Dầu Tiếng: Nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả

Thứ tư, ngày 27/06/2018

(BDO) Thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể (KTTT), huyện Dầu Tiếng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển đổi, nhân rộng các mô hình KTTT điển hình ở địa phương. Kết quả bước đầu cho thấy, các mô hình này đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong định hướng phát triển mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới trên địa bàn huyện.

 Giải quyết nhu cầu thực tiễn

Trong số các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả trên địa bàn huyện Dầu Tiếng có thể kể đến Quỹ tín dụng nhân dân Thanh Tuyền. Nhiều năm qua, quỹ này là nơi để các tổ chức, hộ cá thể ở các xã Thanh Tuyền, Thanh An, An lập, Long Tân của huyện Dầu Tiếng và xã An Tây của TX.Bến Cát vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đặc biệt, quỹ đã thành lập được Phòng Giao dịch An Lập (ấp Phú Bình, xã An Lập).

Trang trại chăn nuôi bò sữa của ông Trần Xuân Linh - thành viên HTX bò sữa Long Tân, ấp Vũng Tây, xã Long Tân. Ảnh: HỒNG NGA

Ông Mai Thanh Long, Giám đốc Quỹ tín dụng nhân dân Thanh Tuyền, cho biết tính đến cuối năm 2017, quỹ đã thu hút 3.696 thành viên, số dư tiền gửi đạt 206 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 138 tỷ đồng. Riêng đối với dịch vụ thanh toán chuyển tiền nhanh trong nước, quỹ đã và đang được người dân trên địa bàn đánh giá cao vì hỗ trợ người dân nhanh chóng, thuận lợi. Để phát huy hiệu quả vai trò hoạt động của mình, quỹ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình hỗ trợ cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, nhất là các đối tượng chính sách, hộ nghèo…

HTX bò sữa Long Tân (xã Long Tân) cũng là một điển hình, hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới. Năm 2010, Tổ hợp tác bò sữa Long Tân được thành lập, gồm 9 thành viên; đến tháng 8-2013 tổ hợp tác làm hồ sơ nâng lên thành HTX. Đến nay, HTX có gần 100 xã viên, chăn nuôi hơn 1.400 con bò sữa. Nhờ bảo đảm tốt quy trình sản xuất chăn nuôi, bảo đảm đầu ra sản phẩm với giá cả ổn định, hầu hết xã viên rất yên tâm và phấn khởi...

Tạo nhiều việc làm, thu nhập ổn định

Hiện nay, toàn huyện Dầu Tiếng có 8 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, mỗi HTX có trên 70 xã viên. Được sự hỗ trợ về giống, vật nuôi từ huyện, các ngành chức năng, doanh nghiệp, các HTX trên địa bàn đã mở rộng quy mô sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, điển hình như HTX Lộc Phát, HTX nông nghiệp dịch vụ - thương mại Minh Hòa Phát, HTX bò sữa Long Tân...

Trong thời gian qua, các HTX trên địa bàn huyện Dầu Tiếng luôn được các cấp, các ngành trong huyện quan tâm, hỗ trợ giống, vật nuôi, mở rộng quy mô sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, các HTX phát triển ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương, thu nhập bình quân người lao động từ 3 - 6 triệu đồng/tháng. Hiện nay, sản phẩm nông nghiệp chính của huyện Dầu Tiếng là cây cao su, trái cây, sinh vật cảnh và chăn nuôi. Ngoài các HTX, hộ chăn nuôi gà, heo, bò quy mô lớn trên địa bàn nuôi theo hợp đồng gia công cho các tập đoàn chăn nuôi như CP, Japfa, Everet cũng phát triển, do đó có thị trường tiêu thụ ổn định, không bị tồn kho.

Bên cạnh các HTX nông nghiệp, huyện Dầu Tiếng còn có 12 HTX và 16 tổ hợp tác hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, vận tải, sản xuất kinh doanh ở quy mô nhỏ… Các HTX, tổ hợp tác này bước đầu hoạt động hiệu quả, lợi nhuận cao.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, khẳng định để hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển HTX trên địa bàn huyện đến năm 2020, trong đó xác định; đưa KTTT, mà nòng cốt là HTX, chiếm vị trí quan trọng trong các thành phần kinh tế của huyện nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và nhu cầu thị trường, có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp; hướng tới đưa sản xuất nông nghiệp, dịch vụ theo quy mô lớn, phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thu nhập cho người dân.

HỒNG NGA