Dầu Tiếng và những điểm nhấn kinh tế quan trọng
(BDO) Nhiều lần có dịp công tác về các xã, thị trấn thuộc huyện Dầu Tiếng, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là những mảng xanh trải dài. Trong đó, ngoài những cánh rừng cao su được trồng từ nhiều thập niên trước, hiện nay trên địa bàn các xã, thị trấn đã và đang dần hình thành những trang trại chăn nuôi, trồng trọt quy mô lớn.
Kinh tế thương mại - dịch vụ ở Dầu Tiếng tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu người dân trên địa bàn
Vườn cây ăn trái tăng mạnh
Thống kê 5 năm gần đây của UBND huyện Dầu Tiếng cho thấy diện tích trồng cao su trên địa bàn có xu hướng giảm trung bình từ 50 - 70 ha mỗi năm, đến nay, tổng diện tích trồng cao su trên địa bàn còn khoảng 49.550 ha. Tương ứng với tỷ lệ sụt giảm của diện tích trồng cao su là sự gia tăng đáng kể của diện tích canh tác các loại cây ăn trái đặc sản trên địa bàn. Cụ thể, đến giữa năm 2022, địa bàn huyện Dầu Tiếng đã có 780 ha diện tích chuyên canh các loại cây ăn trái đặc sản, con số này tăng tương ứng 4% so với cùng kỳ năm 2021.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết trong giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030, huyện phấn đấu tái cơ cấu nền nông nghiệp trên địa bàn. Theo đó, thời gian tới, huyện sẽ tích cực hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả, dây chuyền công nghệ hiện đại và đầu ra thị trường ổn định để bà con yên tâm sản xuất, kinh doanh. Ông Linh kỳ vọng với sự hỗ trợ của địa phương, người dân sẽ từng bước thực hiện chuyển đổi từ các mô hình truyền thống kém hiệu quả sang các mô hình quy mô, hiện đại, hiệu quả cao. Sau khi gầy dựng thành công các mô hình kinh tế trang trại hiệu quả, huyện sẽ lồng ghép, thành lập các tour du lịch sinh thái tuyến ven sông đến các vườn cây ăn trái, giúp người dân tăng thêm thu nhập.
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, một số loại trái cây đặc sản của huyện Dầu Tiếng đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao và tin dùng. Trong đó, tiêu biểu có thể kể đến là măng cụt Thanh Tuyền; sầu riêng, chuối Thanh An; cam An Lập; bưởi, quýt Minh Hòa… Đây là những cái tên tiêu biểu, được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP trong liên tiếp nhiều năm.
Hài hòa để phát triển
Huyện Dầu Tiếng xác định phương án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo hướng cân đối, hài hòa các nhóm ngành. Trong đó, phát triển các khu, cụm công nghiệp để tạo đòn bẩy nền kinh tế. Sau khi đã thu hút được lượng lớn người lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, huyện tiếp tục có hướng bố trí các khu nhà ở cho người thu nhập thấp, từng bước hình thành các khu dân cư, tạo tiền để thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển.
Ông Trần Quang Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết tính đến cuối tháng 6-2022, tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn huyện ước đạt khoảng 9.897 tỷ đồng, tăng 14,31% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng là 4.607 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ là 3.734,8 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất nông nghiệp là 1.555 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Ông Tuyên cho biết có thể so với các đô thị công nghiệp phía nam của tỉnh thì đây có lẽ là con số khá khiêm tốn, nhưng nếu so với chính Dầu Tiếng của 10 năm trước thì đây là con số tăng trưởng ấn tượng, đáng khích lệ.
Dù có vị trí địa lý không mấy thuận lợi cho việc quy hoạch phát triển công nghiệp, nhưng với sự hỗ trợ của tỉnh, đến nay huyện đã đặt được những viên gạch đầu tiên, tạo tiền đề cho sự phát triển sau này. Bên cạnh cụm công nghiệp Thanh An đang hoạt động ổn định, Dầu Tiếng đã thực hiện quy hoạch hơn 8.000 ha diện tích đất cao su làm quỹ đất phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Ông Nguyễn Phương Linh cho biết Dầu Tiếng không có chủ trương chạy đua, cạnh tranh với các địa phương khác về thu hút đầu tư công nghiệp mà chỉ tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến những sản phẩm thế mạnh. Cụ thể, từ nay đến 2030, huyện Dầu Tiếng sẽ tập trung thu hút đầu tư và phát triển các khu, cụm công nghiệp liên quan lĩnh vực chế biến mủ cao su, chế biến gỗ và chế biến súc sản. Đây là những sản phẩm thế mạnh và là mũi nhọn kinh tế chủ lực của huyện từ nhiều đời nay.
ĐÌNH THẮNG