Đầu tư công 2021: Nỗ lực vượt khó, nâng cao tỷ lệ giải ngân
(BDO) Trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên Bình Dương đã nỗ lực vượt khó, thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công nên đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà.
Tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn đã được đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành và thông toàn tuyến
Kết quả tích cực
Trong năm 2021, dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã gây ra rất nhiều khó khăn, thách thức cho cả nền kinh tế, trong đó có việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị liên quan, kết quả thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021 đã đạt được một số kết quả tích cực. Tính đến ngày 30-11, giá trị giải ngân hơn 5.243 tỷ đồng, đạt 51,2% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao và 43% kế hoạch tỉnh giao. Ước cả năm 2021 khối lượng thực hiện đạt khoảng 75,6% kế hoạch.
Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết thời gian qua UBND tỉnh đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ và giải pháp linh hoạt để sớm trở lại trạng thái “bình thường mới”, đó là cơ sở đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tính riêng từ ngày 15-9 đến 30-11, giá trị giải ngân đầu tư công của tỉnh đạt gần 80% tổng giá trị giải ngân trong 9 tháng đầu năm.
“Trong năm 2021, tỉnh đã huy động nhiều nguồn vốn bổ sung cho kế hoạch đầu tư công, kế hoạch vốn tỉnh giao cao hơn 20% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, phấn đấu đạt cao nhất kế hoạch vốn được giao. Các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án được tỉnh kịp thời tổng hợp, xử lý theo thẩm quyền nhằm có giải pháp tháo gỡ cho các chủ đầu tư, thúc đẩy tiến độ giải ngân dự án trong bối cảnh đại dịch Covid-19, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà”, ông Nguyễn Lộc Hà nhấn mạnh.
Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai kế hoạch đầu tư công của tỉnh năm 2021 vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế chưa được giải quyết triệt để. Lý giải về vấn đề này, theo UBND tỉnh, trong tình hình giãn cách xã hội và thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/ CT-TTg, đa số các dự án không thể tổ chức thi công. Bên cạnh đó không thể thực hiện công tác đo đạc, kiểm kê để lập hồ sơ, phương án đền bù; không thể họp dân triển khai công tác giải phóng mặt bằng; hạn chế tiếp xúc trao đổi trực tiếp trong công tác thẩm định dự án. Một số dự án bàn giao chậm do thiết bị phải nhập khẩu từ nước ngoài hoặc có chuyên gia nước ngoài không được nhập cảnh, khó khăn vận chuyển vật liệu xây dựng…
Ngoài ra, hầu hết cán bộ, công chức, người lao động từ cấp tỉnh đến cấp xã được huy động phòng, chống dịch bệnh nên việc vận hành công tác quản lý và thực hiện dự án cũng chậm hơn so với điều kiện bình thường. Công tác chuẩn bị đầu tư dự án còn chưa tốt dẫn đến một số dự án phải điều chỉnh do phát sinh đơn giá đền bù, thay đổi thiết kế, phát sinh hạng mục vượt tổng mức đầu tư. Mặt khác, trình tự, thủ tục thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phức tạp, kéo dài. Công tác tuyên truyền vận động người dân còn chưa được đầy đủ nên sự đồng thuận của người dân chưa cao. Giá đất trên thị trường thường xuyên có biến động lớn, tăng nhanh theo tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa của tỉnh.
Ông Nguyễn Lộc Hà cho biết thêm: “Thời gian tới, tỉnh tiếp tục xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị ở địa phương. Tỉnh sẽ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chỉ thị, chỉ đạo của Trung ương liên quan đến công tác đầu tư công, đẩy mạnh công tác đền bù và giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời tỉnh sẽ thành lập các tổ công tác theo nhóm các công trình trọng điểm để kiểm tra, giám sát kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án do nhà thầu hoặc đơn vị tư vấn năng lực yếu kém. Ngoài ra, tỉnh đang huy động các nguồn lực tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh theo hình thức đối tác công tư (PPP)”.
PHƯƠNG LÊ - LÊ DỰNG