Đầu tư của Nhật “xoay trục”

Chủ nhật, ngày 09/11/2014

(BDO) Tuần trước, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cắt băng khai trương siêu thị Aeon Mall tại Phnôm Pênh - siêu thị lớn nhất và hiện đại nhất cho đến nay ở đất nước Chùa Tháp - biểu hiện của làn sóng đầu tư mới của các doanh nghiệp Nhật Bản mà chính phủ của Thủ tướng Hun Sen đang ra sức mời gọi.

Cùng thời điểm này, tập đoàn Aeon Nhật Bản khai trương siêu thị thứ hai tại tỉnh Bình Dương, sau siêu thị Aeon Mall thứ nhất tại TPHCM và Việt Nam được coi là một trong vài điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư đang “xoay trục” của Nhật Bản.

Siêu thị Aeon Mall mới khai trương ở Bình Dương trong làn sóng đầu tư ra nước ngoài mạnh mẽ của tập đoàn Aeon Nhật Bản.

Theo ghi nhận của báo The Economist, đầu tư của Nhật vào các nước Đông Nam Á đã tăng gấp đôi trong năm qua, lên mức 2.300 tỉ yen, tương đương khoảng 24 tỉ đô la Mỹ. Có thể kể tới các dự án tiêu biểu như Softbank - tập đoàn viễn thông lớn nhất Nhật Bản, đầu tư 100 triệu đô la vào Tokopedia, một doanh nghiệp thương mại điện tử của Indonesia; tập đoàn Toshiba cam kết đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ vào Đông Nam Á trong năm năm tới, Ngân hàng Mitsubishi UFJ lớn nhất Nhật Bản bỏ ra 536 tỉ yen mua 72% cổ phần của Ngân hàng Ayudhya Thái Lan,... Nhiều người gọi đây là dấu hiệu của chiến lược “xoay trục” trong dòng vốn đầu tư của Nhật.

Thật ra, ngay từ thập niên 1980-1990, Nhật đã đầu tư mạnh vào Thái Lan, Malaysia và Singapore, giúp hình thành những trung tâm công nghiệp xe hơi-xe máy và điện tử ở các nước này. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, cùng với việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới cuối năm 2001 đã làm chuyển hướng dòng vốn đầu tư của Nhật: các nhà đầu tư Nhật đổ xô sang Trung Quốc để khai thác nhân công giá rẻ, sản xuất hàng hóa cung cấp cho thị trường thế giới.

Bây giờ, Đông Nam Á lại trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư Nhật, một phần vì giá nhân công ở Trung Quốc tăng nhanh và không còn rẻ nữa, một phần vì căng thẳng chính trị giữa hai quốc gia Nhật-Trung liên tục bùng phát từ năm 2012 đến nay. Báo The Economist cho biết, đầu tư của Nhật vào Trung Quốc giảm khoảng 40% trong năm ngoái. Trong nửa đầu năm 2014, đầu tư của Nhật vào Trung Quốc chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm 2013, trong khi đầu tư của Trung Quốc vào Nhật cũng giảm 23,5%, theo báo Đức DW.de.

Dù hiện nay Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Nhật Bản nhưng năm ngoái dòng vốn đầu tư từ Nhật đổ vào Trung Quốc chỉ bằng một phần ba so với các nước Đông Nam Á. Trong chiến lược mới này, Đông Nam Á trở thành điểm an toàn của đầu tư Nhật để đề phòng rủi ro của thị trường Trung Quốc, còn Đông Nam Á cũng coi Nhật như một nguồn vốn cần khai thác để tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Theo nhận định của Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của Công ty Tư vấn toàn cầu IHS trong bài phỏng vấn của báo DW.de, sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư của Nhật không tác động nhiều tới kinh tế Trung Quốc nhưng lại có ảnh hưởng mạnh tới các nước Đông Nam Á, đặc biệt là các nền kinh tế còn nghèo, đông dân như Indonesia, Việt Nam, Philippines và Myanmar. Các nước này đang nỗ lực thu hút vốn đầu tư của Nhật vào các ngành công nghiệp chế tạo (xe hơi, điện tử, thực phẩm, năng lượng, thiết bị xây dựng và công nghiệp...) cũng như các ngành dịch vụ ngân hàng, logistics, vừa để thúc đẩy tăng trưởng, vừa tìm kiếm công việc làm cho thanh niên.

Về phần các công ty Nhật, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư sang Đông Nam Á mang lại cho họ những cơ hội hết sức lớn lao. Đông Nam Á - với thị trường khoảng 635 triệu người, tổng GDP hơn 2.400 tỉ đô la Mỹ năm 2014, tăng trưởng GDP bình quân hàng năm khoảng 6% - là điểm đến “thay thế” hết sức tốt cho thị trường Trung Quốc. Đây cũng là khu vực có tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh rất nhanh, chính nhu cầu tiêu thụ và khả năng mua sắm của tầng lớp này đang thu hút mạnh mẽ các tập đoàn thương mại Nhật Bản như Aeon.

Điều này càng hết sức có ý nghĩa nếu so sánh với thị trường Nhật Bản, nơi dân số đang bị lão hóa và sức mua đã gần như bão hòa, dẫn tới tình trạng thiểu phát kéo dài nhiều thập niên. Còn so với thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Nhật đã khởi sự kinh doanh ở Đông Nam Á từ rất lâu, nhiều thương hiệu Nhật đã trở nên rất quen thuộc như Honda, và không có những mâu thuẫn phức tạp do lịch sử để lại như quan hệ giữa Nhật và Trung Quốc.

Như vậy, sự xoay trục dòng vốn đầu tư Nhật Bản sẽ mang lại lợi ích cho cả Nhật và Đông Nam Á, song theo một số nhà phân tích, xu hướng này cũng tiềm ẩn rủi ro.

Làn sóng đầu tư ra nước ngoài hiện nay của Nhật, do các tổ chức tài chính dẫn đầu, có phần do người Nhật không tìm thấy cơ hội ở thị trường trong nước, do né tránh rủi ro của thị trường Trung Quốc nhưng phần khác do họ đang có trong tay khoản tiền mặt khổng lồ, lên tới 229.000 tỉ yen, tích lũy được nhờ chính sách kích thích kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe.

Từ năm 2013, Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) đã thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ của Thủ tướng Shinzo Abe, tung tiền mua trái phiếu chính phủ để kích thích tăng trưởng và đảo ngược đà giảm phát trong nền kinh tế. Kết quả là đồng yen giảm giá mạnh, hiện ở mức 113 yen ăn 1 đô la Mỹ, các ngân hàng và doanh nghiệp Nhật thừa tiền phải đem ra nước ngoài đầu tư và cho vay. Theo The Economist, đến cuối tháng 6-2014, các ngân hàng Nhật đã cho nước ngoài vay và cho vay đầu tư ra nước ngoài tới 465 tỉ đô la Mỹ, mức cao nhất từ trước tới nay. Nếu mai kia BoJ thay đổi chính sách, siết chặt cung tiền thì dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Nhật có thể bị đình chỉ, thậm chí đảo ngược.

Đông Nam Á - nơi tiếp nhận vốn đầu tư - cũng không phải là một thị trường thuần nhất mà gồm nhiều nước khác nhau về thể chế chính trị, trình độ phát triển, khung luật pháp... đòi hỏi nhà đầu tư phải hết sức linh hoạt.

Cơ sở hạ tầng yếu kém, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu cũng là những yếu tố buộc các doanh nghiệp Nhật phải tính toán kỹ trước khi quyết định đầu tư để không phải gặp lại những tình huống khó khăn như nạn lụt lớn ở Thái Lan năm 2011 làm gián đoạn hầu như mọi dây chuyền sản xuất của Nhật tại nước này.

Theo Thesaigontimes