Dầu Tiếng: Góp sức xây dựng giao thông nông thôn

Thứ ba, ngày 08/05/2018

Xác định phát triển hạ tầng giao thông là động lực để xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Dầu Tiếng đã tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất, đóng góp nhiều ngày công lao động, ủng hộ tiền mặt để cùng Nhà nước mở rộng, nâng cấp và làm mới nhiều tuyến đường giao thông liên ấp, liên xã, góp phần giúp huyện nhà sớm cán đích trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.

(BDO)

 Tuyến đường bê tông xi măng dài 500m, tại ấp Bàu Khai, xã An Lập, do ông Phan Văn Hồng, ngụ ở địa phương hiến đất, bỏ tiền ra làm vừa hoàn thành cuối tháng 4-2018 vừa qua. Ảnh: HỒNG NGA

 Huy động tốt nguồn lực trong dân

Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, cơ sở hạ tầng, đường giao thông của xã An Lập từng bước được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và mua bán hàng hóa. Ông Phan Quang Minh, Chủ tịch UBND xã An Lập cho biết, trước đây, do mặt đường hẹp, lầy lội vào mùa mưa nên việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Từ khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã có điều kiện thuận lợi để đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các tuyến đường trên địa bàn. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều người dân trong xã đã đồng thuận cao, tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất, tiền mặt, ngày công lao động để cùng Nhà nước làm đường giao thông. Điển hình như hộ ông Phạm Văn Dương, ngụ ấp Hố Cạn đã ủng hộ số tiền 2 tỷ đồng, làm được 1km đường bê tông nhựa, đoạn từ ấp Hố Cạn đi ấp Hàn Nù. Hay như hộ ông Phan Văn Hồng đã hiến đất và tự bỏ tiền, nhân công ra làm 500m đường bê tông xi măng tại ấp Bàu Khai… Chỉ tính trong năm 2017, người dân trong xã đã hiến đất, ủng hộ số tiền 970 triệu đồng và tự lắp đèn chiếu sáng dọc các tuyến đường trị giá 170 triệu đồng.

Hiện nay, các tuyến đường từ trung tâm xã An Lập đến trung tâm huyện Dầu Tiếng đã được nhựa hóa, tổng chiều dài trên 24km. Toàn xã có 20 tuyến đường liên ấp, trục ấp với chiều dài 34km đã được cứng hóa bằng sỏi đỏ hoặc bê tông nhựa. Các tuyến đường ngõ xóm trên địa bàn hiện cũng đã được nâng cấp, không còn lầy lội vào mùa mưa, xe cơ giới đi lại thuận tiện.

Ở huyện Dầu Tiếng, ông Hồ Văn Ngừng, ngụ ấp Đồng Sến, xã Định An là gương điển hình trong phong trào thi đua yêu nước xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, ông luôn hết lòng đóng góp cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới tại quê hương, tích cực tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương. Riêng gia đình ông Ngừng đã ủng hộ số tiền 2 tỷ đồng để xây dựng mới 1 tuyến đường liên xã dài 4km.

Bà Hoàng Thị Thư, Chủ tịch UBND xã Định An cho biết, để xây dựng các công trình giao thông, thời gian qua xã đã tăng cường tuyên truyền đến người dân về lợi ích thiết thực, lâu dài khi có đường giao thông đi qua, nhiều gia đình trong xã đã tự nguyện góp công sức, hiến một phần đất cùng Nhà nước làm đường. Riêng trong năm 2017, xã đã vận động nhân dân đóng góp làm đường giao thông nông thôn bằng bê tông xi măng được trên 884 triệu đồng; thực hiện được 163 bóng đèn trong chương trình thắp sáng đường quê, tổng kinh phí trên 86 triệu đồng. Với sự chung sức, đồng lòng của người dân, đến nay mạng lưới hạ tầng giao thông và các thiết chế văn hóa trên địa bàn xã từng bước được hoàn thiện, diện mạo nông thôn đổi thay.

Tiếp tục chung tay góp sức

Xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế nông thôn là những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Có thể thấy, việc phát huy tốt vai trò của nhân dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương của huyện Dầu Tiếng huy động được sức dân, đồng thời cũng tạo tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua khác ở địa phương.

Theo lãnh đạo UBND huyện Dầu Tiếng, phong trào hiến đất làm đường đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp Dầu Tiếng sớm trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh vào năm 2015. Để có được niềm tin, sự chung sức, đồng lòng của người dân, một trong những yếu tố quan trọng mà các cấp ủy, chính quyền trong huyện chính là việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Thực tế cho thấy, các chủ trương, chính sách, giải pháp từ huyện đến xã đều được tổ chức thực hiện theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển giao thông đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, từ đó tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong dân. Trong giai đoạn 2011-2017, tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới toàn huyện là trên 7.074 tỷ đồng, vốn huy động doanh nghiệp và nhân dân đóng góp trên 133 tỷ đồng. Hiện nay, trong toàn huyện, hệ thống giao thông liên xã được nhựa hóa đạt 100%, đường xã và đường trục ấp được cứng hóa đạt trên 92%.

Cùng với sự chung tay, góp sức của người dân, giờ đây những con đường mới được xây dựng trên địa bàn huyện Dầu Tiếng không chỉ giúp cho việc đi lại, giao lưu trao đổi hàng hóa dễ dàng mà còn tạo điều kiện cho người dân trong huyện có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

 HỒNG NGA