Đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi
(BDO) Những năm gần đây, Bình Dương đã ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi. Nhiều dự án, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu cung cấp nước cho sản xuất, tiêu thoát nước, chống ngập, góp phần chỉnh trang đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cống Bình Nhâm, công trình cống ngăn triều, chống ngập hiện đại nhất của Bình Dương vừa hoàn thành đưa vào sử dụng
Đưa vào sử dụng cống Bình Nhâm
Sau gần 5 năm triển khai xây dựng, công trình cống Bình Nhâm, rạch Bình Nhâm rộng 43,2m (phường Bình Nhâm, TP.Thuận An) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là công trình cống ngăn triều, chống ngập đầu tiên và hiện đại nhất của Bình Dương với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng.
Công trình có 2 khoang cống, mỗi khoang rộng 20m cùng các hạng mục cầu giao thông, đường dẫn, đường gom, kè kênh dẫn thượng hạ lưu, nhà quản lý và khuôn viên. Các cống ngăn triều được vận hành bằng hệ thống SCADA và mạng lưới quan trắc mực nước kênh rạch của hơn 8 điểm thu thập dữ liệu bố trí khắp tuyến rạch. Các dữ liệu mực nước sẽ được ghi nhận, báo cáo và tự động cập nhật cho trung tâm điều hành cống. Từ đó, hệ thống vận hành cửa van sẽ tự động đóng mở khi thông số mực nước ở tình trạng cảnh báo của triều cao. Tại cửa ngăn triều, các tháp được thiết kế để chịu lực độc lập và thực hiện nhiệm vụ nâng hạ cửa van ngăn triều gần 57 tấn bằng hệ thống xi lanh thủy lực.
Theo tìm hiểu, với việc ứng dụng hệ thống điều hành thông minh, người vận hành chỉ cần nhấn nút điều khiển nâng, hạ cửa trên tủ điều khiển hoặc hệ thống SCADA đã được lập trình sẵn, cửa van sẽ tự động đóng hoặc mở để ngăn dòng nước theo mục đích yêu cầu. Khi mưa lớn kết hợp triều cao, hệ thống quan trắc phát tín hiệu cảnh báo và các van cống bắt đầu đóng lại, ngăn triều xâm nhập vào kênh rạch. Vào mùa khô, khi hệ thống quan trắc cảnh báo và phát tín hiệu triều thấp, hệ thống 2 cống ngăn triều lớn sẽ tự động đóng, khép kín kênh rạch cho toàn bộ khu vực, bảo lưu lượng nước trong nội đô ở mực nước phù hợp, hạn chế tình trạng mất mỹ quan, giúp cải thiện môi trường nước và khu vực sinh sống.
Cống Bình Nhâm có nhiệm vụ phòng hộ, kiểm soát lũ và chống ngập úng, kiểm soát triều cường, cung cấp nước tưới tiêu cho sản xuất, khu vực dân cư, các công trình hạ tầng kỹ thuật với diện tích khoảng 540,98 ha, tiêu thoát nước mưa cho lưu vực từ dự án trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn, với tổng diện tích tự nhiên 1.596 ha.
Ông Trần Quang Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Nhâm, cho biết công trình cống Bình Nhâm hoàn thành và đưa vào vận hành đã giải quyết cơ bản tình hình ngập úng không chỉ cho phường Bình Nhâm còn góp phần bảo đảm an toàn giao thông và thoát nước cho đường 22/12, khu dân cư Việt - Sing, Khu công nghiệp Việt Hương, khu vực Quốc lộ 13 đoạn qua phường Thuận Giao, An Thạnh. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và khai thác tiềm năng phát triển cho khu du lịch sinh thái vườn cây ăn trái.
Nhiều dự án sẽ triển khai
Để phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục triệt để thực trạng ngập úng, giải pháp căn cơ đó là đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng thủy lợi. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, giảm thiểu ngập lụt đến năm 2030 trên địa bàn. Theo đó, Bình Dương sẽ chi trên 9.800 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch, trong đó vốn ngân sách địa phương trên 8.200 tỷ đồng và nguồn khác (vốn vay ODA) gần 1.600 tỷ đồng.
Nhà điều hành công trình ứng dụng công nghệ hiện đại với hệ điều hành thông minh
Nhằm triển khai kế hoạch thành công, tỉnh đầu tư xây dựng bờ kè, cống kiểm soát triều cường tại những điểm thường xuyên sạt lở, nâng cấp cải tạo các tuyến đường giao thông, đê bao ven sông. Đặc biệt là dự án chống ngập, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực ven sông Sài Gòn với diện tích khoảng 2.200 ha đất nông nghiệp, vườn cây ăn trái, kết hợp giao thông, chỉnh trang đô thị trong giai đoạn 2020-2029.
Để xử lý nhanh các điểm ngập, Bình Dương đã triển khai đầu tư xây dựng hệ thống tiêu nước Khu công nghiệp Sóng Thần - Đồng An và vùng phụ cận, hệ thống thoát nước Dĩ An và Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp, trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn, cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước Bình Hòa, xây dựng kè chống sạt lở từ cầu Rạch Tre đến Thành ủy Tân Uyên giai đoạn 2, kè chống sạt lở cù lao Rùa, xã Thạnh Hội... Trong thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai thực hiện 4 cống kiểm soát triều còn lại trên địa bàn TP.Thuận An gồm rạch Bà Lụa, Vàm Búng, Lái Thiêu, Vĩnh Bình.
PHƯƠNG LÊ