Đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt: Trách nhiệm của cả cộng đồng
Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương giai đoạn 1 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ lâu, tuy nhiên, con số hộ gia đình và cơ sở sản xuất trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một tham gia thực hiện đấu nối chiếm rất ít. Trong khi đó, ô nhiễm môi trường từ kênh, rạch, mương thoát nước từ nước thải, rác thải ngày càng trầm trọng… Làm thế nào để các hộ gia đình và cơ sở sản xuất đều tham gia đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt? Đây là trách nhiệm của cả cộng đồng.
(BDO)
Nhà máy xử lý nước thải cho toàn TP.Thủ Dầu Một
Đa dạng truyền thông
Là trung tâm tỉnh lỵ của Bình Dương, những năm gần đây, TP.Thủ Dầu Một có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh. Điểm nhấn thúc đẩy tiến trình này là sự thay đổi rất lớn vể diện mạo đô thị cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chính vì lẽ đó, dân số cũng tăng theo và áp lực môi trường đang là vấn đề mà TP.Thủ Dầu Một đang tập trung giải quyết, trong đó hiện trạng môi trường nước là đáng báo động. Theo đánh giá sơ bộ của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố, không chỉ chất lượng nguồn nước mặt, mà nước dưới đất cũng đang ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân là do nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp thải thẳng ra kênh rạch. Một số hộ gia đình còn xây dựng nhà vệ sinh không đúng cách, đào hầm tự hoại… làm cho nước dưới đất đã ô nhiễm ngày càng báo động nhiều hơn.
Chi phí đấu nối và miễn giảm: Đối tượng là gia đình bà mẹ Việt Nam anh hùng được hỗ trợ 100% chi phí đấu nối; hộ nghèo được UBND phường, xã xác nhận thì được hỗ trợ tối đa không quá 30% chi phí đấu nối. Ngoài các đối tượng nêu trên, các hộ thoát nước sẽ chi trả 100% chi phí đấu nối. Hộ thoát nước là hộ gia đình được miễn phí 100% chi phí khảo sát, thiết kế và lập dự toán. Chi phí đấu nối cho 1 hộ thoát nước (có chiều dài 10m), khoảng 3,5 - 5 triệu đồng; chi phí đấu nối bình quân khoảng 350.000 đồng/1m tới. |
Điều quan trọng nhất theo ông Cường là nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn nước mặt tại các kênh rạch, phòng đã phối hợp với địa phương và Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đấu nối nước thải sinh hoạt vào hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt của TP.Thủ Dầu Một. 12 buổi hội nghị tuyên truyền về bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường nước mặt tại các kênh rạch thoát nước được tổ chức, cùng với truyền thông đại chúng phát nhiều chương trình mang tính chuyên đề… đã từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của hộ gia đình và vai trò cộng đồng dân cư. Thế nhưng, đến nay số hộ gia đình tham gia còn rất ít.
Lợi ích từ dự án
Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương có nhiệm vụ thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phát sinh trong phạm vi trung tâm của TP.Thủ Dầu Một bao gồm 900 ha ở các phường Phú Cường, Phú Lợi, Chánh Nghĩa và một phần diện tích các phường Hiệp Thành, Phú Thọ, Phú Hòa, với 13.027 hộp đấu nối cho các hộ xả thải, hộ đấu nối gia đình. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 9,817 tỷ Yen Nhật, quy ra trên 1.984 tỷ VND; trong đó vốn JICA của Chính phủ Nhật Bản tài trợ hơn 7.770 triệu Yen, tương đương hơn 1.584 tỷ VND, chiếm 79,8% tổng vốn, vốn đối ứng của Việt Nam trị giá trên 2,047 tỷ Yen Nhật, tương đương hơn 400 tỷ VND.
Thời gian thực hiện từ năm 2007 đến 2014, quy mô dự án gồm xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt trên khu vực có diện tích 11 ha tại phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một. Công suất quy hoạch 70.000m3/ngày đêm, trong đó công suất giai đoạn 1 là 17.650m3/ngày đêm. Khối lượng thiết kế gồm 1 đơn nguyên xử lý nước thải sinh hoạt có công suất 17.650m3/ngày đêm cùng các công trình đồng bộ, tuyến ống thu gom chuyển tải có Ø100 ÷ 1.200mm với chiều dài 280.351m, 12 trạm bơm nâng và 13.027 hộp đấu nối. Dự án sử dụng hệ thống thu gom nước thải riêng, tách biệt hoàn toàn với nước mưa, bảo đảm nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý triệt để trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Ông Lê Văn Gòn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương (BIWASE) cho biết, điểm nổi bật của dự án chính là việc bố trí tại mỗi hộ gia đình một hộp đấu nối và thu trực tiếp nước thải từ nguồn phát sinh mà không cần thông qua hầm tự hoại hay hố tự thấm, nên hộ thoát nước sẽ tiết kiệm được chi phí trong việc xây dựng, bảo trì và hút hầm tự hoại.
Trao đổi với chúng tôi, ông Gòn còn cho biết nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt có công suất 17.650m3/ngày đêm, cùng với mạng lưới thu gom nước thải với tổng chiều dài khoảng 280km, bao gồm tuyến ống chính, ống nhánh, ống thu gom, ống áp lực, các trạm bơn chuyển tiếp/trạm bơm nâng đã đưa vào sử dụng từ lâu. Hiện tại, công suất thu gom được tại nhà máy là 5.000m3/ ngày đêm, đạt 30% kế hoạch đề ra. Ông Gòn còn phân tích rất cụ thể chất lượng nguồn nước sau xử lý đạt theo quy chuẩn QCVN 14/2008/BTNMT, cột A được Sở TN&MT xác nhận. Điều quan trọng là do chú trọng đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại, nên nhà máy ít phát tán mùi hôi, góp phần giữ vệ sinh môi trường xung quanh khu vực. Dự án thành công, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, nên sau một năm đưa vào sử dụng, đã có 1.913 hộ gia đình ở các phường Phú Cường, Phú Lợi, Phú Hòa tham gia đấu nối. Dự án sẽ thành công hơn nữa nếu cả cộng đồng đều tham gia.
H.ÁI