Đầu tư hạ tầng đồng bộ, động lực phát triển thương mại - dịch vụ
(BDO) Để tạo động lực phát triển ngành thương mại - dịch vụ (TM-DV), thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, trong giai đoạn mới TP.Thuận An đề ra mục tiêu khai thác tối đa lợi thế về vị trí, tiềm năng, huy động tối đa nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng kinh tế kỹ thuật.
Thời gian qua, TP.Thuận An đã chú trọng đầu tư hạ tầng đồng bộ, thu hút các tập đoàn bán lẻ lớn đến đầu tư
Vẫn phát triển trong dịch bệnh
Giai đoạn 2015-2020, giá trị khu vực dịch vụ thành phố tăng bình quân 21%, chất lượng dịch vụ ngày càng được cải thiện, hệ thống chợ, siêu thị và trung tâm thương mại cơ bản đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa của các tầng lớp dân cư. Các loại hình dịch vụ nhà ở, logistics, ngân hàng, vận tải hành khách, hàng hóa phát triển mạnh theo các tuyến đường chính đô thị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thành phố đạt 75.620 tỷ đồng, tăng 4,02% so với cùng kỳ. Trên địa bàn TP.Thuận An hiện có khoảng 32.843 hộ kinh doanh cá thể hoạt động kinh doanh TM-DV, 5 siêu thị, 3 trung tâm thương mại, 22 chợ, 56 siêu thị mini (cửa hàng tiện ích). Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết: “Những năm qua, trên địa bàn TP.Thuận An khu vực dịch vụ phát triển nhanh đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Để phát triển ngành TM-DV, thúc đẩy kinh tế địa phương, trong giai đoạn mới TP.Thuận An đề ra mục tiêu khai thác tối đa lợi thế về vị trí, tiềm năng, huy động nguồn lực đầu tư phát triển mạnh hạ tầng giao thông đô thị, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cải tạo chỉnh trang đô thị đạt các tiêu chí đô thị loại I gắn với phát triển ngành dịch vụ. Phấn đấu xây dựng Thuận An trở thành trung tâm đô thị dịch vụ phát triển theo hướng văn minh, giàu đẹp vào năm 2025.
Huy động tối đa nguồn lực đầu tư
Ông Nguyễn Thanh Tâm cho biết: “TP.Thuận An sẽ tiếp tục tạo điều kiện và môi trường đầu tư thuận lợi, hành lang pháp lý rõ ràng góp phần thu hút vốn đầu tư, đưa nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ gắn với quá trình đô thị hóa, đầu tư phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao gắn với hội nhập quốc tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân. Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng lớn, sức cạnh tranh cao như dịch vụ đô thị, dịch vụ công nghiệp, nhà ở, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, TM-DV, viễn thông, giao thông - vận tải phù hợp với nhu cầu thị trường. Phát huy ưu thế và tiềm năng du lịch sinh thái, khai thác cảnh quan dọc sông Sài Gòn.
Để hiện thực hóa mục tiêu, thành phố sẽ nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư. Từng bước đầu tư các dự án theo hướng hiện đại, tiếp tục chỉnh trang hạ tầng đô thị, hệ thống điện chiếu sáng, kiên cố hóa hệ thống kênh rạch kết hợp với đường giao thông. Đồng thời, thành phố tiếp tục thu hút các nguồn vốn đầu tư, phát triển các nhóm ngành dịch vụ, tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao gắn với phát triển công nghiệp, đô thị. Thu hút đầu tư phát triển TM-DV theo hướng văn minh, hiện đại, phát triển mạnh các dịch vụ ngân hàng, nâng cao số lượng chất lượng dịch vụ tài chính.
Thành phố sẽ thực hiện cơ cấu lại các ngành dịch vụ, duy trì tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ, tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, khuyến khích đầu tư phát triển du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, tạo môi trường thuận lợi để phát triển các dự án dân cư, góp phần phát triển TM-DV của địa phương và đạt tiêu chí về sàn nhà ở bình quân của tiêu chí đô thị loại I.
PHƯƠNG LÊ