Dầu Tiếng: Đồng lòng, chung sức xây dựng nông thôn mới

Thứ ba, ngày 09/07/2019

(BDO) Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân, thời gian qua kinh tế - xã hội huyện Dầu Tiếng tiếp tục phát triển, nổi bật là công tác xây dựng nông thôn mới (NTM).


Xây dựng nông thôn mới góp phần quan trọng để kinh tế huyện Dầu Tiếng khởi sắc.
Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Nội thất gỗ Phú Đỉnh. Ảnh: HỒNG NGA

Nỗ lực lớn

Nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian qua là công tác xây dựng NTM. Ghi nhận cho thấy, đến nay, hệ thống giao thông tại 11 xã trong toàn huyện Dầu Tiếng đã được bê tông hóa; 100% xã có hạ tầng, hệ thống điện, nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn NTM; nhà văn hóa và khu thể thao bảo đảm theo quy định. Theo lãnh đạo huyện, bài học kinh nghiệm rút ra từ xây dựng NTM trên địa bàn là địa phương chủ động lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng trên cùng một địa bàn; coi trọng việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt đối với các thiết chế văn hóa.

Về sản xuất, Dầu Tiếng tiếp tục quan tâm xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát triển vùng sản xuất rau tập trung, phát triển nuôi trồng thủy sản… Toàn huyện hiện có 364 doanh nghiệp, tăng 25 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước. Điển hình, Công ty TNHH Nội thất gỗ Phú Đỉnh (100% vốn đầu tư nước ngoài), chuyên sản xuất hàng trang trí nội thất gỗ như giường, tủ, bàn, ghế… đã xây dựng được một vùng nguyên liệu bền vững, chất lượng cao, bảo đảm cho việc vận hành ổn định dây chuyền sản xuất. Hiện bình quân mỗi tháng công ty sản xuất gần 30 container sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Công ty còn giải quyết việc làm cho trên 1.300 lao động tại địa phương và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng, cho biết cùng với phát triển công nghiệp, thời gian qua huyện cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển tiểu thủ công nghiệp. Hiện trên địa bàn có nhiều cơ sở tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh, sản phẩm chủ yếu là sản xuất, chế biến gỗ cao su, mủ cao su, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Cùng với đó, Dầu Tiếng tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phối hợp giải quyết thủ tục hành chính liên thông, qua đó tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, huyện điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả; tăng cường nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường. Địa phương cũng duy trì và mở rộng các dịch vụ thực hiện trên hệ thống “một cửa” liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính... Việc thực hiện tốt các giải pháp phát triển kinh tế đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh trong toàn huyện.

Nâng cao đời sống người dân

Hiện toàn huyện còn 630 hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh, trong đó hộ nghèo theo tiêu chí giảm nghèo 337 hộ, chiếm tỷ lệ 1,06%. Trong thời gian tới, Dầu Tiếng tiếp tục phát huy thế mạnh về lao động, đất đai, tài nguyên thiên nhiên; khai thác các nguồn lực tại chỗ; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất công nghệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm phát triển các ngành nghề, tạo việc làm, thu nhập cho lao động, nhất là lao động nông nhàn. Địa phương gắn phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề, điểm du lịch với xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm vệ sinh môi trường bền vững.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Dầu Tiếng đang chuyển đổi mạnh cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, các xã trong huyện đã lập các dự án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân dựa trên tiềm năng và lợi thế của mỗi địa phương, dần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tạo ra sản phẩm lợi thế, đặc sản vùng.

Nhờ thực hiện tốt các giải pháp đề ra nên trong những năm gần đây, tổng giá trị sản xuất của huyện tăng bình quân 14%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt trên 55 triệu đồng. Về xây dựng NTM, theo Bộ tiêu chí xã NTM, đến nay xã Thanh An cơ bản đạt 19/19 tiêu chí NTM nâng cao, đang chờ UBND tỉnh công nhận. Các xã còn lại trong huyện như Định Hiệp đạt 18/19 tiêu chí (42/43 chỉ tiêu), Định Thành đạt 17/19 tiêu chí (41/43 chỉ tiêu), Long Tân, Long Hòa, Thanh Tuyền, Minh Hòa, Định An, An Lập, Minh Thạnh đạt 16/19 tiêu chí (40/43 chỉ tiêu), Minh Tân đạt 14/19 tiêu chí (38/43 chỉ tiêu).

Ông Nguyễn Phương Linh khẳng định, xây dựng NTM là chương trình tổng thể, xuyên suốt, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Xây dựng NTM là làm sao để nông thôn ngày càng giàu đẹp hơn, hiện đại hơn, đời sống người nông dân càng được nâng cao, giàu mạnh một cách bền vững. Với những định hướng cụ thể, tin chắc rằng dưới sự chung sức, đồng lòng của người dân và các tổ chức, cá nhân, huyện Dầu Tiếng sẽ hoàn thành kế hoạch, mục tiêu xây dựng NTM trong năm 2019, góp phần đưa nền kinh tế huyện nhà phát triển bền vững.

Trong giai đoạn 2016-2018, tổng nguồn vốn huy động đầu tư xây dựng NTM của huyện Dầu Tiếng là 2.053 tỷ 824 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 299 tỷ 260 triệu đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, nguồn vốn xây dựng NTM của huyện là trên 56 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 4 tỷ đồng.

HỒNG NGA