Đầu tư hạ tầng số thúc đẩy đổi mới sáng tạo
(BDO) Nhiều quốc gia châu Á hiện đang phải đối mặt với những quyết định khó khăn. Các chiến lược phát triển của nhiều quốc gia đòi hỏi sự hội nhập sâu rộng trên toàn cầu. Quá trình đô thị hóa mới đòi hỏi cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tốt hơn và tích hợp nhiều hơn vào công nghệ 4.0.
Đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững
Tại phiên đối thoại về “Cụm đổi mới sáng tạo (ĐMST) châu Á” trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Horasis châu Á 2023 diễn ra tại Bình Dương, theo diễn giả Martyn Anstey, nhà sáng lập REIMAGINEx (Vương quốc Anh), thông điệp các nhà startup (khởi nghiệp) cần phải có đó là tư tuy ĐMST, cải thiện và cải tiến mới có thể phát triển. Để hỗ trợ các cụm ĐMST, cần phải xây dựng hệ sinh thái đa dạng và đầu tư hạ tầng ĐMST là các vườn ươm về đổi mới. Đây là nơi để các ý tưởng có thể tập hợp và làm việc với nhau. Tuy nhiên, để phân bổ nguồn lực và tài trợ các cụm ĐMST, cần có sự hợp tác công - tư, trong đó rất cần sự quan tâm của Chính phủ.
Trung tâm Thương mại thế giới tại thành phố mới Bình Dương - Vùng ĐMST Bình Dương
Theo đánh giá của các diễn giả, 2 năm vừa qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cách thức làm việc của các cụm ĐMST cũng có nhiều thay đổi: Từ làm việc, nghiên cứu trực tiếp, ba chủ thể chính của Trung tâm ĐMST (nghiên cứu phát triển, công nghệ và nhà sản xuất chế tạo) đã chuyển sang làm việc, nghiên cứu trực tuyến. Tuy nhiên, đối với những sản phẩm mang tính vật lý, để phát triển thì đòi hỏi phải làm trực tiếp.
Diễn giả Nitin Tripathi, Giáo sư, Viện Công nghệ châu Á (Thái Lan), cho biết Thái Lan có hơn 7.000 cụm ĐMST do những người trên toàn thế giới tập hợp về làm việc. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên đã hình thành nhiều hình thức làm việc mới, trong đó có làm việc trực tuyến. Xu hướng làm việc trực tuyến đã lan rộng ra nhiều quốc gia. Có những mô hình sẽ thuận lợi hơn khi làm việc trực tuyến, mang lại kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, đối với những mô hình đòi hỏi tính sáng tạo thì bắt buộc con người vẫn phải làm việc trực tiếp với nhau. Bên cạnh đó, có những mô hình cũng có thể kết hợp cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Thảo luận về các thách thức trong lĩnh vực ĐMST, theo các diễn giả, đó là sự cân bằng giữa hợp tác và cạnh tranh. Cạnh tranh là phải vượt qua những khó khăn, thách thức từ các đối tác. Hợp tác sẽ có sự cạnh tranh lành mạnh. Do đó, chúng ta phải có tư duy ĐMST để vượt qua được những giai đoạn đình trệ, đẩy xa các ranh giới, giới hạn ở một số nền văn hóa để có thể cùng nhau ĐMST.
Sinh viên nghiên cứu tại Fablab trường Đại học Quốc tế Miền Đông
Bàn về vấn đề có thể sao chép mô hình ĐMST thành công từ quốc gia này sang quốc gia khác, hay từ vùng này sang vùng khác để cùng chung tay, hỗ trợ ĐMST phát triển hay không, theo các diễn giả, vấn đề này rất khó để thực hiện. Vì một Trung tâm ĐMST cần có những điều kiện cần thiết để nó hình thành, không phải quốc gia nào hay vùng nào cũng có những yếu tố cần thiết đó.
Cũng theo các diễn giả, hiện nay mô hình ĐMST trên các lĩnh vực chăm sóc y tế đang có những thuận lợi và thành công. Do tác động về yếu tố môi trường làm nảy sinh nhiều bệnh tật đối với con người. Sự hình thành mô hình ĐMST trên lĩnh vực y tế là nhu cầu tất yếu, nhưng để có được mô hình ĐMST nổi bật đòi hỏi phải có tầm nhìn rõ ràng và chiến lược táo bạo về ĐMST.
Không gian nghiên cứu sáng tạo tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông
Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết trong thời gian tới Bình Dương sẽ đẩy mạnh nâng cấp mở rộng hệ thống các mạng dùng riêng cho cơ quan Nhà nước, bảo đảm yêu cầu phát triển chính quyền số và đô thị thông minh; xây dựng hệ thống giám sát mạng dùng riêng cho cơ quan Nhà nước; đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, địa phương trong việc số hóa dữ liệu, chia sẻ, tích hợp dữ liệu, dịch vụ dùng chung; ưu tiên theo hướng thuê dịch vụ, sử dụng điện toán đám mây. Bên cạnh đó, tỉnh triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như giao thông, tài nguyên - môi trường, năng lượng, điện, nước, đô thị, xây dựng để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số theo lộ trình phê duyệt. |
Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số
Nhiều quốc gia châu Á đang phải đối mặt với những quyết định khó khăn. Cụ thể, các chiến lược phát triển của nhiều quốc gia đòi hỏi sự hội nhập sâu rộng trên toàn cầu. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa đòi hỏi cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tốt hơn và tích hợp nhiều hơn vào công nghệ 4.0.
Để phát triển hạ tầng châu Á, theo diễn giả Ananda Setiyo Ivannanto, Giám đốc, Tập đoàn A-Wing (Indonesia), mỗi quốc gia cần áp dụng công nghệ 4.0 vào quá trình quy hoạch, quản lý, điều hành hạ tầng. Công nghệ 4.0 sẽ biến những điều không làm được trong quá khứ sẽ làm được ở hiện tại. Việc áp dụng công nghệ 4.0 vào hạ tầng y tế, chăm sóc sức khỏe và hạ tầng đô thị, công nghệ xanh, vật liệu tái tạo… là xu hướng không thể dừng lại.
Tại Bình Dương, địa phương này đã xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0. Cụ thể, hạ tầng viễn thông liên tục được các doanh nghiệp viễn thông đầu tư phát triển theo hướng hiện đại. Mạng cáp quang, sóng thông tin di động phủ đến 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh; hạ tầng thông tin di động 3G, 4G đã phủ khắp các khu đô thị và khu công nghiệp với hơn 3.600 trạm thu phát sóng di động đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ với chất lượng ngày càng cao. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin phục vụ đáp ứng công nghệ thông tin tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh được đầu tư nâng cấp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin, điều kiện kỹ thuật cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an toàn thông tin trong các cơ quan, đơn vị tiếp tục được duy trì ổn định trên mô hình bảo đảm an toàn thông tin cho hệ thống thông tin 4 lớp; triển khai Trung tâm Giám sát an toàn thông tin dưới hình thức thử nghiệm. Cơ sở dữ liệu dùng chung được quản lý tập trung, tạo thuận lợi cho việc kết nối trục của tỉnh với trục quốc gia. Đầu năm 2023, UBND tỉnh đã tổ chức lễ công bố nền tảng số “Ứng dụng Bình Dương số” phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bình Dương cũng phát triển hệ thống ĐMST theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm; các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu.
Ông John Jung, đồng sáng lập ICF thăm Trung tâm Điều hành IOC Bình Dương
Hiện trên địa bàn tỉnh phát triển các tổ chức ươm tạo doanh nghiệp, ươm tạo công nghệ như trường Đại học Quốc tế Miền Đông, Phân hiệu trường Đại học Thủy lợi tại Bình Dương, các câu lạc bộ trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tại các trường Đại học Thủ Dầu Một, Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương, các trường cao đẳng; hình thành các phòng thí nghiệm thực nghiệm như Fablab lĩnh vực cơ khí chế tạo tại trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore, Fablab lĩnh vực công nghệ sinh học tại trường Đại học Thủ Dầu Một, Fablab đa ngành tại Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương, Phòng thí nghiệm chế tạo Becamex, Phòng thí nghiệm chiếu sáng Philips trường Đại học Quốc tế Miền Đông…
Các dự án thực hiện kết nối giúp doanh nghiệp địa phương phát triển giao thương quốc tế, thiết lập cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng đô thị thông minh; đồng thời thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp và ĐMST, như: Dự án Trung tâm Thương mại thế giới tại thành phố mới Bình Dương; dự án Vùng ĐMST; Khu công nghiệp khoa học công nghệ Bình Dương; Dự án block 71 hợp tác với Đại học Quốc gia Singapore đặt tại TP.Hồ Chí Minh...
Trung tâm sản xuất thông minh và phát triển công nghiệp 4.0 được hình thành với mục tiêu nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. Các dự án đã và đang thực hiện mang lại hiệu quả tích cực trong việc xây dựng thành phố thông minh, như: Xây dựng khu triển lãm sản xuất thông minh áp dụng công nghệ 4.0; nâng cấp hệ thống nhà máy nước thải lên 4.0.
Thời gian qua, nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST chuyển đổi công nghệ 4.0 đã được các địa phương, đơn vị ở tỉnh Bình Dương thực hiện, như: Tổ chức cà phê kết nối sáng tạo để gặp gỡ, hỗ trợ giải đáp các thông tin cho doanh nghiệp; kết nối các doanh nghiệp tham gia cà phê sáng tạo; kết nối các doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước, các viện, trường…
PHƯƠNG LÊ