Đầu tháng 4-2019: Triển khai điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV qua bảo hiểm y tế
(BDO) Trước đây, bệnh nhân HIV điều trị bằng thuốc ARV chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ quốc tế. Tuy nhiên, theo lộ trình, từ cuối năm 2018, nguồn viện trợ thuốc này bị cắt giảm hoàn toàn. Để tiếp tục duy trì việc điều trị ARV cho người nhiễm HIV, từ ngày 8-3, Bộ Y tế bắt đầu triển khai thực hiện điều trị ARV cho người nhiễm HIV qua bảo hiểm y tế (BHYT). Để hiểu hơn về việc triển khai thực hiện chương trình này trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Bình Dương vừa có cuộc phỏng vấn bác sĩ chuyên khoa I Vương Thế Linh, Phó trưởng khoa Quản lý điều trị Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh xoay quanh một số vấn đề liên quan...
Bệnh nhân nhiễm HIV cần tham gia bảo hiểm y tế đầy đủ để được thanh toán chi phí khi điều trị bằng thuốc ARV
- Từ cuối năm 2018, người nhiễm HIV sẽ không còn được điều trị thuốc ARV miễn phí nữa. Vì thế, giải pháp điều trị ARV cho người nhiễm HIV bằng BHYT được xem là “cứu cánh” mới của người nhiễm. Cụ thể điều này như thế nào, thưa bác sĩ?
- Thời gian qua, chi phí điều trị bằng thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV tại Việt Nam chủ yếu là từ nguồn tài trợ quốc tế. Từ nguồn viện trợ này, người nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV miễn phí. Tuy nhiên, theo lộ trình mà dự án hỗ trợ thì từ cuối năm 2018, nguồn viện trợ quốc tế cho chương trình này đã kết thúc.
Theo tính toán, chi phí cho một bệnh nhân HIV điều trị thuốc ARV theo phác đồ điều trị bậc 1 khoảng hơn 4 triệu đồng/năm. Đó là chưa kể đến các khoản chi phí khám bệnh, xét nghiệm và dịch vụ liên quan khác. Để bảo đảm cho người nhiễm HIV không bị gián đoạn, ít tốn kém trong quá trình điều trị thuốc ARV trong thời gian tới thì BHYT chính là nguồn thay thế quan trọng cung cấp thuốc ARV cho họ. Và từ 8-3- 2019, Quỹ BHYT đã bắt đầu mở rộng chi trả chi phí thuốc ARV cho tất cả bệnh nhân nhiễm HIV có thẻ BHYT.
- Cụ thể, điều này sẽ được thực hiện trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa bác sĩ?
- Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Bình Dương cũng sẽ thực hiện điều trị ARV cho người nhiễm HIV qua BHYT. Để làm được điều này, cái quan trọng nhất là bệnh nhân phải có BHYT trước.
Để chuẩn bị mọi mặt thật tốt trước khi triển khai chương trình trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh làm việc với tất cả các phòng khám ngoại trú trên địa bàn. Từ giữa năm 2016 đến đầu năm 2017, chúng tôi đã vận động tất cả bệnh nhân đang điều trị phải tham gia BHYT. Điều đáng nói là, tại Bình Dương bệnh nhân HIV đều phải tự mua BHYT (chứ không sử dụng ngân sách cấp), nhưng phần đồng chi trả 20% thì trung tâm sẽ xin kinh phí từ đề án bảo đảm tài chính của tỉnh để đồng chi trả 20% chi phí thuốc ARV cho bệnh nhân (nghĩa là, họ chỉ cần mua BHYT, còn lại phần đồng chi trả họ sẽ được hỗ trợ). Đây chính là sự bền vững, bệnh nhân phải cùng tham gia với việc điều trị của mình. Thông tư 146 mới nhất năm 2019 đã hướng dẫn về việc chuyển tuyến, khám BHYT. Do đó, tất cả bệnh nhân khám đúng tuyến theo phân tuyến BHYT thì họ sẽ được khám, thanh toán thuốc ARV theo quy định.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã phát tờ rơi tuyên truyền đến những bệnh nhân HIV về lợi ích khi tham gia BHYT, những lợi ích khi điều trị ARV... để họ nắm và tham gia BHYT đầy đủ.
Khác với các tỉnh khác là chỉ triển khai ban đầu tại một số phòng khám, riêng Bình Dương sẽ tổ chức cấp thuốc ARV cho người nhiễm HIV qua nguồn BHYT tại tất cả các phòng khám ngoại trú trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, chương trình sẽ được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh từ tuần đầu tiên của tháng 4-2019.
- Việc điều trị bằng ARV sớm cho người nhiễm HIV có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng chống HIV/AIDS cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nhiễm. Xin bác sĩ cho biết rõ hơn về những lợi ích của việc điều trị HIV bằng thuốc ARV?
- Từ trước đến nay có nhiều thay đổi trong công tác điều trị HIV. Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về điều trị HIV (Hướng dẫn số 5418 ngày 1-12- 2017), tất cả bệnh nhân khi phát hiện nhiễm HIV phải đưa vào điều trị ngay, càng sớm càng tốt. Dĩ nhiên, việc điều trị ngay rất tốt cho bệnh nhân. Thứ nhất là giảm lây nhiễm trong cộng đồng và người thân của họ; giúp người bệnh cải thiện nhanh tình trạng bệnh của họ và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
- Thực tế, việc triển khai BHYT cho người nhiễm HIV/ AIDS trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua có gặp phải khó khăn gì không? Và chúng ta phải làm gì để phấn đấu đạt 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT, thưa bác sĩ?
- Thực tế, vẫn còn một số bệnh nhân không đủ điều kiện để mua BHYT (như không có chứng minh nhân dân, không có hộ khẩu) nên họ không thể nào mua được BHYT; hoặc một số bệnh nhân không nằm trong diện hộ nghèo của địa phương nhưng không có tiền để mua BHYT. Hiện tại, 2 đối tượng này trung tâm cũng đã xin ý kiến của Sở Y tế, UBND tỉnh và làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh để có cơ chế riêng mua BHYT cho những người này để họ có đủ điều kiện tham gia khám chữa bệnh qua BHYT. Theo thống kê đầu năm 2019, số đối tượng không đủ điều kiện này có 27 người, chiếm khoảng 1% tổng số bệnh nhân HIV đang điều trị trên địa bàn tỉnh. Về lâu dài, những bệnh nhân này cũng phải bảo đảm xin được các giấy tờ cần thiết để tham gia BHYT đúng theo quy định.
- Xin cảm ơn bác sĩ!
HỒNG THUẬN (thực hiện)