Đầu số 156: Quyết liệt xử lý vấn nạn “rác”, lừa đảo qua tin nhắn và cuộc gọi
(BDO) Tình trạng cuộc gọi rác trên mạng viễn thông diễn ra phức tạp, có chiều hướng tăng lên; đặc biệt, xuất hiện nhiều cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo các cơ quan Nhà nước, các tổ chức nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người dùng. Để xử lý vấn nạn này, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã triển khai Tổng đài 156 tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo.
Người dân có thể phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo thông qua 2 hình thức gửi tin nhắn hoặc gọi điện tới đầu số 156
Giải quyết nhiều bức xúc
Thời gian qua, một số đối tượng đã lợi dụng ưu điểm của dịch vụ viễn thông, phát tán cuộc gọi rác (gọi điện thoại quảng cáo, bán hàng mà không được sự đồng ý trước của người sử dụng, gây phiền nhiễu và nhiều hệ lụy khác. Đây là vấn nạn toàn cầu, không riêng gì Việt Nam.
Tại Bình Dương, câu chuyện các đối tượng lừa đảo gọi đến thông báo trúng thưởng, hoặc gửi tin nhắn nạp tiền phạt vi phạm luật giao thông, luật hình sự… đã quá quen thuộc trong các buổi thời sự tại gia của nhiều người dân. Để nâng cao cảnh giác cho người dân, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã thường xuyên tuyên truyền và định hướng cho người dân biết các thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm công nghệ cao để phòng tránh.
Trước tình trạng tin nhắn và cuộc gọi rác làm phiền ngày càng nhiều, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã đưa vào vận hành Tổng đài điện thoại số 5656 (miễn phí) để nhận phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Để đăng ký từ chối cuộc gọi rác và tin nhắn rác, người dân soạn tin nhắn theo cấu trúc “DK DNC” và gửi đến 5656. Phản ánh cuộc gọi rác, soạn tin theo cú pháp “V (dấu cách) số điện thoại phát tán quảng cáo (dấu cách) nội dung quảng cáo”. Phản ánh tin nhắn rác soạn tin nhắn với nội dung “S (dấu cách) số điện thoại phát tán quảng cáo (dấu cách) nội dung quảng cáo”.
Trong 9 tháng năm 2022, Tổng đài 5656 đã tiếp nhận 202.949 lượt phản ánh. Trong đó: Số lượt phản ánh tin nhắn rác là 25.476 lượt (giảm 10,6 % so với cùng kỳ năm 2021); số lượt phản ánh cuộc gọi rác là 177.473 lượt (tăng 34,2%) trong đó phản ánh về cuộc gọi đòi nợ, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo chiếm 12,5%. Từ năm 2020, Bộ TT&TT đã triển khai đầu số 5656 tiếp nhận tin nhắn phản ánh các tin nhắn rác, cuộc gọi rác theo quy định tại Nghị định 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Quyết liệt xử lý
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc phản ánh, từ ngày 1-11-2022, Bộ TT&TT triển khai thí điểm đầu số 156 tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo qua hai hình thức thoại và tin nhắn (đầu số 5656 vẫn duy trì hoạt động). Đây là đầu số được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai với tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động.
Ngay khi biết có Tổng đài 156, nhiều người dân Bình Dương đã gọi phản ánh theo hướng dẫn và thấy đây là kênh tiếp nhận rất thiết thực. Chị Hà Thanh Trúc (ngụ tại phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) cho biết, thay vì tức giận khi bị số điện thoại lạ gọi đến thông báo lừa đảo “Có một bưu phẩm ở bưu điện, vui lòng thanh toán theo hướng dẫn để được giao tận nhà”, thì nay chỉ cần gọi 156 trình báo và làm theo hướng dẫn là sẽ có cách trị các đối tượng này.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thành (phường An Phú, TP.Thuận An) cho biết, nhiều người nhẹ dạ cả tin, nên khi nghe thông báo con em mình liên quan đến vụ vi phạm luật giao thông thì rất lo lắng và muốn nhanh chóng giải quyết hộ, thế là mắc “bẫy” của bọn lừa đảo. Mỗi lần nghe có người quen bị lừa do cuộc gọi hay tin nhắn qua điện thoại, anh Thành rất bức xúc. Nay anh rất mừng vì có kênh giải quyết được những bức xúc trên. Hy vọng, thông tin bổ ích này sẽ sớm được lan tỏa để mọi người chung tay cảnh giác và ngăn chặn hành vi lừa đảo của các tội phạm công nghệ cao này.
Trao đổi với P.V, ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Sở TT&TT cho biết, việc tích cực tham gia phản ánh thông tin của người dân, khách hàng sẽ giúp cho các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp viễn thông có đủ thông tin chính xác, tin cậy để tiến hành các biện pháp ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật. Khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, đề nghị người dân bình tĩnh, thực hiện phản ánh tới đầu số 156 thông qua 2 hình thức gửi tin nhắn hoặc gọi điện tới đầu số 156.
Sau khi tiếp nhận thông tin, nhà mạng sẽ sàng lọc, xác minh, phản hồi khách hàng, đồng thời tổng hợp gửi nội dung phản ánh tới cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ TT&TT để có biện pháp xử lý theo quy định. Các doanh nghiệp viễn thông sẽ dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, tiếp theo tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông 2 chiều nếu số thuê bao có hành vi vi phạm phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi dấu hiệu lừa đảo. Hiện nay, các nhà mạng gồm Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile… đã ký thỏa thuận ngăn chặn, xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM có dấu hiệu tồn kênh.
Người dân phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo thông qua 2 hình thức gửi tin nhắn hoặc gọi điện tới đầu số 156. Cách 1: Gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156 với cú pháp: S (số điện thoại - nguồn phát tán) kèm nội dung phản ánh gửi 156 (hoặc 5656); với cuộc gọi có dấu hiệu gọi rác: V (số điện thoại - nguồn phát tán) kèm nội dung phản ánh gửi 156 (hoặc 5656); với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân soạn tin nhắn với cú pháp: LD (số điện thoại - nguồn phát tán) kèm nội dung phản ánh gửi 156 (hoặc 5656). Cách 2: Ngoài nhắn tin, người dân có thể gọi tới đầu số 156 (các doanh nghiệp viễn thông sẽ áp dụng việc miễn phí cước cuộc gọi) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo; trích dẫn một số nội dung có liên quan...) theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng. |
MINH HIẾU