Dầu Tiếng: Phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái
(BDO) Huyện Dầu Tiếng có diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 80% diện tích đất tự nhiên, trong đó diện tích cây ăn quả trên 567 ha (riêng diện tích cây măng cụt khoảng 79,7 ha, tập trung chủ yếu ở xã Thanh Tuyền với khoảng 65 ha). Thời gian qua, với chủ trương, chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh, ngành nông nghiệp của huyện không chỉ chuyển dịch theo hướng lựa chọn cây, con có giá trị cao mà còn xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ nông nghiệp mới, trong đó mô hình cây măng cụt kết hợp với du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền đang được địa phương đẩy mạnh thực hiện.
Tiềm năng lớn
Xã Thanh Tuyền là cửa ngõ phía nam của huyện Dầu Tiếng, nằm ở vị trí giáp ranh của 3 tỉnh, thành: Bình Dương, Tây Ninh và TP.Hồ Chí Minh; có tuyến giao thông quan trọng đi qua như đường Hồ Chí Minh, đường ĐT744, sông Sài Gòn và tiếp giáp với Khu di tích Địa đạo Củ Chi. Thanh Tuyền có diện tích tương đối lớn (6.232 ha), trong đó đất nông nghiệp chiếm trên 80% diện tích tự nhiên; hướng đông bắc là đất phù sa phù hợp phát triển cây cao su, hướng tây ven sông Sài Gòn là đất phù sa bằng phẳng và màu mỡ phù hợp cho cây lúa và cây ăn quả. Thế mạnh về kinh tế của xã là nông nghiệp. Hiện toàn xã có trên 215 ha cây ăn quả như măng cụt, sầu riêng, ổi; riêng cây măng cụt cho sản lượng từ 800 - 1.000 tấn/năm. Trong 3 năm gần đây, tại các hội thi trái cây ngon cụm miền Đông Nam bộ, măng cụt xã Thanh Tuyền đều đoạt giải cao.
Phát triển vùng cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái - hướng đi phù hợp của huyện Dầu Tiếng. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Tỵ bên vườn măng cụt của gia đình. Ảnh: HỒNG NGA
Hiện nay, TP.Hồ Chí Minh đang thực hiện dự án mở rộng Khu di tích Địa đạo Củ Chi gắn với du lịch sinh thái sang xã Thanh Tuyền với quy mô 116 ha, đây là cơ hội để xã Thanh Tuyền phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tập trung với quy mô lớn ven sông Sài Gòn gắn với phát triển du lịch đường sông và du lịch nghỉ dưỡng. Nắm bắt được lợi thế này, huyện Dầu Tiếng đã có chủ trương phát triển xã Thanh Tuyền thành vùng chuyên canh cây măng cụt nhằm phát triển du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn, tạo thương hiệu sản phẩm măng cụt, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Cách đây hơn 10 năm, xã Thanh Tuyền mới có vài hộ nông dân trồng thử nghiệm cây măng cụt, nay đã có hơn 200 hộ tham gia. Giống cây này rất phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất Thanh Tuyền, nhiều hộ nông dân trồng cao su trước đây đã chuyển sang trồng thêm cây măng cụt để cải thiện thu nhập. Nguồn thu từ cây măng cụt đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của xã; đã xuất hiện nhiều nông dân tiêu biểu từ trồng cây măng cụt như ông Nguyễn Văn Tỵ, Trần Văn Sáu, Lê Văn Mé, Nguyễn Văn Trí... với quy mô mỗi gia đình trồng từ 1 ha trở lên.
Hướng đi phù hợp
Là một trong những người đi đầu trồng măng cụt áp dụng theo mô hình VietGAP, ông Nguyễn Văn Tỵ, ở ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền cho biết, mấy năm gần đây các nhà vườn cây ăn trái ở xã Thanh Tuyền không chỉ liên kết thành lập tổ hợp tác để giúp đỡ nhau về kỹ thuật sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mà còn liên kết phát triển thành các điểm du lịch vườn, thu hút khá đông khách từ các nơi đến vui chơi, giải trí và thưởng thức trái cây tại chỗ. “Chúng tôi đang hướng đến mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch, giúp khách du lịch có một điểm dừng chân thú vị. Khi nghe đề án phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền, chúng tôi rất vui mừng, hy vọng đây là cơ hội để người nông dân quảng bá sản phẩm nhà vườn cũng như quảng bá hình ảnh nông thôn mới, nông nghiệp đô thị Dầu Tiếng trong tương lai”, ông Tỵ chia sẻ.
Để vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch tại huyện Dầu Tiếng phát triển ổn định, các nhà chuyên môn cho rằng ngoài việc hỗ trợ khoa học - kỹ thuật cho các gia đình trồng cây măng cụt để tăng năng suất, chất lượng trái cây, các chủ vườn cũng cần được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản về du lịch, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, thuyết minh, hướng dẫn vàcả tổ chức các hoạt động trong vườn cây; bên cạnh đó các hướng dẫn viên, đơn vị tổ chức hoạt động du lịch cần có khả năng dẫn dắt các chủ vườn, định hướng cho họ sáng tạo những sản phẩm du lịch mới. Về lâu dài, các đơn vị chức năng, công ty lữ hành phải xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp về du lịch sinh thái, không chỉ có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp mà còn phải am hiểu về văn hóa, con người và những vùng cây ăn trái của huyện.
Hiện nay, Đề án Phát triển vườn cây ăn trái đặc sản gắn liền với du lịch sinh thái đang được các ngành chuyên môn của huyện Dầu Tiếng và xã Thanh Tuyền tích cực thực hiện. Mục tiêu của đề án là tới năm 2020, cây măng cụt tại xã Thanh Tuyền sẽ trở thành đặc sản và gắn liền với du lịch sinh thái, sông nước ven sông Sài Gòn. Thực hiện thành công đề án này sẽ góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nơi đây. Đây được xem là lợi thế về phát triển kinh tế nông thôn của xã Thanh Tuyền gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững. Các chuyên gia đánh giá, một khi đề án phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả kết hợp phát triển du lịch sinh thái tại xã Thanh Tuyền chính thức đi vào hoạt động, khu vực huyện Dầu Tiếng sẽ tạo sản phẩm du lịch liên kết vườn cây Thanh Tuyền - Địa đạo Củ Chi - Khu du lịch hồ Dầu Tiếng, núi Cậu, thậm chí cả Khu du lịch núi Bà Đen (Tây Ninh); khai thác cả đường bộ và đường thủy, du lịch sông nước - vườn cây - tâm linh.
HỒNG NGA