Đầu tư, khai thác hiệu quả dịch vụ logistics

Thứ sáu, ngày 07/07/2023

(BDO) Thời gian gần đây, các dự án đầu tư trong lĩnh vực logistics vào TP.Dĩ An ngày càng có quy mô lớn hơn, mức độ chuyên môn hóa cao hơn, cung cấp dịch vụ trọn gói và đa dạng. Với lợi thế vị trí địa lý, TP.Dĩ An đang có điều kiện thuận lợi để trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hóa sôi động với các địa phương và vùng lân cận. Hiện thực hóa mục tiêu này, TP.Dĩ An đã phối hợp với các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung triển khai nhiều giải pháp để hoạt động logistics trên địa bàn phát triển, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

 TP.Dĩ An có nhiều lợi thế để phát triển dịch vụ logistics. Trong ảnh: Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại cảng tổng hợp Bình Dương               

 Nhiều điều kiện thuận lợi

TP.Dĩ An là địa bàn có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ(TM-DV), nhất là ngành logistics. TP.Dĩ An là cửa ngõ của tỉnh, giáp ranh với TP.Hồ Chí Minh và TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Với lợi thế vị trí địa lý, địa bàn TP.Dĩ An có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, tăng khả năng lưu thông hàng hóa, phát triển đô thị vệ tinh, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển các ngành công nghiệp, TM-DV hiện đại. TP.Dĩ An hiện có 2 trung tâm ICD và hơn 50 doanh nghiệp (DN) làm dịch vụ logistics. Hệ thống kho ngoại quan, kho CFS, ICD và đại lý thủ tục hải quan trên địa bàn thành phố đã đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay, trong đó có nhiều kho ngoại quan có hệ thống quản lý hiện đại, diện tích lớn nhất nước.

Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, thành phố hội tụ đầy đủ các điều kiện, tiềm năng phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực logistics. Xác định rõ lợi thế của địa phương, thành phố chú trọng phát huy thế mạnh này. Trong đó, tập trung huy động tổng nguồn lực vào đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, đầu tư điểm kiểm tra, kho bãi hàng hóa và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ hiệu quả việc kiểm soát, lưu thông hàng hóa. Đặc biệt, TP.Dĩ An còn có nhiều cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực logistics tại địa phương.

Ngoài cảng tổng hợp Bình Dương được công nhận là cảng container cửa khẩu quốc tế duy nhất của tỉnh, trên địa bàn TP.Dĩ An có nhiều DN logistics tên tuổi như: Trung tâm logistics ICD Tân Cảng Sóng Thần; Cụm cảng và Trung tâm logistics Dĩ An… Ngoài ra, TP.Dĩ An còn có nhiều DN lớn đang hoạt động trong lĩnh vực logistics tại các khu công nghiệp, như: Công ty TNHH Schenker - Gemadept Logistics Việt Nam, Công ty TNHH Kerry Interrated Logistics Việt Nam, Công ty TNHH MTV Trung tâm Phân phối Tranximex, Chi nhánh Công ty Liên doanh TNHH Nippon Express (Việt Nam), Công ty TNHH Yusen Logistics (Việt Nam), FM Logistics (Việt Nam)…

Mới đây, Lazada Logistics Việt Nam cũng đã khánh thành và đưa vào sử dụng Lazada Logistics Park với tâm điểm là trung tâm phân loại hàng hóa công nghệ cao có quy mô hiện đại bậc nhất tại KCN Sóng Thần 1, TP.Dĩ An. Với tổng diện tích lên tới gần 20.000 m2, trung tâm phân loại mới có khả năng xử lý tới 1 triệu bưu kiện mỗi ngày và mức độ tự động hóa lên đến 99%.

Tận dụng cơ hội để phát triển

Tổng Công ty đường sắt Việt Nam vừa có buổi làm việc với UBND tỉnh về kế hoạch tăng cường khả năng xuất khẩu hàng hóa qua ga liên vận quốc tế Sóng Thần. Ga Sóng Thần nằm trên Quốc lộ 1A, vị trí ngay tại Trung tâm Khu công nghiệp Sóng Thần, có khả năng kết nối tốt với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như: Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp… và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, Bộ Giao thông - Vận tải đang xây dựng và trình Chính phủ “Phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế đường sắt” với 8 khu ga. Trong đó, ga Sóng Thần tại TP.Dĩ An sẽ được quy hoạch trở thành ga đầu mối hàng hóa lớn nhất của đường sắt khu vực phía nam đi Trung Quốc và các nước thứ ba.

Việc triển khai hoạt động liên vận quốc tế sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Với quy mô là ga đầu mối hàng hóa đường sắt lớn nhất khu vực phía nam, ga Sóng Thần (Bình Dương) hiện có 2 bãi hàng, một bãi trong ga diện tích khoảng 87.000 m2, một bãi ngoài ga diện tích hơn 100.000 m2, với 5 đường đón, gửi tàu và 12 đường xếp dỡ. Năm 2022, khi nhu cầu vận tải hàng hóa tăng cao, sản lượng hàng hóa thông qua ga đã đạt hơn 1,6 triệu tấn, chạm ngưỡng bão hòa.

Ông Nguyễn Trần Hiệu, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, cho biết Bình Dương hiện là một trong những tỉnh có hoạt động sản xuất, gia công hàng hóa xuất, nhập khẩu dẫn đầu cả nước. Nhu cầu nhập khẩu vật tư, nguyên liệu phục vụsản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam của các DN trên địa bàn tỉnh rất cao. Ngược lại, nhu cầu xuất khẩu sản phẩm từ các DN FDI và các nhà máy da giày, dệt may và đồ gỗ nội thất sang thị trường Trung Quốc, châu Âu cũng rất lớn. Do đó, việc tổ chức hoạt động liên vận quốc tế tại ga Sóng Thần, thay vì phải vận chuyển hàng hóa đến cáccảng biển tại TP.Hồ Chí Minh, Vũng Tàu để làm thủ tục xuất nhập khẩu, DN có thể làm thủ tục ngay tại ga. Từ đó vận chuyển bằng đường sắt sang thị trường Nga, EU, rút ngắn được thời gian vận chuyển bằng 2/3 so với đường biển truyền thống. Khi thời gian được rút ngắn, chi phí chắc chắn cũng sẽ giảm. 

Với lợi thế nằm ngay tại trung tâm tứ giác kinh tế phía Nam, sở hữu vị trí vô cùng thuận lợi về giao thông đường thủy và đường bộ, hệ thống kho bãi tại thành phố cókhảnăng kết nối linh hoạt trong dòng lưu thông hàng hóa không chỉ của toàn vùng mà còn mở rộng sang hệ thống các cảng nước sâu quốc tế thuộc nhóm cảng biển Cái Mép - Thị Vải... Thời gian qua, các DN hoạt động trong lĩnh vực logistics trên địa bàn TP.Dĩ An đã phát huy tốt năng lực trong quá trình kinh doanh và hội nhập, xây dựng được hình ảnh, thương hiệu trong lòng nhiều khách hàng trong nước và quốc tế.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết xác định rõ lợi thế về logistics của địa phương, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng thành phố đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để phát huy. Để tận dụng cơ hội phát triển từ dịch vụ logistics, ngoài công trình, dự án đã và đang được Trung ương, tỉnh đầu tư, TP.Dĩ An cũng huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo hướng hiện đại và đồng bộ. Thời gian tới, TP.Dĩ An tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng logistics, trong đó đưa vào quy hoạch phát triển thương mại, dịch vụ logistics các vị trí đất trên địa bàn phường Bình Thắng, Bình An.

 TRIẾT NHÂN - PHẠM ẨN