Đầu tư hạ tầng giao thông hoàn thiện: Động lực phát triển kinh tế - xã hội

Thứ hai, ngày 18/09/2023

(BDO) Kỳ 1: Đồng bộ, kết nối

Để tạo bước đột phá về kinh tế, trong nhiều năm qua Bình Dương đã chủ động “đi trước”, hoàn thiện hệ thống giao thông mang tính kết nối vùng, khu vực. Bình Dương được đánh giá là một điểm sáng, có hệ thống hạ tầng giao thông khá đồng bộ, hiện đại của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng hoàn thành, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải hàng hóa của Bình Dương và các tỉnh lân cận

 Chủ động đầu tư

Bình Dương không có cảng hàng không, cảng biển, thuộc nhóm các tỉnh, thành phố không có lợi thế trong việc vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu. Tuy nhiên, Bình Dương lại có vị trí tiếp giáp với TP.Hồ Chí Minh với lợi thế gần sân bay, cảng biển. Vì vậy, thông qua hệ thống giao thông đường bộ theo trục Bắc Nam của Bình Dương đã tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp của Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Tây nguyên... dễ dàng kết nối đến các cảng biển, cảng sông và sân bay quốc tế tại TP.Hồ Chí Minh. Từ đó, thấy rõ vai trò phát triển hệ thống hạ tầng giao thông của Bình Dương là rất quan trọng, không những đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương, vận chuyển hàng hóa của tỉnh mà còn đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của cả khu vực.

Xác định được tầm quan trọng đó, trong nhiều năm qua, Bình Dương đã chủ động “đi trước” trong phát triển hệ thống giao thông, tạo ra sự khác biệt rõ nét, giành thế chủ động trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Bên cạnh những thành quả về phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được, hạ tầng giao thông của Bình Dương cũng được đánh giá là một điểm sáng, là một trong những tỉnh có hệ thống hạ tầng giao thông tốt của vùng.

Tuy nhiên, cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống hạ tầng giao thông của Bình Dương cũng đang gặp phải những khó khăn thách thức do không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, hiện tại các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh đã xảy ra tình trạng quá tải vào giờ cao điểm như Quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn... Bên cạnh đó, nhu cầu và khối lượng hàng hóa vận chuyển của Bình Dương cũng như các tỉnh, thành lân cận đi qua địa bàn ngày càng tăng, các tuyến đường huyết mạch cần phải nâng cấp, mở rộng cũng như phải đầu tư mới để đáp ứng nhu cầu của tỉnh và cả vùng.

Để đáp ứng nhu cầu nêu trên, tỉnh Bình Dương đã xây dựng Chương trình số 42-CTr/TU ngày 2-8-2021 về tập trung phát triển hạ tầng giao thông vận tải theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2585/ QĐ-UBND ngày 17-10-2022 về việc thực hiện Chương trình số 42-CTr/TU ngày 2-8-2021 của Tỉnh ủy. Đặc biệt, hiện tỉnh đang tập trung hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối là một trong 6 chiến lược của quy hoạch tỉnh.

Từ năm 2021 đến nay, nhiều công trình giao thông trọng điểm mang tính kết nối vùng đã được Bình Dương hoàn thành và đưa vào sử dụng, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa. Các công trình như đường Tân Vạn - Mỹ Phước - Bàu Bàng, ĐT743 đoạn từ miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần, đường Thủ Biên - Đất Cuốc (giai đoạn 1), đường và cầu kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh đã và đang phát huy hiệu quả.

Tiếp tục đầu tư, tạo đột phá

Với quan điểm “giao thông đi trước, mở đường”, tạo nền tảng, động lực cho sự phát triển, Bình Dương tiếp tục đầu tư để hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối vùng.

Cụ thể, tỉnh Bình Dương đã chính thức khởi công dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ giáp ranh TP.Hồ Chí Minh đến TP.Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) với tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng. Quốc lộ 13 là tuyến giao thông huyết mạch nối liền TP.Hồ Chí Minh - Bình Dương và Bình Phước. Đoạn đi qua TP.Thuận An sẽ được nâng từ 6 lên 8 làn xe, có thêm các cầu vượt, hầm chui nhằm chống ùn tắc. Việc mở rộng Quốc lộ 13 được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện giao thông, gia tăng giao thương, tạo dòng chảy đầu tư vào các khu công nghiệp, lĩnh vực bất động sản trên địa bàn tỉnh… Đặc biệt là các khu vực hai bên Quốc lộ 13 được quy hoạch là trung tâm dịch vụ, tài chính - thương mại của Bình Dương.

 Dự án Vành đai 3 đoạn qua Bình Dương dài 26,6km, tổng mức đầu tư 19.280 tỷ đồng đã được khởi công xây dựng. Trong ảnh: Phối cảnh nút giao Tân Vạn đường Vành đai 3

Bình Dương tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng các tuyến đường quan trọng, tăng cường khả năng kết nối vùng, nâng cao năng lực vận tải như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành… Việc mở rộng tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 13 cũng như các dự án đầu tư hạ tầng khác sẽ tạo điều kiện thông thương hàng hóa, kết nối liên vùng. Đây được cho là yếu tố quan trọng, là điểm sáng giúp tỉnh Bình Dương thu hút được nhiều hơn dòng vốn đầu tư trong thời gian tới.

Mới đây, tỉnh đã tổ chức lễ động thổ xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua Bình Dương. Dự án Vành đai 3 có quy mô giai đoạn hoàn chỉnh với 8 làn xe, cấp đường ô tô cao tốc 100km/h; đường song hành hai bên 2-3 làn xe, cấp đường ô tô đô thị 60km/h. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, đường Vành đai 3 góp phần giảm tình trạng quá tải hạ tầng giao thông ở cửa ngõ TP.Hồ Chí Minh, tăng khả năng kết nối đô thị vệ tinh, phát huy hiệu quả lợi thế các tỉnh, phát triển dịch vụ hạ tầng giao thông, dịch vụ vận tải liên vùng, mở rộng đô thị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…

Cùng với các dự án nói trên, tỉnh tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông đô thị gắn với chỉnh trang, từng bước khắc phục ùn tắc giao thông. Trong đó, tỉnh tập trung đầu tư các tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối dài, đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, dự án tạo cảnh quan, chống ùn tắc giao thông trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT746, ĐT747B, ĐT743, đường từ cầu vượt Sóng Thần nối đường Phạm Văn Đồng, các dự án đường ven sông…

Theo ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, bên cạnh việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, tập trung nghiên cứu về các phương án logistics, phương án vận chuyển theo quản lý tiên tiến hiện nay cũng là điều Bình Dương đang hướng tới nhằm mục đích vận chuyển hàng hóa với chi phí thấp nhất. Ðó cũng là động lực giúp Bình Dương tiếp tục phát triển trong tương lai. (Còn tiếp)

 Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: “Thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, tỉnh Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tập trung cho hạ tầng giao thông đa phương thức kết hợp các loại hình vận chuyển. Để thực hiện được những nội dung này, tỉnh đã nghiên cứu nhiều vị trí của cảng sông; đồng thời mời chuyên gia của JICA nghiên cứu, báo cáo tiền khả thi về hệ thống đường sắt kết nối với vùng. Trong hệ thống hạ tầng giao thông, tỉnh rất quan tâm việc kết nối vùng, bởi kết nối được giao thông vùng sẽ giúp kinh tế Bình Dương tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn.

 PHƯƠNG LÊ - HOÀNG PHONG