Đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mới

Thứ sáu, ngày 10/05/2024

(BDO)  Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hệ thống giáo dục Việt Nam với mục tiêu đề cao tính thực tiễn, phát triển năng lực và phẩm chất người học. Để hiện thực hóa mục tiêu này, bên cạnh đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá, đầu tư cơ sở vật chất (CSVC) đóng vai trò then chốt nhằm tạo môi trường học tập hiện đại, khơi dậy tiềm năng và niềm hứng thú cho học sinh.

 Thêm nhiều trường học khang trang được hoàn thành đưa vào sử dụng. Trong ảnh: Trường THCS Nguyễn Trãi (huyện Phú Giáo) hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu năm 2024

 Thêm nhiều ngôi trường khang trang

Những ngày đầu năm 2024, công trình trường THCS Nguyễn Trãi (huyện Phú Giáo) được xây dựng trên khuôn viên 17.000m2 theo quy mô 1 trệt, 3 lầu được đưa vào sử dụng với đầy đủ các phòng học, phòng chức năng và phòng bộ môn được xây dựng theo khối khớp nối đa năng, được đầu tư thiết bị hiện đại… Thầy Vũ Thanh Dương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường lớp được đầu tư khang trang, hiện đại nên từ giáo viên tới học sinh và cả phụ huynh đều rất vui mừng, phấn khởi. Điều này đã tạo động lực cho nhà trường không ngừng nỗ lực dạy và học. Nhà trường sẽ cố gắng phát huy hiệu quả, phục vụ tốt cho công tác dạy học theo chương trình GDPT mới.

Năm học 2023-2024, trường THPT Trịnh Hoài Đức (TP. Thuận An) cũng khang trang và rộng rãi hơn nhờ được đầu tư xây dựng mới và cải tạo bổ sung nhiều hạng mục. Trường được xây dựng mới khối bán trú - nội trú 7 tầng; nhà thi đấu đa năng… Bên cạnh đó, trường còn được thay mới toàn bộ gạch nền, cải tạo hệ thống điện, nước, sân đường. Các hạng mục xây dựng mới và cải tạo được đưa vào sử dụng đã phần nào bảo đảm CSVC phục vụ cho nhu cầu dạy và học của nhà trường.

Bên cạnh các công trình đã đưa vào sử dụng, nhiều công trình sửa chữa, xây mới trường học tiếp tục được triển khai trên toàn tỉnh đã từng bước hiện đại hóa CSVC ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) tỉnh nhà. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, giai đoạn 2016-2023, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng trường học, bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện nay, 325/396 công trình trường học trong tỉnh được lầu hóa, đạt tỷ lệ 82,07%. Đến tháng 12-2023, toàn tỉnh có 19 công trình trường học được cải tạo, nâng cấp mở rộng và xây mới phục vụ năm học mới với tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng.

Nỗ lực gỡ khó

Bắt đầu từ năm học 2024- 2025, chương trình GDPT 2018 sẽ được triển khai ở tất cả các khối lớp ở các cấp học. Bên cạnh đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp khang trang, để đáp ứng yêu cầu dạy và học theo chương trình này, những năm qua ngành GD-ĐT tỉnh cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương đầu tư cho các cơ sở giáo dục một số phòng học thông minh với nhiều trang thiết bị hữu ích như màn hình tương tác cỡ lớn, máy tính, máy chiếu, bàn ghế đạt chuẩn…

 Những năm qua, ngành GD-ĐT cũng đã đầu tư hệ thống thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại cho các cơ sở giáo dục để đáp ứng yêu cầu dạy và học theo chương trình GDPT 2018

Tuy nhiên, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp khó khăn trong triển khai chương trình GDPT 2018 vì CSVC vẫn chưa thể đáp ứng hết yêu cầu của chương trình mới, như: Do số lượng học sinh tăng nhanh, nhiều địa phương đã giải quyết được chỗ học cho học sinh nhưng chưa bảo đảm được việc bố trí số học sinh/lớp theo chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT; đa số các trường xây dựng theo thiết kế cũ, diện tích không bảo đảm để bố trí thêm bàn ghế theo quy cách mới 2 chỗ ngồi/bàn; một số trường còn chưa thực hiện được việc dạy học 2 buổi/ngày theo chương trình mới…

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, để tháo gỡ những khó khăn về CSVC mà ngành GD-ĐT đang gặp phải trong triển khai chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT cũng đã đã kịp thời ghi nhận và đã tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh để tìm những giải pháp tháo gỡ. Sở cũng đã tham mưu và trình lên UBND tỉnh đề án củng cố, tăng cường, phát triển nguồn nhân lực và CSVC ngành GD-ĐT tỉnh Bình Dương giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có 2 nội dung chính là phát triển nguồn nhân lực và xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học theo chuẩn của chương trình GDPT 2018. Nếu đề án này được thông qua thì bài toán thiếu giáo viên, thiếu CSVC khi triển khai chương trình GDPT mới sẽ được giải quyết một phần.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục cũng đã tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có để linh hoạt xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp, bảo đảm đúng chương trình quy định. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng phối hợp với các địa phương để huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Có thể thấy, vấn đề gỡ khó CSVC khi dạy chương trình GDPT mới là một nhiệm vụ quan trọng, cần có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Việc đầu tư cho CSVC sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần thực hiện thành công chương trình GDPT 2018.

 Tính đến tháng 12-2023, ngành GD-ĐT tỉnh có 97/396 trường công lập được trang bị thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại cho phòng học dùng chung, đạt 24,49%. Đối với phòng học STEM, ngành GD&ĐT tỉnh đầu tư được 54/396 trường công lập, đạt 13,63%. Hiện nay, 325/396 công trình trường học của tỉnh được lầu hóa, đạt tỷ lệ 82,07%.

 HỒNG PHƯƠNG