Đầu tư nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh trong nhà trường
(BDO) Từ khi thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, giai đoạn 2008-2020”, Bình Dương đã quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, phát triển, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên (GV). Hiệu quả mang lại trong nhiều năm qua được thể hiện rõ qua chất lượng dạy và học ở từng cấp học, qua kết quả các kỳ thi THPT quốc gia.
Điều kiện dạy học được nâng lên
Đến trường học các cấp, từ tiểu học, THCS, THPT, chúng tôi dễ dàng nhận ra sự thay đổi trong dạy và học tiếng Anh ở các trường. Học sinh (HS) hứng thú học tiếng Anh bởi điều kiện học tập đã được nâng lên rõ rệt. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học ngoại ngữ được trang bị như phòng học ngoại ngữ chuyên dụng, phòng nghe nhìn đa năng, bộ thiết bị dạy học tương tác giữa GV và HS... Tất cả trường phổ thông được trang bị thư viện sách tiếng Anh nhằm hỗ trợ GV và HS rèn luyện các kỹ năng sử dụng tiếng Anh.
Học sinh trường Tiểu học Định Hòa (TP.Thủ Dầu Một) học tiếng Anh với bảng tương tác thông minh
Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vui mừng cho biết: “Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông, ngành GD-ĐT đã được tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ngày càng hoàn thiện và hiện đại, phục vụ tốt cho hoạt động dạy và học tiếng Anh”. Không chỉ điều kiện dạy và học được nâng lên, mà đội ngũ GV giảng dạy phát triển đủ số lượng và bảo đảm chất lượng. Những năm học trước, ngành liên tục mở các lớp bồi dưỡng cho GV dạy bộ môn. Đến nay 50% GV dạy tiếng Anh cấp tiểu học, THCS, THPT đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ thông qua chương trình bồi dưỡng nâng bậc năng lực ngôn ngữ cho GV. Có 200 GV các cấp hoàn thành chương trình học và thi lấy chứng chỉ quốc tế TKT (chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh)... Tất cả GV được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp dạy học, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn giảng.
Từ quyết tâm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông, đến nay tất cả HS lớp 1 được học tiếng Anh từ đầu học kỳ II. HS trong tỉnh được lựa chọn chương trình tiếng Anh phù hợp với khả năng của các em, như tiếng Anh đại trà, tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh dành cho HS trường THCS tạo nguồn, tiếng Anh theo sách giáo khoa mới của Bộ GD-ĐT. Và để đánh giá năng lực thực chất của HS, đề thi học kỳ của HS ở các cấp học đánh giá được 4 kỹ năng của HS, là nghe, nói, đọc, viết; trong năm 2017, Sở GD-ĐT còn tổ chức kiểm tra năng lực ngoại ngữ của 1.280 HS lớp 5, 1.000 HS THCS và 1.000 HS THPT.
Đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế
Bà Nguyễn Hồng Sáng cho biết thêm, tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, tỉnh đang xem xét, tập hợp các nguồn lực để thực hiện chương trình cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh bắt đầu từ năm học 2018-2019. Việc triển khai thí điểm cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh tại một số cơ sở GD có nhu cầu và đủ điều kiện; chủ yếu là trường ngoài công lập. Đối với GD phổ thông, năm học 2018-2019 tỉnh đã sử dụng đại trà sách tiếng Anh lớp 6 và lớp 10 mới của bộ để dạy tiếng Anh cho 100% HS trên địa bàn. Việc chuyển sang sử dụng sách tiếng Anh mới của bộ sẽ được thực hiện cuốn chiếu trong những năm học tiếp theo. Ở cấp tiểu học, sách Let’s Go được sử dụng làm giáo trình dạy tiếng Anh cho HS từ lớp 3 đến lớp 5. Đối với chương trình làm quen với tiếng Anh lớp 1, lớp 2, 100% HS được học đại trà và miễn phí trong nhà trường.
Đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy và học tiếng Anh theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế là công việc ngành GD-ĐT đã và đang thực hiện. Theo đó, ngành đang từng bước thực hiện việc xây dựng và phát triển ngân hàng câu hỏi thi, đề thi đánh giá năng lực ngoại ngữ; xây dựng và phát triển ngân hàng dữ liệu về kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách về khảo thí ngoại ngữ; triển khai các hoạt động kiểm tra, đánh giá định kỳ bảo đảm chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế... Trong thời gian tới, ngành sẽ phát triển và nhân rộng mô hình tự học, tự nâng cao trình độ và sử dụng ngoại ngữ; tăng cường xây dựng môi trường dạy và học ngoại ngữ, ưu tiên các hoạt động theo định hướng nghề nghiệp, phục vụ nhu cầu công việc và hỗ trợ kết nối việc làm. Cùng với đó, ngành GD-ĐT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường điều kiện dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường...
Kết quả đạt được từ việc nâng cao chất lượng dạy tiếng Anh cho thấy, 100 % HS thi tốt nghiệp THPT bằng tiếng Anh và có kết quả chung tương đối cao so với tỷ lệ chung của cả nước; 98% HS lớp 12 học sách mới của Bộ GD-ĐT đã thi và đạt chuẩn B1 của khung năng lực ngôn ngữ châu Âu.
H.THÁI