Đầu tư hạ tầng giao thông theo hướng kết nối đô thị
(BDO) Giai đoạn 2021-2025, Bình Dương tập trung nguồn vốn đầu tư ưu tiên cho các tuyến đường giao thông trọng điểm, đồng thời huy động các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp mở rộng, từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên các tuyến huyết mạch. Hiện tỉnh đang đẩy nhanh các thủ tục để sớm triển khai các dự án hạ tầng giao thông theo hướng kết nối đô thị.
Nút giao thông ngã tư Chợ Đình sẽ được đầu tư hầm chui nhằm giải quyết ùn tắc, đồng thời tạo mỹ quan cho TP.Thủ Dầu Một
Ưu tiên các dự án kết nối
Những năm qua, Bình Dương đã chủ động đi trước một bước trong phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, tạo bước đột phá, chủ động trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Bên cạnh những thành quả về phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông của Bình Dương cũng được đánh giá là một điểm sáng.
Để phát triển giao thông đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật đô thị, mục tiêu đặt ra cho Bình Dương là sớm giải quyết được tình trạng ùn tắc trên các tuyến giao thông huyết mạch; đồng thời quy hoạch tổng thể hạ tầng giao thông gắn với phát triển đô thị theo hướng bền vững, góp phần xây dựng thành phố thông minh - Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương. Do đó, thời gian tới Bình Dương tập trung đầu tư các trục đường giao thông trọng điểm, huyết mạch của tỉnh, của vùng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa.
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ tập trung nguồn vốn đầu tư các dự án quan trọng. Cụ thể, tỉnh tập trung thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành phù hợp với hình thức, nguồn vốn và tiến độ đầu tư của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi sau khi được Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đầu tư hoàn thành các dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 13, đường Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng, nâng cấp ĐT743 đoạn từ miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần, xây dựng hầm chui tại nút giao ngã tư Chợ Đình, hầm chui tại nút giao ngã năm Phước Kiến...
Đồng thời, tỉnh chuẩn bị đầu tư các dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT746, ĐT747B, ĐT743, đường kết nối từ Khu công nghiệp Bàu Bàng đến Khu công nghiệp Rạch Bắp, xây dựng đường phía tây Quốc lộ 13 kết nối Bàu Bàng, đường trục chính đông - tây đoạn từ Quốc lộ 1K đến đường Trần Hưng Đạo, TP.Dĩ An…; chuẩn bị đầu tư, thực hiện các dự án xây dựng cầu Tân An kết nối huyện Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh), đầu tư các tuyến đường phía tây địa bàn huyện Phú Giáo...
Ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: “Việc phân bổ vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 phải phục vụ cho các mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh. Trong đó, tỉnh ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, các dự án giao thông kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới”.
Sớm đầu tư hầm chui, cầu vượt
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ngay từ đầu năm, lãnh đạo tỉnh đã đi khảo sát thực tế các dự án trên Quốc lộ 13 (đoạn từ phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An) đến nút giao thông hầm chui ngã năm Phước Kiến và ngã tư Chợ Đình (TP.Thủ Dầu Một). Các dự án này sau khi được hoàn thành sẽ tạo ra hệ thống giao thông hạ tầng đồng bộ, tạo cảnh quan đô thị thông thoáng và chống ùn tắc tại các điểm nóng.
Quốc lộ 13 là trục giao thông chính đi qua hầu hết các thành phố, thị xã, huyện phát triển đô thị, công nghiệp của Bình Dương. Tuy nhiên, nhiều năm nay, tuyến đường này đã quá tải, chưa đáp ứng được sự phát triển nhanh. Qua buổi khảo sát, ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, yêu cầu đơn vị chủ đầu tư tập trung hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục, giải phóng mặt bằng, thời gian khởi công dự án chậm nhất vào dịp lễ 30-4 sắp tới.
Dự án mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ Vĩnh Phú đến giao lộ Lê Hồng Phong dài 12,7 km. Trong đó, giai đoạn I (đoạn từ Vĩnh Phú - cầu Ông Bố) dài 4.875m; giai đoạn II (từ cầu Ông Bố đến nút giao thông Hữu Nghị) dài 2.868m; giai đoạn III (từ nút giao thông Tự Do đến giao lộ Lê Hồng Phong, TP.Thủ Dầu Một) dài 4.898m. Dự kiến, sẽ mở rộng thêm 2 làn xe rộng từ 12 - 18m, tổng số làn xe đạt 8 làn, bề mặt đường rộng từ 39,5 - 40,5m. Trên tuyến Quốc lộ 13 còn xây dựng cầu vượt qua nút giao thông Hữu Nghị - ngã tư Bình Hòa, với quy mô dài 880m, rộng 17m; cầu vượt qua nút giao thông Hòa Lân dài 646m, rộng 17m; xây dựng mở rộng cầu Tân Phú thêm 1 đơn nguyên hướng từ TP.Hồ Chí Minh đi TP.Thủ Dầu Một, nâng tổng chiều rộng cầu lên 40,5m; xây dựng cống hộp 3 làn tại trạm thu phí Suối Giữa. Ngoài ra, trên Quốc lộ 13 còn có 2 dự án giao thông quan trọng để chống ùn tắc, gồm: Hầm chui ngã năm Phước Kiến và ngã tư Chợ Đình cũng đang được hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công.
PHƯƠNG LÊ - HÀ KHÁNH