Đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại, kết nối
(BDO) Để triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” (NTM) giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Dầu Tiếng đã ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 4-10-2022 về việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Toàn huyện chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025; đồng thời, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối.
Huy động các nguồn lực
Thời gian qua, UBND huyện Dầu Tiếng đã có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM như: phối hợp với Mặt trận, đoàn thể các cấp trong việc xây dựng NTM; huy động các tổ chức và cá nhân tích cực tham gia, đóng góp công sức, phát huy nội lực, tăng cường hoạt động xã hội hóa trong xây dựng NTM,...
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn Dầu Tiếng đã được đầu tư xây dựng, ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và định hướng phát triển kinh tế-xã hội của huyện giai đoạn 2021-2025, UBND huyện đã chỉ đạo các xã tiến hành thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung xây dựng xã đến năm 2030. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục tập trung quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền.
Trong năm 2023, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, sự hỗ trợ tích cực của Công ty TNHH MTV cao su Dầu Tiếng cùng sự đóng góp của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, huyện Dầu Tiếng tiếp tục nâng cấp, dặm vá sửa chữa 14 tuyến đường, tổng chiều dài 42 km. Kết quả, đến nay 99/100 tuyến đường do huyện quản lý, tổng chiều dài 233,98km được nhựa hóa, đạt 99%; 100% đường do xã quản lý được cứng hóa bằng sỏi đỏ, trong đó có trên 47% tuyến đường được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng, đảm bảo phương tiện đi lại thuận tiện. Các tuyến đường mới đầu tư đều được trang bị biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, cây xanh…
Năm 2023, nguồn vốn ước thực hiện xây dựng nông thôn mới của huyện Dầu Tiếng là 668 tỷ 927 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách (vốn lồng ghép) là 522 tỷ 747 triệu đồng. Vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản là 357 tỷ 400 triệu đồng. Vốn ngân sách huyện (kể cả vốn sự nghiệp kinh tế) là 118 tỷ 797 triệu đồng. Vốn ngân sách xã 46 tỷ 550 triệu đồng. Vốn tín dụng 73 tỷ đồng. Vốn doanh nghiệp, hợp tác xã (vốn sản xuất kinh doanh) 55 tỷ 300 triệu đồng. Vốn huy động cộng đồng dân cư đóng góp (hiến đất, công lao động, hoa màu,...) 17 tỷ 880 triệu đồng. |
Ngoài ra, các công trình thủy lợi được huyện chú trọng quản lý, bảo vệ và thường xuyên được duy tu sửa chữa, đảm bảo việc tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trong năm 2023, UBND huyện đã giao Phòng Kinh tế khảo sát, triển khai thực hiện nạo vét, khai thông 2 công trình rạch ven sông Sài Gòn tại 2 xã Thanh An và xã Thanh Tuyền, với tổng chiều dài khoảng 1.300m, nhằm khắc phục ngập úng, hạn chế lũ lụt, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu dân sinh.
Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết: Thời gian qua, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện tiếp tục đạt được kết quả nhất định. Chương trình đã huy động được các nguồn lực chung tay xây dựng NTM. Nhiều công trình hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư, nâng cấp sửa chữa, từng bước đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.
Nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng
Bên cạnh những kết quả đạt được trong Chương trình xây dựng NTM, huyện Dầu Tiếng vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế trong thực hiện Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025.
Ông Nguyễn Phương Linh cho biết, hiện nay, nguồn vốn đầu tư cho tiêu chí về giao thông trong Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, kiểu mẫu và huyện NTM nâng cao cần nguồn vốn đầu tư rất lớn; trong khi nguồn lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM chủ yếu là thực hiện đầu tư lồng ghép vào các chương trình, dự án xây dựng cơ bản hàng năm theo kế hoạch nên địa phương khó thực hiện.
Bên cạnh đó, việc đầu tư các công trình cấp nước tập trung, đầu tư, mở rộng các đường ống cấp nước sạch đến các khu dân cư, cụm dân cư trên địa bàn các xã còn gặp nhiều khó khăn do kinh phí đầu tư cao, dân cư ở các xã sống thưa thớt không tập trung,...
Vì vậy, đến nay tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch từ nhà máy nước tập trung trên địa bàn xã còn thấp, một số xã chưa đạt theo yêu cầu của Bộ tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, như: xã Thanh An chỉ đạt 58,6%; xã Long Tân đạt 58,3%, xã An Lập đạt 51,8%,…
Ông Linh cho biết thêm, hiện nay nguồn vốn thực hiện đầu tư cho NTM chủ yếu là nguồn vốn lồng ghép, chưa bố trí nguồn vốn riêng. Do đó, huyện gặp nhiều khó khăn trong tổng hợp, thống kê đầy đủ các nguồn vốn thực hiện chương trình cũng như xây dựng kế hoạch vốn thực hiện trung hạn và dài hạn cho chương trình. Việc huy động nguồn lực từ nhân dân, các doanh nghiệp và các nguồn khác còn hạn chế.
Huyện Dầu Tiếng đặt mục tiêu tập trung đẩy mạnh thực hiện xây dựng NTM nâng cao, hướng tới mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu, phát triển nông thôn bền vững; xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; từng bước giảm dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn; xây dựng nông thôn thực sự là nơi “đáng sống và muốn sống” của người dân. |
Để đạt được các mục tiêu này, trong công tác quy hoạch xây dựng NTM, UBND huyện Dầu Tiếng tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá.
Song song đó, hoàn thành việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung xây dựng xã đến năm 2030 tại 8 xã xây dựng NTM và đưa vào áp dụng thực hiện nhằm đảm bảo quy hoạch và phù hợp với điều kiện thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. UBND huyện Dầu Tiếng cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản, phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn, theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Năm 2024, UBND huyện chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị, tạo kết nối đồng bộ, nhất là kết nối liên xã, liên huyện; tập trung đầu tư bê tông hóa đường giao thông trục ấp, liên ấp, đường ngõ, xóm với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế và diện mạo khu vực nông thôn.
Ngoài ra, huyện tiếp tục đầu tư, cải tạo nâng cấp các trường học trên địa bàn huyện đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2, trường THPT đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch đầu tư công nhằm đạt chỉ tiêu, tiêu chí theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021-2025. Đồng thời hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa - thể thao cấp xã, ấp;…
Phương Lê - Hoàng Phong