Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo: Cơ hội và thách thức
Bình Dương hiện là tỉnh có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp khởi nghiệp cũng đang gặp không ít thách thức và rủi ro...
(BDO) Tiềm năng và cơ hội
Thực tế cho thấy, trong những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các công ty công nghệ tăng trưởng nhanh (gọi chung là startup) bùng nổ trên toàn cầu. Các tập đoàn khổng lồ mà hàng ngày chúng ta thường nhắc đến như Google, Facebook, Apple... chính là những startup thành công. Theo kết quả công bố của hãng nghiên cứu thị trường Strategy Analytics, chỉ với 3 startup này đã tạo ra 1.500 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường và sử dụng hàng ngàn lao động trên toàn thế giới.
Sinh viên trường Đại học Việt Đức giới thiệu sản phẩm ý tưởng đổi mới sáng tạo tại Hội thảo doanh nghiệp về “Các giải pháp, ý tưởng đổi mới sáng tạo trong xây dựng thành phố thông minh Bình Dương” tháng 11-2017. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Tại Việt Nam, các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng sôi động trong những năm gần đây. Những cụm từ “khởi nghiệp, startup, hệ sinh thái khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” xuất hiện thường xuyên trên các kênh thông tin truyền thông bởi lý do khởi nghiệp hiện đang là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, được cụ thể hóa tại Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ. Năm 2016 được xem là năm Quốc gia khởi nghiệp khi Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2025. Theo đó, các địa phương trong cả nước nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng cũng đang tích cực xây dựng các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp.
Bình Dương là một tỉnh có ngành công nghiệp phát triển nhanh, kinh tế tăng trưởng cao và ổn định; là vùng đất tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài; cơ cấu dân số trong độ tuổi vẫn đang trong giai đoạn cơ cấu trẻ. Bình Dương hiện có 8 trường đại học, 8 trường cao đẳng, 16 trường trung cấp, 45 trung tâm và cơ sở dạy nghề; hạ tầng viễn thông phát triển mạnh; nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ giao thương với TP.Hồ Chí Minh - trung tâm khởi nghiệp sôi động nhất cả nước.
Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Bình Dương có tiềm năng để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Cụ thể, trường Đại học Thủ Dầu Một đang phát triển mạnh mẽ từng ngày với một số ngành như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin… Trường đã tự nghiên cứu sản xuất ra các sản phẩm như đông trùng hạ thảo, linh chi, tỏi đen, chế phẩm sinh học dùng trong sản xuất phân hữu cơ… Trong khi đó, trường Đại học Quốc tế miền Đông đã triển khai phòng thí nghiệm chiếu sáng philip lighting, ký kết hợp tác đào tạo với các doanh nghiệp hàng đầu về công nghiệp như Bosch, Festo, xây dựng vườn ươm doanh nghiệp hỗ trợ các dự án và ý tưởng khởi nghiệp… Ngoài ra, các trường khác như Đại học Việt Đức, Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore, Cao đẳng Công nghệ Đồng An đều có các phòng thí nghiệm về tự động hóa, cơ khí chính xác hiện đại. Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nhân trẻ tỉnh cũng quan tâm đến hoạt động khởi nghiệp và đã thành lập mạng lưới doanh nhân khởi nghiệp Bình Dương.
Mặt khác, đội ngũ lao động kỹ thuật làm việc tại tỉnh có tay nghề và trình độ chuyên môn cao hiện đang làm việc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với các dây chuyền sản xuất tiên tiến, máy móc hiện đại. Không chỉ vậy, Bình Dương cũng có tiềm năng về sự hình thành và phát triển quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức thúc đẩy kinh doanh thông qua rất nhiều hiệp hội như hội cơ điện, hội tin học, hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là Hội Doanh nhân trẻ... Bình Dương cũng đã phê duyệt Đề án thành phố thông minh Bình Dương, trong đó lấy khoa học và công nghệ là yếu tố cốt lõi để phát triển và hiện Bình Dương đang xây dựng Đề án thành lập Trung tâm sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp. Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2513/QĐ- UBND về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, với nhiệm vụ trọng tâm là phát triển cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp; xây dựng cổng thông tin điện tử về khởi nghiệp và xây dựng các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp.
Ông Cường cho biết thêm, trong thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã chú ý đến việc đào tạo cơ bản về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho cán bộ; công chức của sở được phân công nhiệm vụ có liên quan, được UBND tỉnh cho phép tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho đối tượng là cán bộ, công chức của các sở, ngành có liên quan và cán bộ của một số trường đại học trên địa bàn tỉnh.
Với những yếu tố, điều kiện thuận lợi như trên, có thể nói đây chính là cơ hội, là động lực để khởi nghiệp sáng tạo tại Bình Dương phát triển.
Nhà nước với vai trò xúc tác
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, doanh nghiệp khởi nghiệp đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Hiện nay, thị trường công nghệ ở Bình Dương đang trong giai đoạn đầu phát triển, chưa xuất hiện các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp, cho doanh nghiệp công nghệ cũng như cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ. Bên cạnh đó, một dự án khởi nghiệp trải qua rất nhiều giai đoạn, từ việc hình thành, ươm mầm ý tưởng, ươm tạo, gọi vốn… Vai trò xúc tác của Nhà nước, chính quyền địa phương về các dự án là rất quan trọng.
Chia sẻ và gợi ý về vấn đề nói trên, bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án Thung lũng Silicon Việt Nam, cho biết trong khởi nghiệp cần phải có đầu tư mạo hiểm. Nhà nước cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, khuyến khích sản xuất các sản phẩm công nghệ để bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; startup tạo môi trường thuận lợi cũng như kết nối được các quỹ đầu tư lớn hơn vì khi nhà đầu tư vào đâu đều muốn thoái vốn có tỷ lệ cao hơn. Đối với Bình Dương, hiện có công nghiệp phát triển, nhiều doanh nghiệp lớn, các doanh nhân nếu có nhu cầu đầu tư mà chưa biết cách đầu tư thì tỉnh cần có hướng dẫn đối với các doanh nghiệp này. Đối với các tổ chức thì cần lập ra nhóm dự án, đầu tư vào startup sẽ mang lại hiệu quả.
Ông Cường cho biết, trong những năm qua, với sự hỗ trợ của tỉnh, cộng đồng khởi nghiệp tại Bình Dương đã phát triển rất nhanh chóng. Tuy nhiên, để cộng đồng này phát triển mạnh và thực chất hơn nữa thì cần phải có những thay đổi, những bước sáng tạo để tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động cho các doanh nghiệp. Còn theo ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ CNC, trường đại học phải đào tạo cho sinh viên chuỗi kiến thức, tăng tốc bổ túc kiến thức. Bản thân các trường đại học phải là nhà máy sản xuất ra sản phẩm. Đồng thời, trường đại học phải tạo ra không gian, thay đổi nhận thức cho sinh viên.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để tạo môi trường thông thoáng và động viên, kích thích cho phong trào khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục cho startup; tạo ra cơ chế mở để thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài nhằm tăng tốc khởi nghiệp tại Việt Nam. Các cơ quan quản lý cần có những giải pháp thiết thực để hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo về thị trường, về nguồn nhân lực, kiến thức quản lý, quản trị.
Đưa ra giải pháp để kêu gọi nhà đầu tư hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp, theo ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương, nhà đầu tư có 4 yếu tố cần quan tâm để đầu tư khởi nghiệp thành công, đó là con người, ý tưởng, chiến lược và vốn; trong đó điều quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư là con người. Theo ông, khởi nghiệp ở Việt Nam không nên đặt nặng tính phải có công nghệ mới nhất, mà làm sao để nuôi sống được mình, giúp đỡ những người xung quanh, những vùng đang phát triển. Nhà nước với vai trò xúc tác tốt nhất là tạo môi trường kinh doanh minh bạch, hỗ trợ thuận lợi cho người khởi nghiệp. Ông chia sẻ thêm, để phát triển khởi nghiệp, cần khuyến khích những ý tưởng mới, sáng tạo, có thể đó là những ý tưởng đi ngược.
PHƯƠNG LÊ