Dấu tích kho vàng của vua Hàm Nghi

Thứ ba, ngày 02/07/2013
Trước khi bị bắt, vua Hàm Nghi đã cho đem vàng bạc châu báu đi giấu vào một thân cây cổ thụ tại vực Trẩy, thuộc khe Dương Cau. Mãi đến lũ năm 1956, gốc cây này bật ra kéo theo hơn 2 tạ vàng của vua lộ thiên. Và người dân xã Hóa Sơn đã thu gom vàng giao nộp lại cho Nhà nước.

Nhiều người cao tuổi ở xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa kể lại: Trong một trận lũ lớn tháng 8- 1956, có một cô gái tên Qúy đi xúc cá đã phát hiện ra nhiều tấm kim loại màu vàng trên một bãi đất bồi bên vực Trẩy, khe Dương Cau, thôn Đặng Hóa, xã Hóa Sơn.

  Bà Đinh Thị Cần đang kể lại những câu chuyện liên quan đến vua Hàm Nghi.

Sau đó, cô gái này về báo lại với gia đình và nhiều người trong thôn đã đến xem và cho rằng toàn bộ số kim loại đó là vàng của vua Hàm Nghi. Thông tin này đã nhanh chóng đến được với chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng. Lúc đó, xã Hóa Sơn đã chỉ đạo cho lực lượng dân quân, công an bảo vệ rồi tiến hành thu gom vàng. Tổng cộng số vàng thu được là 240 kg, bỏ đầy 5 cái nong phơi lúa. Đó là những tấm vàng có hình chữ "Đại". Vàng được gom về tập kết tại sân nhà ông Phát gần đó rồi đem giao nộp cho Nhà nước.

Tuy nhiên, trước khi thu gom, có nhiều người dân đã lấy đi một số lượng vàng đem về làm đồ dùng trong nhà như những thứ sắt, thép khác chứ họ không quan tâm đến giá trị của vàng. Nhiều người còn nói, cô gái tên Qúy đã lấy đi một lượng vàng khá lớn rồi đi vào miền Nam sinh sống đến nay vẫn chưa về.

Bà Đinh Thị Bình, 78 tuổi ở thôn Đặng Hóa kể lại: “Hồi đó, bên cạnh vực Trẩy có một cây Pằn Nàng rất lớn, nhưng trong thân lại bị rỗng. Sau một trận lụt lớn, cây này bị đổ và nước cuốn cây xuống vực sâu. Khi lũ rút đi để lại rất nhiều vàng. Chính tôi cũng đã nhặt được 5 chữ vàng rồi đem giao nộp và được cấp trên thưởng cho một bộ quần áo mới. Còn xã được thưởng ba con lợn với rất nhiều lúa gạo để ăn mừng. Lễ mừng vàng được tổ chức ngay dưới chân núi Mã Cú. Đêm đó, có rất nhiều người đến ăn uống, hò hát, nhảy mua rất vui vẻ”. Nhân sự kiện đó, nhiều người cho rằng, có thể vua Hàm Nghi đã cho người giấu vàng trong hốc cây Pằn Nàng đại thụ này.

Xung quanh câu chuyện kho báu của vua Hàm Nghi, bà Đinh Thị Cần, 85 tuổi ở thôn Đặng Hóa nói: “Cha mẹ tôi kể lại rằng, những ngày vua Hàm Nghi sắp bị bắt, vua đã cho quân đi bắt người khắp nơi trong huyện để cất giấu vàng. Trước khi cho vàng vào hốc cây, những người này được vua cho ăn ngon, mặc đẹp. Sau khi cất giấu vàng xong, vua lệnh cho giết hết tất cả những người này nhằm bịt đầu mối. Tuy nhiên, trong đoàn vẫn có một người bỏ trốn được”.

  Vực Trẩy, thuộc khe Dương Cau ngày xưa có cây Pằn Nàng là nơi vua Hàm Nghi cất giấu vàng.

Nhiều người đặt câu hỏi rằng: liệu có còn kho báu nào của vua Hàm Nghi nữa không? Điều này cũng rất khó trả lời chính xác. Thế nhưng, gần 30 năm qua, ông Nguyễn Hồng Công, một người từ thành phố Hồ Chí Minh đã tiêu tốn biết bao công sức, tiền của để tìm kho báu với một tấm bản đồ không biết thực hư. Và trong suốt thời gian dài đó, ông đã nằm gai nếm mật trên núi Mã Cú, xã Hóa Sơn để tìm vàng. Nhưng đến nay, sức cùng lực kiệt ông vẫn không tìm thấy kho báu nào. Dù trước đó, ông đã từng hai lần tuyên bố tìm thấy kho vàng của vua Hàm Nghi.

Ông Đinh Tiến Hùng, một người cao tuổi ở thị trấn Quy Đạt đã có nhiều công trình nghiên cứu về vua Hàm Nghi nhận định: “Chẳng còn kho báu nào của vua Hàm Nghi ở xã Hóa Sơn nữa cả. Tôi cho rằng, bản đồ mà ông Nguyễn Hồng Công đang cầm đúng là bản đồ thật, được vẽ ngay tại thời điểm cất giấu vàng. Nhưng bản đồ này chỉ là chiêu bài đánh lừa hậu thế và giặc Pháp của nhà vua”.

Trước đó, các nhà khoa học cũng đã vào cuộc nghiên cứu và kết luận ở khu vực ông Công đào vàng trên núi Mã Cú không có dấu hiệu gì cho thấy các tầng đất ở đó bị xáo trộn như kiểu đã bị đào bới rồi lấp lại để chôn cất kho báu. Ở đó chỉ toàn là mạch đất nguyên sinh. Một số ý kiến khác lý giải thêm: trong lúc đang bị giặc Pháp truy đuổi ráo riết như thế, vua và quan quân không đủ thời gian, điều kiện để đào cả ngọn núi để chôn vàng. Trong cuộc hành trình của nhà vua từ Huế ra toàn đi bí mật ở địa hình rừng núi hiểm trở nên không cho phép mang vác cả một khối lượng của cải nặng đi theo nên chuyện mang cả kho báu là điều không thể.

Và trong thời khắc “dầu sôi lửa bỏng” như thế, có lẽ vua đã nghĩ nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất và quyết định chọn gốc cây Pằn Nàng để giấu hết toàn bộ số vàng. Còn chuyện bản đồ kho báu và những lời lý giải xung quanh vấn đề này của ông Nguyễn Hồng Công có thể là hoang tưởng(?).

Theo Báo Quảng Bình