Đầu tư, sử dụng trang thiết bị trong ngành y tế: Làm gì để phát huy hiệu quả trong khám chữa bệnh?
Máy siêu âm được đầu tư cho Phòng khám đa khoa An Thạnh (phường An Thạnh, TX.Thuận An)
Trong năm 2011, có 96,7% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế và 100% trạm y tế có bác sĩ phục vụ. Các trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh nhìn chung được đầu tư TTB theo quy định của Bộ Y tế.
Từ thực trạng...
Nhằm tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân tại tuyến y tế cơ sở, những năm qua, trạm y tế xã, phường, thị trấn được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhân lực và TTB. Hầu hết TTB đầu tư đều được các trạm y tế sử dụng hiệu quả, góp phần tích cực trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đơn vị, giảm tải bệnh nhân ở tuyến trên. Nhưng đầu tư TTB theo chuẩn của Bộ Y tế quy định, mà chưa sát với thực trạng nhân lực, năng lực chuyên môn và nhu cầu sử dụng của cơ sở… cho nên một số TTB và dụng cụ y tế chưa đưa vào sử dụng hoặc ít sử dụng, hiệu quả sử dụng thấp, gây lãng phí.
Việc cung cấp những thiết bị cơ bản cho các tuyến y tế cơ sở đã kịp thời đáp ứng một phần nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tuyến đầu. Song, thực tế TTB này vẫn còn những bất cập khi ở trạm y tế tuy có bác sĩ nhưng không phải bác sĩ nào cũng sử dụng được các TTB được cấp. Bác sĩ Hoàng Văn Anh, Trưởng phòng khám đa khoa An Thạnh cho biết: Hiện phòng khám được đầu tư các TTB hiện đại với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng, như: máy chụp X.quang, ghế nha, máy siêu âm, kính hiển vi, máy lọc máu, máy tập vật lý trị liệu... Máy móc, thiết bị y tế hiện đại nhưng khai thác cũng còn hạn chế lắm… do nhân lực chưa có đủ. Hiện phòng khám được các bác sĩ ở TTYT TX.Thuận An tăng cường hỗ trợ.
Ông Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, trong đầu tư TTB, thường chú trọng đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế, nhưng chưa quan tâm nhiều đến việc phù hợp với nhân lực tại trạm y tế. Nếu bác sĩ trưởng trạm y tế, thường là phó ban thường trực các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, nên phải tham gia nhiều buổi họp, tập huấn, giao ban... Thời gian trực tiếp khám chữa bệnh ít, các trang bị như siêu âm, điện tim phải là bác sĩ mới thực hiện được; TTB đã được mua đủ theo quy định, sau đó Chương trình mục tiêu y tế quốc gia cấp để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm hoặc nhà tài trợ, nhà hảo tâm cho thêm TTB để phục vụ nhân dân, do đó có một số TTB dư ra. TTB cấp để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, mặc dù hiện tại không sử dụng, nhưng bắt buộc phải có để dự phòng.
... Cho đến giải pháp
Để tăng cường hiệu quả sử dụng, khai thác, quản lý TTB đầu tư tại tuyến y tế cơ sở nói chung và trạm y tế nói riêng, Sở Y tế Bình Dương đã và đang thực hiện nhiều giải pháp. Ông Lục Duy Lạc cho biết, Sở Y tế đã và đang phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh điều chuyển những TTB không sử dụng hoặc hiệu quả sử dụng thấp đến các đơn vị trong ngành có nhu cầu sử dụng hoặc hiệu quả sử dụng TTB cao. Thành lập Hội đồng tư vấn về TTB của Sở Y tế nhằm thẩm định TTB y tế đầu tư mới toàn ngành, hướng dẫn các đơn vị về quản lý, bảo trì, bảo dưỡng, đào tạo kiến thức về TTB cho cán bộ y tế...
Đồng thời, phải ưu tiên bảo đảm biên chế, đặc biệt là bác sĩ cho tuyến y tế cơ sở nói chung, trạm y tế nói riêng. Song, ngành y tế phối hợp các ngành tích cực tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành chính sách đặc thù, hữu hiệu để thu hút hoặc đào tạo bác sĩ công tác lâu dài tại các đơn vị tuyến y tế cơ sở trong tỉnh, nhất là tại các huyện phía bắc của tỉnh. Chỉ đạo các đơn vị tuyến y tế cơ sở có kế hoạch đào tạo, gửi đào tạo cán bộ y tế nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức về TTB y tế. Chỉ đạo các đơn vị đầu ngành tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, hướng dẫn bảo quản, sử dụng, khai thác hiệu quả TTB được đầu tư cho tuyến y tế cơ sở. Khi đầu tư TTB, danh mục TTB do đơn vị thụ hưởng xây dựng: căn cứ vào nhân lực, khả năng thực hiện, nhu cầu phục vụ nhân dân trên địa bàn, chức năng nhiệm vụ đơn vị, quy định của Bộ Y tế, UBND tỉnh... để xây dựng.
Song, ngành y tế phải tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát TTB về đầu tư, quản lý, sử dụng khai thác, bảo trì, bảo dưỡng TTB trong thời gian tới để TTB y tế ở các tuyến cơ sở được sử dụng hiệu quả hơn. Việc phát triển chuyên ngành TTB y tế đáp ứng nhu cầu phòng chữa bệnh đang là vấn đề thời sự, cấp bách của ngành y tế rất cần được Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa.
T.PHƯƠNG