Đau mắt đỏ và cách phòng tránh

Thứ tư, ngày 03/10/2018

(BDO) Đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc, là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút hoặc vi khuẩn gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gặp vào mùa hè đến cuối mùa thu… Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, dễ lây lan trong cộng đồng và phát triển thành dịch.

Đau mắt đỏ có thể lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh khi ôm hôn, bắt tay hoặc qua tiếp xúc với các vật dụng nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt, gối, tay nắm cửa, điện thoại, đồ chơi… Ngoài ra, bệnh còn lây nhiễm do sử dụng nguồn nước bị nhiễm khuẩn, thói quen hay dụi mắt, sờ tay vào mũi, miệng.

Biểu hiện ban đầu, người bị bệnh cảm thấy khó chịu ở mắt, sau đó cộm như có cát trong mắt, mắt có nhiều ghèn, ghèn mắt có thể có màu xanh hoặc màu vàng. Mắt đỏ, mi mắt sưng, mọng, đau nhức, chảy nước mắt. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh có thể có thêm các triệu chứng như mệt mỏi, sốt nhẹ, xuất hiện hạch sau tai.

Đau mắt đỏ thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh.

Để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ trong cộng đồng, cần thực hiện những biện pháp sau:

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường.

Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ hoặc nghi ngờ bị đau mắt đỏ.

Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm để tránh lây nhiễm người xung quanh và cộng đồng.

Đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị để tránh biến chứng nặng có thể làm ảnh hưởng đến thị lực của mắt.

 DS. GIANG NHUNG