Dầu Tiếng: Bảo đảm nguồn nước tưới tiêu mùa khô
(BDO) Thời tiết nắng nóng những ngày qua không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Dầu Tiếng. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp, hộ sản xuất trên địa bàn huyện đã tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi nhằm giảm thiệt hại.
Bà Phạm Thị Nở, ấp Hố Muồng, xã Long Tân tắm mát đàn bò sữa của gia đình để chống nắng nóng. Ảnh: HỒNG NGA
Nông dân nỗ lực chống hạn
Có mặt tại cánh đồng trồng rau màu của bà Lê Thị Dung và bà Hoàng Thị Xuyện ở ấp Bờ Cảng, xã Long Tân chúng tôi được thấy thiệt hại do khô hạn gây ra: Những giàn cây bị héo quắt đang nằm phơi mình dưới trời nắng. Bà Xuyện đang hướng dẫn công nhân tưới các khóm cây, cho biết gia đình bà có trên 10 ha trồng dưa leo và các loại rau như bí, bầu, cà, đậu bắp, ngày nào cũng phải tưới liên tục. Do nắng nóng những ngày qua khiến nhiều cây trồng của bà bị héo rũ, trong khi chi phí bỏ ra khá lớn.
Bà Dung cho hay thời tiết khô hạn buộc người trồng rau phải tăng cường tưới nước, giữ ẩm cho cây rau. Để có nước tưới rau, nông dân phải khoan giếng làm tăng thêm chi phí sản xuất.
Tại nhiều hộ trồng rau ở các xã khác trong huyện, nắng nóng những ngày qua khiến một số diện tích rau mới gieo cũng bị cháy táp lá, hư hại hoàn toàn; số diện tích rau ăn lá còn lại cũng bị ảnh hưởng tới sinh trưởng. Hiện người dân đang phải bơm nước giữ ẩm cho ruộng rau của gia đình.
Huyện Dầu Tiếng hiện có 49.800 ha cây cao su, 650 ha cây ăn quả và 4.655 ha các loại cây lương thực, rau màu. Theo Trạm Chăn nuôi, Thú y huyện, toàn huyện hiện có 218 trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; tổng đàn gia súc trên 24.980 con, đàn gia cầm 3,238 triệu con; diện tích nuôi thủy sản khoảng 116.000m2. |
Trước tình hình thời tiết đang nắng nóng, anh Trần Văn Anh, chủ trang trại trồng cây có múi Hoàng Anh, xã Minh Hòa, cho hay để cây trồng luôn đủ nước, anh luôn tưới cây từ hệ thống tự động. Hệ thống tưới cây ăn trái này vừa có thể tưới nhỏ giọt vào gốc vừa có thể tưới phun sương trên ngọn, bảo đảm cây trồng luôn xanh tốt.
Đối với các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm những ngày qua phải túc trực kiểm tra hệ thống làm mát cho đàn heo nái và heo con, đồng thời vận hành hệ thống máy bơm nước vào máng cho heo tắm mát. Ông Nguyễn Văn Điều, một hộ nuôi heo tại khu phố 4B, thị trấn Dầu Tiếng, chia sẻ thời tiết nắng nóng đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của heo. Dự tính, nếu nắng nóng kéo dài, sản lượng heo của gia đình ông giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Mấy ngày qua, ông Nguyễn Văn Ghết, ở ấp Lê Danh Cát, xã Thanh Tuyền - chủ trại heo, khá lo lắng bởi thời tiết nắng nóng làm ảnh hưởng đến đàn heo của gia đình. Trong những ngày nắng nóng, gia đình ông phải huy động nhân công túc trực thường xuyên kiểm tra và tắm mát cho đàn heo. Bên cạnh đó, ông cũng vận hành hết công suất hệ thống quạt làm mát và sử dụng chất điện giải phối trộn trong nước uống, thức ăn để giải nhiệt cho đàn heo.
Phối hợp thực hiện tốt các giải pháp
Thời gian qua, Trạm Chăn nuôi, Thú y huyện thường xuyên kiểm tra các hộ gia đình chăn nuôi trên địa bàn huyện, mục đích nhằm bảo đảm an toàn về chuồng trại, thực hiện tốt việc chăm sóc thú y, cam kết bảo vệ môi trường. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, bên cạnh việc các ngành chức năng và địa phương tích cực thực hiện các giải pháp phòng ngừa, trạm cũng khuyến cáo những hộ chăn nuôi chủ động phối hợp với ngành chức năng ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh ở vật nuôi, nhất là các chứng bệnh về hô hấp.
Ngay khi có thông tin cảnh báo về đợt nắng nóng, Phòng Kinh tế đã tham mưu UBND huyện có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn người dân chủ động triển khai các phương án chống nắng nóng cho cây trồng, vật nuôi để hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng nóng gây ra. Hiện toàn huyện có 3.861,98 ha rừng. Với đặc điểm hệ sinh thái rừng đa dạng về cả loài và tầng thứ, lớp thảm mục dày, các khu rừng người dân nhận giao khoán trồng ở huyện tập trung chủ yếu là rừng thuần loài, hầu hết trồng các loại cây dễ cháy như thông, keo…
Cùng với đó, hiện nhiều diện tích rừng trên địa bàn huyện lá đang bị úa vàng, rụng lá, tạo nên thực bì khô rám dày đặc rất dễ cháy. Hiện ngành kiểm lâm, chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp triển khai các phương án phòng chống cháy rừng nhằm xử lý kịp thời những sự cố cháy rừng.
HỒNG NGA