Đầu mùa khai thác mủ cao su: Cảnh giác với bệnh nấm vườn cây!

Thứ ba, ngày 17/05/2011

Mùa mưa đã chính thức bắt đầu ở miền Nam. Đây là thời điểm báo hiệu một mùa khai thác cao su bắt đầu, đó cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển. Trong đó, nguy hiểm nhất là nấm corynespora đang là nỗi lo lớn nhất của nông dân. Trong tình hình hiện tại, người trồng cao su cần thực hiện tốt các biện pháp để phòng chống loại bệnh này.

Thiệt hại khó lường

Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu bước vào mùa khai thác mới. Tiếp đà thắng lợi năm 2010, năm nay, giá mua mủ cao su đầu mùa đã lên cao ngất ngưởng (hơn 900 đồng/độ). Đây chính là cơ hội tốt cho người trồng cao su đang thu hoạch. Tuy nhiên, đầu mùa cạo khi mà thời tiết đang diễn biến phức tạp cũng chính là điều kiện cho loại nấm corynespora bùng phát trở lại. Hiện nay, nếu người trồng cao su không có các biện pháp chăm sóc vườn cây cũng như có các chế độ cạo hợp lý thì khả năng nhiễm bệnh của vườn cây là rất cao.

  Người dân phun thuốc phòng trừ nấm corynespora cho vườn cây cao su

Trong năm 2010, khi dịch bệnh bùng phát mạnh trên địa bàn Bình Dương, nhiều nông dân đã tỏ ra lúng túng và bị động trong phòng chống dịch bệnh do thiếu các kiến thức cơ bản về loại bệnh này. Khi thấy vườn cây của gia đình vàng lá rồi rụng lá, nhiều nông dân đã chủ quan và tự mua các loại thuốc về phun xịt không đạt hiệu quả. Do vậy, nhiều nhà vườn đã chịu thiệt hại nặng nề và nhiều người đã vỡ mộng làm giàu từ cây cao su.

Nguyên nhân gây bệnh rụng lá trên các diện tích cao su trong thời gian qua là do nấm corynespora gây ra. Bào tử của nấm phóng thích vào ban ngày, cao điểm là từ 8 - 11 giờ. Sau thời gian mưa nhiều, tiếp theo nắng ráo, số lượng bào tử xuất hiện nhiều nhất. Bào tử của loại nấm này có khả năng tồn tại trên vết bệnh hoặc trong đất với thời gian dài, trên lá cao su khô nấm vẫn tồn tại và giữ nguyên khả năng gây bệnh đến 1 năm. Hiện nay, nấm đã hình thành nhiều nòi sinh lý nên có khả năng gây bệnh cho nhiều dòng vô tính kháng. Theo các cơ quan chuyên môn, bệnh này xảy ra quanh năm và suốt chu kỳ sống của cây cao su nên có tác hại lớn. Ngoài ra, do khâu tuyển chọn giống của người nông dân còn rất thấp. Với năng suất mủ giảm từ 20 - 30% làm cho nhiều người trồng cao su đang lao đao, nhất là với những nhà vườn vừa bước vào mùa cạo đầu tiên hoặc đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản.

Mùa mới - nỗi lo cũ

Năm 2010, chỉ trong một thời gian ngắn bệnh corynespora đã lây lan với một tốc độ nhanh. Thời điểm cao nhất, diện tích cao su nhiễm bệnh của Bình Dương là gần 6.000 ha. Tuy nhiên bằng các biện pháp phòng trừ của các cơ quan chức năng và sự cảnh giác của người dân với loại bệnh này mà hiện nay diện tích nhiễm bệnh chỉ còn khoảng 150 ha. Tuy nhiên, người trồng cao su cũng cần hết sức cảnh giác với loại bệnh này vì đây là thời điểm chuyển mùa, môi trường không khí rất thuận lợi cho bào tử của nấm corynespora phát tán. Ông Nguyễn Văn Lắm - nông dân xã Phước Sang, huyện Phú Giáo cho biết: “Năm ngoái, nông dân chúng tôi chưa hiểu nhiều về loại bệnh này nên thời gian đầu cũng tốn nhiều tiền mua thuốc về phun xịt mà không hiệu quả. Về sau, qua tập huấn, chúng tôi đã học được cách phòng trừ bệnh hiệu quả hơn cho vườn cây gia đình. Năm nay, nhiều nông dân đã không chủ quan nữa mà đã áp dụng các biện pháp chăm sóc tốt vườn cây để đối phó với dịch bệnh”. Ông Nguyễn Phong Huy - Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Dương cho biết: “Trong thời điểm mưa nắng thất thường như hiện nay là điều kiện tốt để bệnh phát triển. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo cho các Trạm bảo vệ thực vật các huyện gửi thông báo đến các xã để tuyên truyền cho nông dân cách thức phòng chống loại bệnh này. Đối với người dân không nên trồng giống cao su RRIV4 trên các diện tích trồng mới vì đây là giống rất mẫn cảm với bệnh”.

Để phòng trừ loại bệnh này một cách có hiệu quả lâu dài, người trồng cao su cần áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp như: chăm sóc tốt vườn cây; bón phân cân đối NPK đồng thời bổ sung thêm lượng canxi, magiê, lưu huỳnh và các nguyên tố vi lượng; thực hiện chế độ cạo hợp lý (D3). Nên thường xuyên thăm vườn cây và khi phát hiện dấu hiệu của bệnh cần có các biện pháp xử lý nhanh chóng. Có thể vừa phun thuốc trên cây vừa phun thuốc dưới đất nhằm tiêu diệt bào tử nấm nằm trong lá rụng.

 

Người dân cũng có thể tham khảo 6 loại thuốc phòng trừ nấm corynespora như sau:

1. Hỗn hợp thuốc: Anvil 5SC 2 lít + Ridomil Gold 68 WG 1kg/ha pha với 1.000 lít nước.

2. Sumi-Eight 12.5 WP 2 lít/ha pha với 1.000 lít nước; có thể sử dụng hỗn hợp Sumi Eight 0,5 lít + carbenda 2 lít pha với 1.000 lít nước.

3. Siuvil 350SC 2,5 lít/ha pha với 1.000 lít nước.

4. Carbenzim. 500FL 1,5 lít + Hexa. 5SC 2,5 lít/ha pha với 1.000 lít nước.

5. Thio M 500SC 2 lít + saizol 5SC 2,5 lít/ha pha với 1.000 lít nước.

6. Dipomate 80WP + Saizol 5SC 2 + 2,5 lít/ha pha với 1.000 lít nước.

CAO SƠN