Y tế tiếp tục rà soát các dự án đầu tư trái phiếu Chính phủ cho các cơ sở y tế để đảm bảo hiệu quả, tránh dàn trải, thất thoát, lãng phí.

Theo VOV