Đầu tư, phát triển hạ tầng dịch vụ chất lượng cao
(BDO) Một trong các mục tiêu trọng tâm của Chương trình số 20-CTr/TU ngày 31-5-2021 của Tỉnh ủy (Chương trình số 20) về phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao là tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, phục vụ cho phát triển công nghiệp và đô thị, đáp ứng yêu cầu quá trình chuyển đổi số, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Qua 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình số 20 đã bước đầu mang lại hiệu quả nhất định.
Hệ thống hạ tầng thương mại - dịch vụ của tỉnh không ngừng được đầu tư, phát triển. Trong ảnh: Trung tâm Thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương
Chú trọng hạ tầng
Qua 2 năm (2021-2022) triển khai, công tác lập quy hoạch tỉnh đã được chỉ đạo gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, làm nền tảng triển khai thực hiện phát triển các ngành một cách đồng bộ, có chiều sâu, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ chất lượng cao gắn với công nghiệp và đô thị. Bên cạnh đó, tỉnh đang tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung cho các đô thị thuộc tỉnh đến năm 2040; định hướng phát triển các khu đô thị sinh thái dọc sông Sài Gòn, Đồng Nai, sông Bé. Khu vực dọc sông Sài Gòn ưu tiên phát triển công viên cây xanh, vườn hoa tạo cảnh quan, một phần phát triển thương mại, dịch vụ kết hợp với các bến thủy nội địa để phục vụ các cảng hàng hóa, du lịch.
Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành 21 kho ngoại quan, 4 kho CFSz chuyên dùng để thu gom và chia tách hàng đóng chung container với diện tích trên 37 ha kho và 18,3 ha bãi, 34 đại lý hải quan đang hoạt động chủ yếu tại các khu công nghiệp và các cảng sông, ICD hiện hữu. Bên cạnh đó còn có các kho nhỏ lẻ (diện tích từ 2.000 - 3.000m2) nằm ngoài các khu công nghiệp do các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong và ngoài nước đầu tư.
Đối với vận tải đường thủy, hiện trên địa bàn tỉnh có 5 cảng thủy nội địa đang khai thác vận chuyển hàng hóa và 11 cảng được quy hoạch đang trong giai đoạn làm thủ tục đầu tư. Hệ thống cảng thủy đã và đang dần phát huy vai trò, lợi thế trong việc cắt giảm chi chí, thời gian vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Đặc biệt là góp phần giảm áp lực đối với hệ thống giao thông đường bộ, tăng tính kết nối vùng. Tỉnh đã làm việc với Bộ Giao thông - Vận tải, TP.Hồ Chí Minh để tháo gỡ những bất cập nhằm thúc đẩy phát triển giao thông thủy nội địa. Một số vấn đề cần giải quyết như nâng cao tĩnh không cầu Bình Triệu 1, mở rộng hạ tầng cảng An Sơn, xây dựng mới cảng An Tây, cảng Phú Cường Thịnh, triển khai kế hoạch nâng cấp tuyến sông Sài Gòn từ cấp III lên cấp II để thúc đẩy phát triển mạng lưới tuyến đường thủy nội địa.
Hệ thống hạ tầng thương mại - dịch vụ không ngừng được đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang, góp phần phục vụ phát triển đô thị và dân sinh. Đặc biệt, Trung tâm Thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương (WTC BD) đã định hình, trở thành một cơ quan hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh, các nhà đầu tư nước ngoài. WTC BD thu hút các hội nghị, hội thảo, triển lãm trong và ngoài nước đến Bình Dương. Xây dựng hoàn thiện dịch vụ hỗ trợ cho các hoạt động MICE kết nối với tỉnh. Hoàn thiện dịch vụ và khai thác, vận hành Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương (BCEC) và Trung tâm Triển lãm Quốc tế (WTC EXPO). Tòa nhà WTC Tower tiếp tục hoàn thiện, thu hút và phát triển chiến lược dịch vụ cho toàn bộ khu vực.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 98 chợ đang hoạt động, 5 trung tâm thương mại và 11 siêu thị. Các cửa hàng tiện ích phát triển gia tăng nhanh chóng với số lượng trên 222 cửa hàng trên toàn tỉnh. Ở địa bàn nông thôn, có 31/31 xã nông thôn mới đạt tiêu chuẩn về chợ, chiếm tỷ lệ 100%. Trong 31 chợ nông thôn, có 14 chợ được xây dựng theo hình thức xã hội hóa, tỷ lệ khu vực nông thôn có chợ trên địa bàn tỉnh đạt 50%.
Khai thác các nguồn vốn đầu tư
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội những năm qua tuy có phát triển, nhưng nhìn chung chưa đồng bộ như hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Quá trình triển khai thực hiện các dự án còn một số vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đầu tư công. Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại chưa đầu tư đồng bộ, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi chưa được phát triển trên địa bàn các huyện phía bắc của tỉnh. Dịch vụ nhà ở đô thị đã có bước chuyển biến tích cực nhưng chưa đạt hiệu quả cao. Dịch vụ nhà ở cho người thu nhập thấp được quan tâm phát triển nhưng chưa theo kịp nhu cầu do còn vướng về quy hoạch và thủ tục đất đai, xây dựng.
Để triển khai hiệu quả Chương trình số 20 cũng như khắc phục những tồn tại trên, trong thời gian tới tỉnh đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh vận động, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, khai thác các nguồn vốn đầu tư từ các chương trình của Trung ương để thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh, phát triển các dịch vụ chất lượng cao.
Cùng với đó, tiến hành điều chỉnh phân bố không gian phát triển công nghiệp của tỉnh bảo đảm tính chuyên môn hóa cao, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng. Bên cạnh đó, tỉnh phát triển mạnh dịch vụ logistics theo hướng chuỗi logistics khép kín, kết nối trong vùng, khu vực để phát triển rộng, đồng bộ và hiện đại; phát triển dịch vụ du lịch ven sông (trọng tâm là sông Sài Gòn) gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, lịch sử…
PHƯƠNG LÊ - HOÀNG PHONG