Dầu Tiếng: Lan tỏa mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Thứ năm, ngày 31/05/2018

(BDO)  Chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của địa phương, ngành nông nghiệp huyện Dầu Tiếng đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Trong đó, việc hình thành các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả đã tạo ra hướng đi mới cho người nông dân trong phát triển kinh tế, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Nhiều mô hình mang lại lợi nhuận cao  

Đến thăm trang trại hoa lan của gia đình ông Võ Văn Quang, ở ấp Đường Long, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, mọi người mới nhận thấy rõ hiệu quả từ việc ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Sau thời gian trồng thử nghiệm, năm 2014 gia đình ông Quang quyết định đầu tư mở rộng diện tích trồng trọt lên hơn 5.000 m2, với cây giống chủ yếu là lan môcara các loại. Nhờ chịu khó tìm tòi, nghiên cứu các kỹ thuật trồng lan, cùng với kinh nghiệm rút ra trong quá trình trồng thử nghiệm trước đó, mô hình hoa lan của gia đình ông phát triển tốt, năng suất, hiệu quả kinh tế cao, với thu nhập bình quân trên 40 triệu đồng/tháng.

Một mô hình trồng lan công nghệ cao tại huyện Dầu Tiếng. Ảnh: HỒNG NGA

Đối với mô hình chăn nuôi, với quyết tâm cải thiện điều kiện kinh tế gia đình, năm 2005, gia đình ông Thạch Thiên, ngụ xã Thanh Tuyền, quyết định mua bò giống về nuôi thí điểm. Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, sau một thời gian mô hình nuôi bò thịt của gia đình ông phát triển tốt. Đến nay, trang trại chăn nuôi bò thịt của gia đình ông có gần 70 con. Với giá bán trung bình 30 triệu đồng con bò thịt trưởng thành, hiện mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, mô hình này mang lại lợi nhuận cho gia đình ông 250 - 300 triệu đồng; trở thành một trong những mô hình trang trại kiểu mẫu, có giá trị kinh tế cao ở địa phương.

Hiện nay, nhiều gia đình ở huyện Dầu Tiếng đã thành công với mô hình chăn nuôi, trồng trọt công nghệ cao. Có thể kể đến như mô hình trồng cam xoàn và quýt của ông Lê Ngọc Ẩn, ngụ ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa. Hiện vườn cây của ông trồng 1.700 gốc cam xoàn và quýt trên diện tích 2,5 ha. Với mức giá bán từ 20.000 - 25.000 đồng/kg cam, quýt hiện nay, ông có thu nhập gần 1,5 tỷ đồng/1 vụ; mỗi năm ông thu hoạch được 4 đợt. Hay như mô hình trồng ổi lê Đài Loan của bà Nguyễn Thị Mận, ngụ ấp Rạch Kiến, xã Thanh Tuyền. Mỗi ngày, gia đình bà thu hoạch gần 150kg ổi, bán với giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Mỗi ha đất, bà có thể trồng khoảng 700 cây ổi lê, năng suất trung bình mỗi cây ổi lê khoảng 70kg/ năm, lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/ha/năm. Sau 2 năm trồng ổi lê Đài Loan mang lại thu nhập ổn định, gia đình bà đã trồng xen canh thêm 130 cây sầu riêng R6 và 500 cây bưởi da xanh.

Tác động từ các chính sách hỗ trợ

Từ mô hình trồng ổi lê Đài Loan đạt hiệu quả cao và kết hợp trồng bưởi da xanh và sầu riêng của gia đình bà Mận, nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn đã đến học hỏi kỹ thuật trồng, kinh nghiệm làm vườn và còn được bà cung cấp giống cây trồng. Có thể nói, mô hình trồng xen canh cây ổi lê Đài Loan và bưởi da xanh, sầu riêng của gia đình bà Mận đã mở ra hướng đi mới cho nhiều hộ nông dân đang cải tạo và trồng mới vườn cây có múi ở địa phương. Điều đáng mừng nữa là, các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả ở huyện Dầu Tiếng đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động nông thôn. Lựa chọn hướng đi phù hợp, các chủ trang trại với sự cần cù, sáng tạo, dám nghĩ dám làm đã biến vùng đất hoang vu, khô cằn trên địa bàn huyện Dầu Tiếng thành những vườn cao su xanh tươi ngút ngàn, những vườn cây ăn trái trĩu quả hay những trang trại chăn nuôi bề thế, quy mô… mang lại lợi nhuận kinh tế cao.

Thời gian qua, để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp địa phương phát triển, bên cạnh việc vận dụng các chính sách chung, huyện Dầu Tiếng đã phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm ở các vùng chuyên canh nông nghiệp. Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp triển khai nhiều chương trình khuyến nông, tập huấn kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây trồng theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP), hỗ trợ phân bón cho người nông dân... Những chính sách hỗ trợ thiết thực này đã góp phần thiết thực để hình thành và phát huy vai trò của các mô hình kinh tế nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương.

Có thể khẳng định, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Dầu Tiếng đã và đang phát huy hiệu quả, vai trò của mình, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của huyện nhà. Với những thành quả mà lĩnh vực nông nghiệp của huyện Dầu Tiếng đã đạt được, cũng như triển vọng, tiềm năng đang mở ra cho thấy những mô hình kinh tế nói trên đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp của địa phương hiện nay. Sự phát triển của các mô hình nông nghiệp này sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn tại địa phương.

 Ông Nguyễn Phương Linh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Dầu Tiếng, cho biết thực hiện Chương trình số 18 của Huyện ủy về Kế hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn, UBND huyện đã cụ thể hóa, triển khai lồng ghép và kịp thời quy hoạch chi tiết ngành nông nghiệp theo hướng công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao đã mang lại năng suất, chất lượng cao hơn hẳn các mô hình trồng trọt, chăn nuôi truyền thống trước đây. Đây là bước tiến quan trọng trong thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp - nông thôn.

 

HỒNG NGA